Xây dựng 468 mô hình điểm năng suất chất lượng trong doanh nghiệp

Giai đoạn 20122020, Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành Công nghiệp giai đoạn 2012-202 đã triển khai xây dựng 468 mô hình điểm, tập trung vào 08 các ngành công nghiệp ưu tiên

Triển khai, xây dựng 468 mô hình điểm

Đánh giá về kết quả triển khai Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành Công nghiệp giai đoạn 2012-2020, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng nhấn mạnh, Dự án đã huy động được sự tham gia của nhiều đơn vị tư vấn có kinh nghiệm và năng lực chuyên sâu trong và ngoài Bộ, từ các Trường, Viện nghiên cứu, tới các Hiệp hội ngành nghề và đặc biệt là các đơn vị tư vấn có uy tín trong lĩnh vực cải tiến về năng suất chất lượng.

Theo Thứ trưởng, giai đoạn 2012-2020, Dự án đã triển khai xây dựng 468 mô hình điểm, tập trung vào 08 các ngành công nghiệp ưu tiên. Trong giai đoạn, các doanh nghiệp được hỗ trợ áp dụng các công cụ, hệ thống có tính nền tảng như 5S, Kaizen, ISO 9001, ISO 14001; tiếp sau đó, các hoạt động của Dự án hướng tới việc hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng công cụ, mô hình có tính tích hợp và các hệ thống quản lý theo yêu cầu đặc thù của sản phẩm, lĩnh vực.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2012-2020, 99% doanh nghiệp đánh giá các mô hình thí điểm có hiệu quả, 95% doanh nghiệp tiếp tục duy trì các mô hình điểm sau khi Dự án kết thúc, trong đó có 23,4% các doanh nghiệp mở rộng phạm vi áp dụng là nhưng con số biết nói về hiệu quả, tính bền vững và lan tỏa từ các mô hình điểm của Dự án.

Trước xu hướng phát triển nhanh chóng của cuộc CMCN 4.0, Dự án đã từng bước xây dựng các mô hình điểm về ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng hệ thống quản trị thông minh, từng bước tiến tới phát triển sản xuất thông minh trong các doanh nghiệp của ngành.

“Dự án đã góp phần nâng cao năng lực tự thực hiện các hoạt động cải tiến tại doanh nghiệp, giúp xây dựng đội ngũ cán bộ làm năng suất, chất lượng tại doanh nghiệp”, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhấn mạnh một lần nữa.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đồng quan điểm, ông Đào Trọng Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương nhận định, các hoạt động triển khai trong Dự án đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và năng lực thực hiện các hoạt động cải tiến, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa tại doanh nghiệp.

Về việc xây dựng các mô hình điểm, ông Đào Trọng Cường cho rằng, mặc dù về mặt số lượng, các mô hình triển khai tại doanh nghiệp chưa nhiều nhưng mức độ tác động và lan tỏa từ Chương trình nói chung và hoạt động của Dự án của Bộ Công Thương nói riêng là tích cực.

Những doanh nghiệp điển hình

Theo Bộ Công Thương, Tổng Công ty May 10 là một trong những công ty thực hiện nâng cao năng suất, chất lượng đem lại hiệu quả. Ông Bạch Thăng Long, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, nhiều năm qua, công ty đã thực hiện cải tiến tổ chức sản xuất và nâng cao năng suất chất lượng. May 10 đã đầu tư cho Phòng Kỹ thuật phần mềm thiết kế 3D, áp dụng rộng rãi trong thiết kế mẫu được khách hàng tin dùng, nhiều khách hàng duyệt mẫu trên phần mềm 3D đã tiết kiệm thời gian và nguyên liệu trong chế tác mẫu. Cùng với đó, để chủ động trong công tác nghiên cứu, May 10 đã thành lập 1 Phòng thí nghiệm (LAB) đạt tiêu chuẩn, đầu tư cho khâu cắt sản phẩm.

Ông Bạch Thăng Long cho rằng, trước đây, May 10 quan tâm nhiều đến khâu may vì đây là công đoạn chủ chốt quyết định năng suất ra chuyền. Tuy nhiên do khâu cắt không đáp ứng được nên May 10 đã đầu tư hệ thống máy trải vải và máy cắt tự động, giúp giảm ít nhất 2 lao động thủ công/1 máy nhưng vẫn đáp ứng đầy đủ bán thành phẩm cho may với chất lượng đúng tiêu chuẩn. Ngoài ra, với các loại hàng kẻ, May 10 đầu tư hệ thống bàn trải vải cắm chông giúp có thể cắt được hàng kẻ chuẩn mà không phải gọt sửa lại, tiết kiệm ít nhất 4 lao động làm thân/1 bàn cắt.

Cùng với đó, công ty cũng đầu tư rất nhiều máy móc thiết bị hiện đại ở nhiều khâu, giúp giảm thời gian, chi phí. Đặc biệt, công ty chú trọng nâng cao năng suất, hướng dẫn, đào tạo nâng cao năng lực người lao động.

Tương tự, với Công ty cổ phần cơ khí Phổ Yên, việc ứng dụng công nghệ và đổi mới quy trình sản xuất đã tạo ra những thay đổi đột phá cho doanh nghiệp. Sau khi xây dựng thành công và đưa vào áp dụng các hệ thống quản lý ISO/TS 16949 và cải tiến hiện trường từ dự án đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Đơn cử, giá trị tổng sản lượng từ con số 230 tỷ đồng năm 2014 đã vọt lên 450 tỷ đồng vào năm 2020. Ngoài ra, năng suất lao động bình quân năm 2014 là 45 triệu đồng/người/tháng đã đạt 72 triệu đồng/người/tháng vào năm 2020.

Bảo Lâm

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/xay-dung-468-mo-hinh-diem-nang-suat-chat-luong-trong-doanh-nghiep-d182310.html