Xây dựng, bảo vệ công trình, khu quân sự thế nào để thực sự hiệu quả?

Công trình quốc phòng, khu quân sự là tài sản của đất nước, có tác dụng đối với phát triển kinh tế - xã hội trong thời bình và thể hiện công năng trong thời chiến. Việc xây dựng và bảo vệ các công trình chính là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và toàn thể nhân dân các địa phương mà nòng cốt là lực lượng vũ trang. Xác định rõ vai trò thì việc xây dựng, bảo vệ các công trình quốc phòng, khu quân sự mới thực sự hiệu quả.

Bộ đội làm đường 30-4 tại Lục Ngạn (Bắc Giang)- công trình kết hợp kinh tế với quốc phòng

Bộ đội làm đường 30-4 tại Lục Ngạn (Bắc Giang)- công trình kết hợp kinh tế với quốc phòng

Các công trình quốc phòng, khu quân sự ngày càng tăng

Việc triển khai thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự trên địa bàn các tỉnh thời gian qua đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về quốc phòng, quân sự; đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh (QPAN); tạo thế và lực vững chắc trong xây dựng khu vực phòng thủ.

Đối với các địa phương, việc xây dựng và bảo vệ các công trình quốc phòng những năm gần đây đã được chú trọng. Hầu hết các địa phương đều đã đưa việc xây dựng, bảo vệ các công trình quốc phòng, khu quân sự vào chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ trong nhiệm kỳ, coi đó là một phần công việc quan trọng trong xây dựng khu vực phòng thủ.

Hệ thống công trình quốc phòng, khu quân sự cơ bản được quy hoạch phù hợp với quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, đồng thời bảo đảm được tính bí mật đối với các hoạt động quân sự.

Các địa phương cũng đã hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt thế trận quân sự các cấp. Đây là quy hoạch có tính “xương sống” để các địa phương xác định các khu vực, quy mô, tính chất những công trình quốc phòng cần phải xây dựng.

Nhiều tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bình Dương, Tây Ninh... đã xác định rõ nguồn kinh phí hàng năm cho xây dựng, bảo vệ các công trình quốc phòng, khu quân sự và đã triển khai đầu tư trong thực tế với hàng trăm tỷ đồng.

Trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch, đề án, tỉnh Bình Định từng bước hoàn thiện công tác bảo đảm cho nhiệm vụ quốc phòng, ưu tiên bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương gần 284 tỉ đồng để đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, quản lý hệ thống các công trình quân sự, khu quân sự, trường bắn, thao trường huấn luyện…

Nhờ vậy, tiến độ xây dựng các công trình quốc phòng, khu quân sự được duy trì tốt, số lượng ngày càng tăng. Những tỉnh, thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh... đã từng bước nghiên cứu, xây dựng các quy chế, quy định để kết hợp việc xây dựng các công trình dân sinh gắn với yếu tố QPAN. Chẳng hạn như một số tỉnh đã quy định khi xây nhà cao tầng ở những vị trí trọng điểm thì phải có tầng hầm, hoặc sân đỗ trực thăng để sử dụng khi có tình huống xảy ra.

Nhiều khu vực quân sự, công trình quốc phòng bị lấn chiếm, xâm canh trái phép

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, sau 24 năm tổ chức thực hiện Pháp lệnh (1994-2018), đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, đó là: Chưa thể chế hóa các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; một số quy định chưa thống nhất, phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và các luật có liên quan cũng như thực tiễn phát triển, hội nhập của đất nước, nhiệm vụ công trình quốc phòng, khu quân sự.

Sau 24 năm thực hiện Pháp lệnh, hiện nay, còn nhiều công trình quốc phòng, khu quân sự nằm rải rác trong khu dân cư, khu đô thị; một số lô cốt, hầm hào cũ nằm trên các trục đường, giá trị sử dụng hạn chế, do ảnh hưởng của phát triển kinh tế-xã hội.

Các khu đất quốc phòng là thao trường, bãi tập, trường bắn... thường nằm trên các vùng đồi núi, địa hình phức tạp, nên công tác quản lý, bảo vệ gặp khó khăn, còn xảy ra hiện tượng lấn chiếm, xâm canh trái phép vào khu vực quân sự, công trình quốc phòng.

Ví dụ, địa bàn Quân khu 1 có trên 1.900 công trình quốc phòng và khu quân sự với diện tích rất lớn, nhiều công trình bố trí ở địa hình phức tạp, ranh giới, mốc giới không rõ ràng do lịch sử để lại, nằm rải rác trong các khu dân cư; mặt khác, quá trình quy hoạch, lập các dự án phát triển kinh tế - xã hội xuất hiện mâu thuẫn giữa lợi ích kinh tế với QPAN; việc giải phóng mặt bằng, thu hồi và giao đất, giải quyết tranh chấp, lấn chiếm đất quốc phòng còn gặp khó khăn.

Hơn nữa lực lượng trông coi các công trình còn hạn hẹp, nên chưa thể bao quát hết các khu vực quân sự. Các công trình quốc phòng ven biển, trên đảo, trên biển do tác động của khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, nên nhanh xuống cấp, kinh phí sửa chữa còn hạn hẹp khiến việc khắc phục chậm. Một số địa phương còn chưa chú trọng đến công tác kết hợp xây dựng kết cấu hạ tầng gắn với xây dựng các công trình phục vụ QPAN...

Việc xây dựng và bảo vệ các công trình quốc phòng, khu quân sự chính là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và toàn thể nhân dân các địa phương mà nòng cốt là lực lượng vũ trang. Xác định rõ vai trò thì việc xây dựng, bảo vệ các công trình, khu quân sự mới thực sự hiệu quả.

Lam Hạnh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/an-ninh-quoc-phong/xay-dung-bao-ve-cong-trinh-khu-quan-su-the-nao-de-thuc-su-hieu-qua-402842.html