Xây đền thờ vợ trong chùa Tam Chúc: Quyền của doanh nghiệp...

Chùa Tam Chúc không mang bản sắc văn hóa Việt Nam, do tư nhân bỏ tiền ra xây thì họ xây gì cũng được, miễn không phạm pháp.

Không sai!

Ngày 13/2/2020, chuyên gia nghiên cứu văn hóa tín ngưỡng tôn giáo Việt Nam - PGS.TS Trần Lâm Biền trả lời Đất Việt, ông bày tỏ sự không bất ngờ trước ngôi đền Tứ Ân nằm trong khuôn viên chùa Tam Chúc (thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, Hà Nam) thờ cư sĩ Diệu Liên - tức bà Phạm Thị Lan, vợ ông Nguyễn Văn Trường, người bỏ tiền xây dựng chùa.

Vị chuyên gia cho biết: "Chùa dành ra khu vực thờ người có công với mảnh đất đó là điều thường thấy trong văn hóa dân gian Việt Nam. Nhưng để lựa chọn nhân vật để thờ trong chùa thì không phải nơi nào cũng giống nhau.

Mỗi nơi có một cách lựa chọn, nơi thì chọn người có công bảo vệ khu đất đó khỏi giặc xâm lăng, nơi thì chọn người cứu dân thoát khỏi nghèo đói, cũng có nơi chọn người có công xây chùa, phát triển chùa...

Đền Tứ Ân - nơi thờ vợ ông Nguyễn Văn Trường, chủ doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường.

Đền Tứ Ân - nơi thờ vợ ông Nguyễn Văn Trường, chủ doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường.

Việc lựa chọn này thường không theo một quy tắc chung nào cả mà tùy vào từng địa phương, người đứng đầu của ngôi chùa đó. Nhưng nếu như sự lựa chọn phù hợp thì sẽ nhận được sự ủng hộ của người dân hơn".

Quay trở lại với việc lựa chọn cư sĩ Diệu Liên thờ tại đền Tứ Ân - chùa Tam Chúc, PGS.TS Trần Lâm Biền cho rằng, đây là quyền quyết định của Ban Trị sự chùa Tam Chúc và không loại trừ có cả sự tác động của chủ đầu tư.

Ông Biền nhận xét: "Sự thật thì chùa Tam Chúc không mang nét văn hóa dân gian Việt Nam. Với các nhà chuyên môn về văn hóa có thể dễ dàng nhận ra, ngôi chùa được xây dựng trên khu đất không có lịch sử văn hóa, cũng không gắn với tín ngưỡng tâm linh của người dân trong vùng mà đơn giản nơi đó chỉ là vị trí đẹp, được doanh nghiệp lựa chọn xây dựng vì mục đích phát triển kinh tế hơn là văn hóa tâm linh.

Khi vào bên trong chùa, kiến trúc xây dựng cũng không mang bản sắc dân tộc mà đem từ các nước trên thế giới kết hợp lại tạo ra một công trình lạ mắt với du khách nhưng lại không mang hồn cốt văn hóa tôn giáo Việt Nam".

Vì thế, chuyên gia nghiên cứu văn hóa tín ngưỡng tôn giáo Việt Nam PGS-TS Trần Lâm Biền khẳng định, chùa Tam Chúc không nằm trong hệ thống văn hóa tôn giáo của Việt Nam mà thực chất đây chỉ là công trình xây dựng do cá nhân tạo ra nên việc xây như nào, thờ ai trong đó là do người bỏ tiền ra quyết định chứ không ảnh hưởng đến văn hóa dân gian của người Việt, cũng không thể coi đây là ngôi chùa mang bản sắc văn hóa Việt Nam.

"Chỉ cần việc xây dựng chùa Tam Chúc không sai với giấy phép được cấp, không vi phạm các quy định của pháp luật thì việc lựa chọn nhân vật để thờ là quyền của người xây dựng.

Họ thờ chính họ, người thân của họ hay bất kỳ một cái gì khác thì đó được coi là quyền tự do tín ngưỡng.

Nhưng nhiều người dân vẫn đang có sự nhầm lẫn mà lên tiếng phản đối, chứ thực sự đây là quyền cá nhân mỗi người. Cũng giống như anh xây một ngôi nhà cho riêng mình, trong ngôi nhà đó anh bày biện những gì là quyền của anh" - PGS.TS Trần Lâm Biền so sánh.

Tượng thờ cư sĩ Diệu Liên bên trong đền Tứ Ân - chùa Tam Chúc.

Chùa càng to càng xa rời đạo Phật!

Tuy nhiên, từ việc chùa Tam Chúc thờ bà Phạm Thị Lan trong đền Tứ An, PGS.TS Trần Lâm Biền chỉ ra một hiện trạng khi xã hội phát triển thì càng chịu sự chi phối của đồng tiền, điều đó thấy rõ nhất trong vấn đề văn hóa tâm linh.

"Anh có tiền anh xây nhà thờ to, hoành tráng, anh được lựa chọn nhân vật thờ tự... làm sao thu hút được sự quan tâm của nhiều người chứ không đặt mục tiêu chính là hướng con người đến cái thiện.

Chùa trong văn hóa của người Việt Nam thì chỉ cần xây vừa phải để gần gũi với quần chúng. Người xưa thường nói "hảo tự, ố tăng" - điều này có thể hiểu được rằng ngôi chùa càng to, càng đẹp bao nhiêu thì người tu hành càng vật chất bấy nhiêu.

Bản chất của đạo Phật là phải hướng con người đến những điều thiện tâm, trí tuệ để đi đến giải thoát. Nhưng tại chùa Tam Chúc thì không làm được điều này.

Những cái "nhất" ở ngôi chùa này chỉ là cái vật chất thu hút khách thăm quan để vì mục đích phát triển kinh tế" - PGS.TS Trần Lâm Biền bày tỏ.

Vị chuyên gia này nêu dẫn chứng, nhiều hình ảnh không đẹp được các cơ quan báo chí phản ánh vào dịp đầu năm tại chùa Tam Chúc như cảnh chen lấn mua vé vào chùa, đùn đẩy tranh nhau lên thuyền du ngoạn hay nở rộ dịch vụ chạy xe ôm, "cò" mời chào khách... cho thấy một khung cảnh hỗn loạn, bát nháo.

"Chùa phải là nơi thanh tịnh, con người khi đến đó dẹp bỏ mọi ham muốn mà hướng đến cái thiện, giải thoát cho bản thân mình.

Nhưng khi đến chùa Tam Chúc thì những điều này càng bộc lộ rõ hơn, cho thấy sức mạnh của đồng tiền còn cao hơn cả lòng thành kính thì đó là điều du khách đáng phải xem xét lại" - vị chuyên gia kết lại.

Vân Khánh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/xay-den-tho-vo-trong-chua-tam-chuc-quyen-cua-doanh-nghiep-3396848/