Xây dựng Bỉm Sơn thành trọng điểm công nghiệp Bài 1: Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp: Nền tảng cho sự phát triển

Với nguồn tài nguyên thiên nhiên thuận lợi cho phát triển các ngành công nghiệp, thị xã Bỉm Sơn được xác định là trọng điểm công nghiệp phía Bắc của tỉnh. Để thực hiện được mục tiêu đó, thị xã đã và đang triển khai các giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp làm nền tảng đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế của thị xã.

Công nhân Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn bốc xếp hàng hóa lên container xuất khẩu. Ảnh: Minh Hằng

37 năm trước, Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn được hiện diện trên mảnh đất này. Với nguồn tài nguyên đá vôi được đánh giá có chất lượng tốt nhất Việt Nam, các sản phẩm của nhà máy đã có mặt trên mọi vùng miền để xây dựng nên những công trình mang tầm vóc thế kỷ. Trải qua gần 4 thập kỷ, hiện nay, xi măng Bỉm Sơn đã làm chủ những công nghệ sản xuất tiên tiến nhất. Cuối năm 2016, Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn đã đầu tư xây dựng công trình chuyển đổi công nghệ hệ thống nghiền xi măng đến đóng bao có công suất thiết kế 210 tấn xi măng/giờ. Tổng mức đầu tư của dự án gần 800 tỷ đồng. Thiết bị của dự án được đầu tư đồng bộ, hiện đại, do nhà thầu Loesche (Cộng hòa Liên bang Đức) cung cấp. Dự án nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao độ mịn, giảm mức độ ảnh hưởng đến môi trường, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Với sự xuất hiện của Nhà máy Xi măng Long Sơn, thị xã Bỉm Sơn ngày hôm nay đã trở thành xứ sở của xi măng với 2 nhà máy có tầm vóc lớn trong ngành xi măng Việt Nam. Hiện nay, khi giai đoạn 2 của Nhà máy Xi măng Long Sơn hoàn thành và đi vào sản xuất, tổng công suất sản phẩm xi măng của thị xã đã đạt hơn 9 triệu tấn/năm.

Xác định công nghiệp vật liệu xây dựng là thế mạnh, thị xã đã triển khai các giải pháp khuyến khích doanh nghiệp phát huy năng lực sản xuất của các nhà máy, cải tiến quy trình công nghệ, nâng cao năng suất, hạ giá thành, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nhiều nhà máy đã mạnh dạn đầu tư số vốn lớn để nhận chuyển giao thiết bị sản xuất hiện đại, như: Công ty CP Vật liệu Xây dựng Bỉm Sơn đầu tư dây chuyền sản xuất gạch tuynel công suất thiết kế 35 triệu viên/năm, ứng dụng công nghệ lò nung sấy tuynel trần phẳng với những cải tiến mới nhất vào hoạt động. Với việc đưa thêm dây chuyền số 3 vào sản xuất, tổng công suất cả 3 dây chuyền của nhà máy đã đạt con số 75 triệu viên/năm. Ông Nguyễn Tất Quán, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty, cho biết: So với công nghệ sản xuất cũ, công nghệ lò nung sấy tuynel trần phẳng có nhiều ưu điểm vượt trội, như: Giảm thiểu bụi, khói do nhiệt khí thải được tận dụng để nung sấy khô sản phẩm, tiết kiệm nhiên liệu khoảng 30% so với công nghệ cũ. Sản phẩm của công nghệ mới này bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe, khả năng chịu mặn tốt và đã được người tiêu dùng đón nhận ngay khi tham gia thị trường.

Để đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp (KCN), chính quyền địa phương đã và đang thực hiện nhiều giải pháp thu hút đầu tư, tạo bước chuyển biến mạnh về cơ cấu sản phẩm. Hiện nay, KCN Bỉm Sơn đã được điều chỉnh mở rộng lên 1.000 ha, thu hút được 26 dự án đầu tư với tổng vốn 6.418 tỷ đồng, trong đó có 3 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 23 dự án có vốn đầu tư trong nước. Các nhà máy trong KCN đang tạo việc làm cho gần 1.500 lao động với thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, Nhà máy chế tạo cầu và kết cấu thép của Công ty TNHH MTV Xây dựng cầu Châu Á YADA đã xây dựng xong và chuẩn bị đi vào hoạt động. Với công suất thiết kế 3.000 tấn/năm, tổng vốn đăng ký đầu tư là 10 triệu USD, đây sẽ là dự án sản xuất nên những sản phẩm kết cấu thép phục vụ cho việc phát triển hạ tầng giao thông tại Việt Nam. YADA Nhật Bản đã đầu tư đồng bộ hệ thống trang thiết bị, máy móc hiện đại và đang thực hiện chuyển giao kỹ thuật, kinh nghiệm xây dựng cầu thép của Nhật Bản cho Việt Nam. Bên cạnh đó, Nhà máy sản xuất ô tô Veam Bỉm Sơn, Nhà máy dinh dưỡng cây trồng Tiến Nông, Công ty CP Bánh kẹo Tràng An 3, các nhà máy dệt may cũng đang hoạt động ổn định..., tạo bức tranh đa sắc màu cho sản phẩm công nghiệp của thị xã.

Ông Tống Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND thị xã Bỉm Sơn, cho biết: Mặc dù còn nhiều khó khăn, thử thách, nhưng triển vọng về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn thị xã là rất lớn. Với nền tảng công nghiệp truyền thống, thị xã Bỉm Sơn sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để quy tụ đa dạng các ngành công nghiệp, tạo sức bật mới cho phát triển kinh tế trong thời gian tới. Trước hết, thị xã sẽ phối hợp với Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các KCN thực hiện mục tiêu thu hút doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh tại KCN Bỉm Sơn. Trong đó, ưu tiên thu hút các dự án sản xuất công nghiệp phụ trợ cho các ngành công nghiệp ô tô, xi măng, lọc hóa dầu, sản xuất linh kiện và lắp ráp điện tử, cơ khí chế tạo, dệt may, chế biến đồ gỗ mỹ nghệ... Hiện nay, tại KCN Bỉm Sơn đã có 3 nhà đầu tư hạ tầng thứ cấp là: Công ty CP Đầu tư phát triển VID, Công ty CP Kiến trúc Phục Hưng, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng HUD4 đầu tư hạ tầng một cách đồng bộ. Sắp tới, thị xã sẽ lập quy hoạch chi tiết 2 cụm công nghiệp tại phường Bắc Sơn và phường Lam Sơn để kêu gọi các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào sản xuất, kinh doanh.

Sự phát triển của ngành công nghiệp đã tạo sức lan tỏa, thúc đẩy các ngành dịch vụ, thương mại trên địa bàn thị xã phát triển. Hiện nay, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng trên địa bàn thị xã đã chiếm hơn 70%; thương mại - dịch vụ chiếm 27,96%. Các hoạt động thương mại, dịch vụ diễn ra khá sôi động, giao lưu hàng hóa phát triển mạnh, đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Thị xã Bỉm Sơn đặt mục tiêu đến năm 2020, tốc độ giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng bình quân 13,2%/năm; giá trị dịch vụ thương mại đạt 6.360 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ lấp đầy KCN đạt 68%, tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp đạt hơn 40%.

.Minh Hằng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/vn/kinh-te/n179529/bai-1:-cong-nghiep,-tieu-thu-cong-nghiep:-nen-tang-cho-su-phat-trien