Xây điểm dừng chân trên công viên địa chất: Chấp nhận được?

Hai điểm dừng chân được làm bằng bê tông trên Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh đang dấy lên lo ngại tác động đến thiên nhiên.

Hai điểm dừng chân nằm trên đảo Bé và Mom Tàu (huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đang trong giai đoạn hoàn thiện. Hai điểm dừng chân này có tổng mức đầu tư 1,2 tỉ đồng, được trích từ nguồn ngân sách huyện, thuộc loại công trình dân dụng cấp 3, có tổng diện tích 75 m2.

Chủ đầu tư hai công trình này là Trung tâm truyền thông - văn hóa - thể thao Lý Sơn, thuộc UBND huyện Lý Sơn quảng lý.

Đảo Bé vốn là nơi chứa bãi đá nham thạch được hình thành qua hàng triệu năm (còn gọi là cánh đồng thung nham) thuộc Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh. Để xây dựng điểm dừng chân này.

Điểm dừng chân trên cánh đồng thung nham - đảo Bé, thuộc Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh đang được hoàn thiện.

Điểm dừng chân trên cánh đồng thung nham - đảo Bé, thuộc Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh đang được hoàn thiện.

Còn diểm dừng chân ở đảo Mom Tàu là vị trí ngắm được toàn cảnh bãi Mom Tàu và nhìn sang đảo Lớn.

Ngày 21/9/2020, trao đổi với Đất Việt, ông Ngô Đình Thành - Giám đốc Trung tâm truyền thông - văn hóa - thể thao Lý Sơn cho biết, trước khi xây dựng hai điểm dừng chân trên, đơn vị cũng đã nghiên cứu rất kỹ, lấy ý kiến chuyên môn của các chuyên gia và xin ý kiến cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi.

Theo dự tính ban đầu, sẽ có 4 điểm dừng chân trên đảo Lý Sơn nhưng sau đó, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi chỉ chấp thuận cho 2 điểm dừng chân ở đảo Bé và Mom Tàu.

"Nhiều người đến với Lý Sơn đều thắc mắc về việc tham quan tại khu vực cánh đồng thung nham có thu phí nhưng hạ tầng nên chưa tương xứng với mức phí mà người dân bỏ ra. Chính vì thế, việc xây dựng điểm dừng chân là để giúp cho du khách khi tới thăm quan có chỗ để ngắm cảnh, tận hưởng sự kỳ vĩ của thiên nhiên" - ông Thành nói.

Ông Thành cho biết, việc xây dựng điểm dừng chân trên cánh đồng thung nham ít nhiều có ảnh hưởng tới môi trường và cảnh quan chung của khu vực này. Tuy nhiên, khi chủ đầu tư xin ý kiến cơ quan chức năng, đánh giá tác động môi trường thì ảnh hưởng không lớn, có thể chấp nhận được.

Có ý kiến cho rằng, trước khi 2 điểm dừng chân ở huyện đảo Lý Sơn được xây dựng thì Sở Xây dựng Quảng Ngãi có ý kiến tham mưu, vật liệu xây dựng điểm dừng chân là gỗ, thân thiện với môi trường. Nhưng khi xây dựng thì chủ đầu tư không làm theo hướng dẫn của Sở Xây dựng.

Trước vấn đề này, Giám đốc Trung tâm truyền thông - văn hóa - thể thao Lý Sơn cho biết, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi có hướng dẫn như trên nhưng khi căn cứ vào tình hình thực tế thì cho thấy nếu sử dụng vật liệu gỗ sẽ không được bền bởi tác động của muối và gió biển, cũng như khi xảy ra mưa bão nên chủ đầu tư mới quyết định sử dụng vật liệu bê tông.

Đá ở cánh đồng thung nham bị nham nhở tại khu vực xây điểm dừng chân.

"Dù là vật liệu bê tông làm cốt nhưng bên ngoài vẫn được ốp gỗ hoặc vân giả gỗ, đồng thời có những vị trí vẫn được sử dụng gỗ để thay thế cho bê tông. Chúng tôi cũng đã cố gắng hết sức để giữ lại sự nguyên vẹn của thiên nhiên, nhưng do nhu cầu bức thiết cùng với nguồn kinh phí của địa phương hạn hẹp nên mới làm như hiện tại" - ông Thành cho hay.

Trả lời báo chí liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Lê Văn Ninh thừa nhận vị trí xây dựng điểm dừng chân du lịch trên là chưa phù hợp.

“Vị trí tốt nhất để xây dựng là bên trong vườn cam Đàng, cách khu vực hiện tại khoảng 300 mét. Huyện sẽ cho triển khai phương án thi công này trong thời gian tới khi có nguồn vốn. Còn hiện tại, do lỡ đầu tư rồi nên tạm thời sử dụng”- ông Ninh nói.

Còn TS Trần Nguyên Đức - công tác tại Viện Vật lý Địa cầu cho biết, việc xây dựng công trình bê tông kiên cố ở khu vực Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tới cảnh quan chung cũng như tác động tới môi trường ở đây.

"Việc tác động, ảnh hưởng như nào thì sẽ tùy vào vị trí, diện tích và cách thức xây dựng. Nếu điểm dừng chân có đào móc, đổ cột bê tông thì sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ tới khu vực này" - ông Đức nói.

TS Trần Nguyên Đức cho rằng, để xác định được mức độ ảnh hưởng cụ thể thì cần phải có sự vào cuộc của các nhà chuyên môn, nghiên cứu thực trạng để có con số thống kê cụ thể nhất.

"Việc xây dựng công trình tác động tới Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn - Sa Huỳnh không phải là việc riêng của huyện Lý Sơn hay tỉnh Quảng Ngãi mà đây là vấn đề phải được sự cho phép của Bộ VHTT&DL" - ông Đức bày tỏ.

Quốc Khánh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/xay-diem-dung-chan-tren-cong-vien-dia-chat-chap-nhan-duoc-3419361/