Xây dựng bản văn hóa du lịch dân tộc Tày

Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn gắn với phát triển du lịch, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) đã khảo sát, xây dựng dự thảo Đề cương Đề án xây dựng bản văn hóa du lịch dân tộc Tày; đồng thời báo cáo UBND tỉnh xin chấp thuận địa điểm nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết xây dựng Dự án bảo tồn văn hóa bản người Tày tại thôn Đồng Thanh, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu với diện tích khoảng 72ha.

Ngôi nhà truyền thống người Tày của gia đình ông Phan Ngọc Sinh, thôn Đồng Thanh, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu, Quảng Ninh. Ảnh: Hoàng Gái

Ngôi nhà truyền thống người Tày của gia đình ông Phan Ngọc Sinh, thôn Đồng Thanh, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu, Quảng Ninh. Ảnh: Hoàng Gái

Thôn Đồng Thanh, xã Hoành Mô có 106 hộ với 406 khẩu, trong đó, 100% dân số là dân tộc Tày, chủ yếu sống bằng nghề nông. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 11 hộ, không có hộ cận nghèo. Thôn Đồng Thanh được công nhận thôn văn hóa từ năm 2011, với 86 hộ đạt gia đình văn hóa.

Hiện nay, huyện Bình Liêu còn lưu giữ được gần 20 ngôi nhà truyền thống của dân tộc Tày, trong đó có ngôi nhà sàn của ông Phan Ngọc Sinh được tu sửa lại từ năm 1969. Đây là ngôi nhà cổ mang nhiều đặc trưng của ngôi nhà người Tày. Nhà rộng 110m2, 3 gian, 2 trái và 6 phòng ngủ; được phân chia thành nhiều khu vực: Khu bếp, khu tiếp khách, khu thờ tổ tiên, khu chứa lương thực và nông cụ... Trải qua 4 thế hệ, ngôi nhà của ông Sinh đã được tu sửa về phần mái nhưng vẫn được giữ nguyên cấu trúc.

Ông Sinh chia sẻ: “Đến đời tôi đã là đời thứ 4 ở ngôi nhà này. Tôi không biết là ngôi nhà được xây dựng từ năm nào, chỉ nhớ đến năm 1969, tôi tu sửa lại, ở đến bây giờ. Hiện nay, con cái tôi đều lập gia đình, làm ăn xa. Bởi vậy, mỗi dịp lễ, tết, con cháu lại về đây tụ hội để báo cáo với tổ tiên thành quả của những mùa màng bội thu sau mỗi mùa vụ hay sau một năm. Qua những lần tụ họp gia đình, các thành viên trong nhà được cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, nuôi dạy, giáo dục con cháu tưởng nhớ đến tổ tiên. Do đó, gia đình tôi quyết tâm giữ lại ngôi nhà để đời con, đời cháu, chắt còn biết đến nguồn cội dân tộc mình”.

Không chỉ gìn giữ nhà truyền thống của người Tày, ngôn ngữ được sử dụng để giao tiếp, ẩm thực và sinh hoạt cộng đồng cũng được nhân dân trong thôn gìn giữ (hầu hết mọi người dân đều nói được tiếng phổ thông, tuy nhiên, trong giao tiếp, tiếng Tày vẫn là thứ ngôn ngữ chính). Vào những ngày lễ, tết như: Tết Nguyên đán, Tết Đoan ngọ (ngày 5-5 âm lịch), Tết 14-7 âm lịch, Tết Trung thu..., người dân trong thôn lại tổ chức làm những món ăn truyền thống như: Gói bánh coóc mò, bánh chưng, tráng phở, thịt ngan, gà... Nhiều gia đình như ông Sinh còn lưu giữ được những công cụ lao động, săn bắn.

Bà Ngô Thị Công, Phó Chủ tịch UBND xã Hoành Mô cho biết: “Thực hiện chủ trương xây dựng bản văn hóa du lịch dân tộc Tày, chúng tôi đã tuyên truyền tới mọi người dân và vận động mọi người lưu giữ những nét đẹp văn hóa người Tày như: Hát then, đàn tính, trang phục... Bên cạnh đó, còn vận động, yêu cầu các hộ dân giữ nguyên hiện trạng, đặc biệt là các công trình xây dựng để thực hiện có hiệu quả Thông báo số 558 ngày 5-5-2017 của Tỉnh ủy về việc đồng ý với đề xuất của huyện Bình Liêu về việc xây dựng bản văn hóa du lịch dân tộc Tày tại thôn Đồng Thanh, xã Hoành Mô”.

Mấy năm trở lại đây, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo thôn Đồng Thanh đã có nhiều thay đổi, đường nội thôn đã được bê tông hóa, rộng 2,5m. Vệ sinh môi trường được nhân dân quan tâm thực hiện với phong trào “5 không, 3 sạch”. Tình hình kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng cơ bản ổn định, không có tệ nạn xã hội xảy ra trên địa bàn; phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được duy trì... Do đó, Đề án xây dựng bản văn hóa du lịch dân tộc Tày đi vào hoạt động sẽ là cơ hội tốt để huyện Bình Liêu phát huy, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của người Tày nói chung, thôn Đồng Thanh nói riêng.

Đề án sẽ bảo tồn và chọn lọc những phong tục tập quán, nếp sống tốt đẹp, văn minh của người Tày mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng quy ước, hương ước, quy chế, các mục tiêu cụ thể, từ đó, xây dựng một cộng đồng văn hóa người Tày giàu đẹp, văn minh. Mặt khác, Đề án xây dựng bản văn hóa du lịch dân tộc Tày đi vào hoạt động sẽ là tiền đề để huyện Bình Liêu tạo thêm những điểm nhấn du lịch hấp dẫn.

Hoàng Gái

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/xay-dung-ban-van-hoa-du-lich-dan-toc-tay/