Xây dựng bộ tài liệu giáo dục địa phương lớp 1: Phải phù hợp với tư duy của trẻ

Cùng với cả nước, Quảng Ngãi đang biên soạn, thẩm định nội dung bộ tài liệu 'Thực hành hoạt động giáo dục địa phương tỉnh Quảng Ngãi, lớp 1', để kịp triển khai trong năm học 2020 - 2021. Đây là một bộ phận quan trọng trong Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới.Bồi dưỡng cán bộ, giáo viên sử dụng sách giáo khoa lớp 1

Giúp trẻ hiểu về quê hương

Trong Chương trình GDPT mới, nội dung giáo dục địa phương là những vấn đề cơ bản hoặc thời sự về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp... của địa phương bổ sung cho nội dung giáo dục bắt buộc chung thống nhất trong cả nước, nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học, góp phần giải quyết những vấn đề của quê hương.

Ở cấp tiểu học, nội dung giáo dục của địa phương được tích hợp với hoạt động trải nghiệm. Điểm khác biệt giữa tài liệu giáo dục địa phương mới so với những tài liệu trước đây là tập trung biên soạn theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học, với quy trình chặt chẽ, công phu. Bộ tài liệu giáo dục địa phương do địa phương tổ chức biên soạn theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, đảm bảo phù hợp với Chương trình GDPT 2018.

Hội đồng Thẩm định thẩm định tài liệu “Thực hành hoạt động giáo dục địa phương tỉnh Quảng Ngãi, lớp 1”.

Hiện nay, các địa phương đang biên soạn và thẩm định bộ tài liệu giáo dục địa phương đối với lớp 1, là khối lớp đầu tiên thực hiện Chương trình GDPT mới vào năm học 2020 - 2021. Ở chương trình giáo dục tiểu học, không có quỹ thời gian riêng dành cho giáo dục địa phương mà nội dung này được tích hợp vào các môn học trải nghiệm.

Theo dự thảo, tài liệu “Thực hành hoạt động giáo dục địa phương tỉnh Quảng Ngãi, lớp 1” có 8 chủ đề, với 60 trang, thể hiện những nội dung cơ bản của văn hóa địa phương, gắn liền với các hoạt động trải nghiệm cụ thể như nơi em ở; lễ hội đua thuyền; danh nhân Bùi Tá Hán; ứng xử trong gia đình; vị trí địa lý nơi em ở; núi Thiên Ấn, sông Trà Khúc; nghề làm nón lá Chợ Đình; thực hiện tốt năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định bộ tài liệu “Thực hành hoạt động giáo dục địa phương tỉnh Quảng Ngãi, lớp 1” cho rằng: “Thực hành hoạt động giáo dục địa phương tỉnh Quảng Ngãi, lớp 1 phải phù hợp với tư duy, tâm sinh lý của học sinh lớp 1; tránh việc dùng tư duy của người lớn, ngôn ngữ và cách hiểu của người lớn để áp đặt cho trẻ”.

Chú trọng hình ảnh, vùng miền

Chủ biên tài liệu “Thực hành hoạt động giáo dục địa phương tỉnh Quảng Ngãi, lớp 1”, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Ngọc Thái nhấn mạnh: Mục tiêu của việc biên soạn bộ tài liệu là trang bị cho học sinh những kiến thức về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp... của địa phương, giúp học sinh hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước. Từ đó, các em có ý thức và tự rèn luyện về những điều cần làm đối với những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của địa phương và dân tộc.

Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng, TS.Nguyễn Đăng Vũ nêu quan điểm: “Tài liệu cần phong phú về nội dung, đa dạng về hình ảnh. Hội đồng biên soạn cần chọn lọc các hình ảnh về mỗi địa phương khác nhau phù hợp với từng chủ đề. Đơn cử như đua thuyền Quảng Ngãi là hoạt động diễn ra ở nhiều nơi, kể cả đua thuyền trên sông lẫn trên biển. Đặc biệt, ảnh bìa của tài liệu thể hiện rõ đặc trưng của Quảng Ngãi như núi Ấn - sông Trà". Đồng quan điểm này, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định, Giám đốc Sở KH&CN Nguyễn Văn Thành cho rằng, những hình ảnh sử dụng trong tài liệu phải phù hợp, nhằm định hướng cho trẻ về những lễ nghĩa theo đúng “Tiên học lễ, hậu học văn”.

Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Linh (Sơn Hà) Nguyễn Quốc Bảo, ủy viên Hội đồng Thẩm định tài liệu “Thực hành hoạt động giáo dục địa phương tỉnh Quảng Ngãi, lớp 1” trong Chương trình GDPT 2018 chia sẻ: Tài liệu mang tính xuyên suốt và được dạy theo hướng mở. Có hai chủ đề lớn về nơi ở của các học sinh, đó là khu vực đồng bằng và miền núi. Giáo viên cần linh hoạt trong giảng dạy để không vượt quá tư duy của các em..

.

Trong 10 ngày (từ 20 - 29.7), Sở GD&ĐT tổ chức bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên sử dụng sách giáo khoa lớp 1. Có 44 lớp với hơn 6.900 lượt cán bộ quản lý và giáo viên trực tiếp dạy lớp 1 năm học 2020 - 2021 được các tác giả, các chủ biên giới thiệu bộ sách giáo khoa của 8 môn học và hoạt động giáo dục của lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; đồng thời giải đáp thắc mắc trong thời gian bồi dưỡng trực tuyến, hướng dẫn sử dụng sách giáo khoa lớp 1 đối với các môn học và các hoạt động giáo dục đã được các cơ sở giáo dục lựa chọn. Sau khi hoàn thành bồi dưỡng trực tiếp, Phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tổ chức các lớp bồi dưỡng cấp huyện cho 100% cán bộ quản lý và giáo viên lớp 1.

D.Hùng

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2027/202007/xay-dung-bo-tai-lieu-giao-duc-dia-phuong-lop-1-phai-phu-hop-voi-tu-duy-cua-tre-3014102/