Xây dựng bảo tàng 3D: Khó khăn không nằm ở kinh phí

Khó khăn để xây dựng bảo tàng 'ảo' 3D dường như không phải bắt đầu từ cấp bậc (tuyến Trung ương hay tuyến tỉnh); không bắt đầu từ nguồn kinh phí do Nhà nước cấp hay nguồn xã hội hóa mà bắt đầu từ chính việc lãnh đạo các bảo tàng có mạnh dạn áp dụng công nghệ và thử nghiệm nó không. Còn khó khăn thì luôn thường trực trong bất kể hoàn cảnh và công việc nào.

Công nghệ giúp tái hiện không gian thực tế một cách chính xác và hoàn hảo

Công nghệ giúp tái hiện không gian thực tế một cách chính xác và hoàn hảo

Kinh phí: Không phải là yếu tố tiên quyết

Trong xây dựng bảo tàng “ảo” 3D, kinh phí đóng vai trò quan trọng. Người ta vẫn hay nói vui - “cái đầu tiên vẫn là tiền đâu” - bảo tàng muốn tổ chức hoạt động đều cần nguồn kinh phí nhất định. Vậy nên, với hàng tá công việc cho xây dựng bảo tàng “ảo” 3D thì đương nhiên không thể không đề cập tới câu chuyện nguồn vốn. Nhưng có điều lạ, khi đi khảo sát một số bảo tàng đã bắt tay vào thực hiện việc áp dụng công nghệ, hầu hết câu trả lời cho những khó khăn của họ khi triển khai bảo tàng ảo lại không đến từ kinh phí mà đến từ chủ trương cũng như nội dung xây dựng.

Bảo tàng Hồ Chí Minh - một trong những đơn vị đầu ngành với lượng du khách tham quan luôn đạt con số rất đáng mơ ước, hiện mới dừng lại ở các triển lãm thực tế và đưa tin về các hoạt động trên trang web. Giải thích cho việc chưa bắt tay vào xây dựng bảo tàng “ảo” 3D, ông Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh chia sẻ, do đơn vị này chưa có chủ trương.

Cùng lý do này, ông Võ Văn Tâm, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II - đơn vị từng ra mắt triển lãm trực tuyến 3D “Thống nhất non sông” vào dịp kỷ niệm 45 năm Ngày thống nhất đất nước cho biết, trước đây, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II đã đề xuất lãnh đạo Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước xây dựng triển lãm trực tuyến 3D nhưng không được duyệt. Nhưng khi dịch bệnh bùng phát, đề xuất này đã được thông qua một cách nhanh chóng. Và chỉ sau 12 ngày chuẩn bị dựa trên nội dung của triển lãm “thật” đã hoàn thiện, đơn vị này đã hoàn thành triển lãm “ảo”.

Với ý kiến đến từ lãnh đạo hai đơn vị đủ để thấy sự đồng thuận của cấp trên trong xây dựng bảo tàng “ảo” 3D là một trong những yếu tố khiến cho những ý tưởng nằm trên giấy được đưa vào thực tế. Còn khi triển khai, khó khăn lớn nhất chính là nội dung gồm công sức nghiên cứu và tìm hiểu về hiện vật, sau đó mới đến các yếu tố về con người, về nguồn kinh phí. Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II Võ Văn Tâm cho biết thêm, hiện nay, có nhiều phần mềm ứng dụng miễn phí để các bảo tàng xây dựng bảo tàng “ảo” 3D.

Triển lãm trực tuyến “Thống nhất non sông” đơn vị này chỉ mất 50 triệu đồng, do đã khéo léo sử dụng các phần mềm miễn phí và đi thuê công ty tư nhân thực hiện những phần không làm được. Còn với những đơn vị chưa biết cách làm, con số này sẽ cao hơn gấp đôi, gấp ba do phụ thuộc vào nguồn nhân lực có thể thực hiện những mảng nào của quá trình số hóa hiện vật và thiết kế không gian 3D.

Triển lãm “ảo” “Thống nhất non sông” do Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II thực hiện

Xã hội hóa: Hướng đi đến nguồn kinh phí

Đồng quan điểm với Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, bà An Thu Trà, Phó trưởng phòng Trưng bày, Truyền thông và Công chúng (Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam) cho rằng, kinh phí quan trọng nhưng với sự giúp sức của các phần mềm miễn phí hiện nay, mỗi bảo tàng đều có thể xoay xở được trong hoàn cảnh của mình. Hơn thế, việc hợp tác với các công ty tư nhân không hẳn là hợp tác theo lối chi trả kinh phí mà có thể trao đổi tri thức trong các dự án. Làm bảo tàng “ảo” là tổng hợp của nhiều cách làm như kinh phí, con người, phương pháp.

Ngay trong đợt dịch Covid-19 hoành hành, Hoàng thành Thăng Long đã ra mắt trưng bày trực tuyến “Thần tốc - Táo bạo - Bất ngờ - Chắc thắng” và tour tham quan ảo 360 tại Di tích cách mạng Nhà và Hầm D67. Trong tháng đầu tiên đã có 3.000 lượt truy cập. Con số này nói lên trưng bày online đã bước đầu phát huy giá trị trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành, con người cần hạn chế đi lại và tiếp xúc thì hình thức xem bảo tàng “ảo” xem ra khá hợp lý với chi phí đi lại bằng không và khoảng cách giữa người với người là cực kỳ an toàn.

Bà Nguyễn Hồng Chi, Trưởng phòng Bảo quản trưng bày (Hoàng thành Thăng Long) cho biết, nội dung trưng bày được chuẩn bị lâu nhất. Để chuẩn bị nội dung trưng bày cần khoảng 1 năm và kết hợp với công nghệ để chuyển sang hình thức trưng bày trực tuyến khoảng 3 tháng. Có nghĩa, với một trưng bày ảo hay trưng bày thông thường, nội dung vẫn là yếu tố quan trọng nhất, được chuẩn bị kỹ lưỡng nhất. Còn hình thức thể hiện chỉ còn là vấn đề kỹ thuật.

Đặc biệt, bà An Thu Trà, Phó trưởng phòng Trưng bày, Truyền thông và Công chúng (Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam) nhấn mạnh đến việc xã hội hóa trong hoạt động bảo tàng là một hướng đi cần thiết. Bởi vì trong giai đoạn hiện nay, có nhiều hình thức bảo tàng khác nhau như tự chủ hoàn toàn, tự chủ một phần hay hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn kinh phí Nhà nước. Dù là hình thức nào thì cũng cần hướng tới hợp tác với doanh nghiệp theo hướng 2 bên cùng có lợi. Còn nhìn vào việc triển khai xây dựng bảo tàng “ảo” 3D hiện nay, các đơn vị thường dựa vào nguồn kinh phí Nhà nước.

Với những chia sẻ và phân tích về cách làm bảo tàng “ảo” 3D của lãnh đạo các đơn vị có thể thấy rằng, “cái khó ló cái khôn” chứ không hẳn, mọi việc thuận lợi mới bắt tay vào thực hiện. Tất cả nằm ở chủ trương và sự năng động vận dụng thực tế của lãnh đạo các bảo tàng để đạt được mục đích đề ra. Nhưng có một điều không thể phủ nhận, quan điểm và nhận thức của một số người làm bảo tàng hiện nay đã ảnh hưởng không ít tới tiến độ của các dự án, đặc biệt là dự án về xây dựng bảo tàng “ảo” 3D.

Ở đó có cả sự bảo thủ của những người làm bảo tàng khi cho rằng có sự tách bạch giữa làm chuyên môn và cập nhật công nghệ. Trong khi đó, để bảo tàng “ảo” 3D sau khi ra đời đi vào vận hành còn cần tiếp tục phát triển và bổ sung những nội dung mới để hấp dẫn hơn với du khách. Ông Nguyễn Văn Cường, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết, bảo tàng “ảo” cần dựa trên nền tảng công nghệ hiện tại của đơn vị (website), sự “đa di năng” của nhân viên bảo tàng để giảm chi phí vận hành và bổ sung cho nội dung trưng bày trên mạng. Nhưng nếu nhân viên không chịu cập nhật cái mới thì hiệu quả của bảo tàng “ảo” sẽ đi xuống khi không được “chăm sóc” thường xuyên.

“Bảo tàng “ảo” cần dựa trên nền tảng công nghệ hiện tại của đơn vị (website), sự “đa di năng” của nhân viên bảo tàng để giảm chi phí vận hành và bổ sung cho nội dung trưng bày trên mạng. Nhưng nếu nhân viên không chịu cập nhật cái mới thì hiệu quả của bảo tàng “ảo” sẽ đi xuống khi không được “chăm sóc” thường xuyên”.

Ông Nguyễn Văn Cường (Nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)

“Hiện nay, có nhiều phần mềm ứng dụng miễn phí để các bảo tàng xây dựng bảo tàng “ảo” 3D. Triển lãm trực tuyến “Thống nhất non sông” chỉ mất 50 triệu đồng, do đã khéo léo sử dụng các phần mềm miễn phí và đi thuê công ty tư nhân thực hiện những phần không làm được. Còn với những đơn vị chưa biết cách làm, con số này sẽ cao hơn gấp đôi, gấp ba do phụ thuộc vào nguồn nhân lực có thể thực hiện những mảng nào của quá trình số hóa hiện vật và thiết kế không gian 3D”.

Ông Võ Văn Tâm (Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II)

“Kinh phí quan trọng nhưng với sự giúp sức của các phần mềm miễn phí hiện nay, mỗi bảo tàng đều có thể xoay xở được trong hoàn cảnh của mình. Hơn thế, việc hợp tác với các công ty tư nhân không hẳn là hợp tác theo lối chi trả kinh phí mà có thể trao đổi tri thức trong các dự án. Làm bảo tàng “ảo” là tổng hợp của nhiều cách làm như kinh phí, con người, phương pháp. Việc xã hội hóa trong hoạt động bảo tàng là một hướng đi cần thiết. Bởi vì trong giai đoạn hiện nay, có nhiều hình thức bảo tàng khác nhau như tự chủ hoàn toàn, tự chủ một phần hay hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn kinh phí Nhà nước. Dù là hình thức nào thì cũng cần hướng tới hợp tác với doanh nghiệp theo hướng 2 bên cùng có lợi. Còn nhìn vào việc triển khai xây dựng bảo tàng “ảo” 3D hiện nay, các đơn vị thường dựa vào nguồn kinh phí Nhà nước”.

Bà An Thu Trà (Phó trưởng phòng Trưng bày, Truyền thông và Công chúng, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam)

(Còn tiếp)

Bài cuối: Kéo tác phẩm mỹ thuật đến gần công chúng và tạo thói quen mới

Thanh Xuân

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/xay-dung-bao-tang-3d-kho-khan-khong-nam-o-kinh-phi-post443133.antd