Xây 'cột mốc lòng dân' trên biển Tây Nam bộ

Nhờ chủ động, tích cực thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào 'Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới', những năm gần đây, BĐBP các tỉnh Tây Nam bộ đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong bồi dưỡng, hướng dẫn, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, vùng biển đảo của Tổ quốc.

Bài 1: Gần dân, trọng dân, hiểu dân, có trách nhiệm với nhân dân

Vùng biển, đảo Tây Nam bộ được coi là khu vực phát triển nhanh, sôi động của cả nước. Đi liền sự phát triển đó là các đòi hỏi về ổn định an ninh, duy trì luật pháp và bảo vệ chủ quyền quốc gia cũng không ngừng tăng lên. Yêu cầu đó xuất phát từ thực tế tình hình tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại trong khu vực đang có chiều hướng gia tăng, có yếu tố nước ngoài theo chiều hướng phi truyền thống, diễn ra rất đa dạng, phức tạp. Trước thực trạng đó, BĐBP các tỉnh Tây Nam bộ luôn xác định, để giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới, biển đảo, cần phải xây dựng được “cột mốc lòng dân”.

Quân y BĐBP Sóc Trăng khám, điều trị bệnh cho các nhà sư. Ảnh: Văn Long

Quân y BĐBP Sóc Trăng khám, điều trị bệnh cho các nhà sư. Ảnh: Văn Long

Đẩy mạnh tuyên tuyền, giáo dục, nâng cao ý thức người dân

Vùng biển Tây Nam bộ có diện tích khoảng hơn 300.000km2 với gần 200 đảo lớn, nhỏ, tiếp giáp với các nước: Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia. Với bờ biển dài 743km, biển, đảo Tây Nam bộ là căn cứ tiền tiêu vô cùng quan trọng trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc, đồng thời là cửa ngõ để Việt Nam hội nhập với thế giới.

Những năm qua, BĐBP các tỉnh Tây Nam bộ đã cùng các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể tích cực tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của biên giới biển, đảo của Tổ quốc; trách nhiệm của công dân đối với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới, vùng biển, đảo.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, BĐBP đã góp phần làm cho quần chúng nhân dân hiểu rõ hơn trách nhiệm của mình trong bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới và nhận thức rõ âm mưu, phương thức thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch, các tổ chức phản động, các đối tượng cơ hội, bất mãn, các luận điệu xuyên tạc, kích động hòng gây chia rẽ mối quan hệ đoàn kết dân tộc.

Thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo”, chỉ trong 2 năm 2017 và 2018, BĐBP các tỉnh Tây Nam bộ đã tổ chức được 280 buổi tuyên truyền, có gần 56.000 lượt người nghe. Ngoài ra, còn chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố, kiện toàn và hoàn thiện các câu lạc bộ tư vấn pháp luật, xây dựng trên 150 ngăn sách, tủ sách pháp luật tại các xã biên giới biển, đảo. Từ đó, tình hình chấp hành pháp luật, kỷ luật trong cán bộ và nhân dân có nhiều chuyển biến rõ nét, góp phần ổn định an ninh nông thôn.

Tiêu biểu là BĐBP Sóc Trăng, đã tổ chức được 5.452 buổi tuyên truyền cho 420.940 lượt người nghe. BĐBP Cà Mau, do làm tốt công tác tuyên truyền, nên đã có 206 người từ bỏ cái gọi là đạo Thánh Đức Chúa Trời; 1.541 chủ phương tiện cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài...Tại Bạc Liêu, có 969 tập thể ký cam kết thực hiện phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. BĐBP Kiên Giang phát cho ngư dân 60.000 tờ rơi, sổ tay thông tin, tổ chức 130 buổi truyên truyền ngư dân không sang vùng biển nước ngoài đánh bắt trái phép.

Với phương châm hướng về cơ sở, gần dân, trọng dân, hiểu dân, có trách nhiệm với nhân dân, BĐBP các tỉnh Tây Nam bộ đã tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đối với nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ an ninh biên giới, biển đảo của Tổ quốc.

Tập trung củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở

Đi đôi với việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân, BĐBP các tỉnh Tây Nam bộ đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp chú trọng xây dựng địa bàn biên giới, hải đảo vững mạnh về mọi mặt. Trong đó, quan tâm xây dựng, củng cố cơ sở chính trị, đẩy mạnh công tác phát triển đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ tại chỗ, củng cố, kiện toàn tổ chức chính quyền và đoàn thể quần chúng.

Với nhiều cách làm hay, sáng tạo, gắn liền với thực tiễn cơ sở, những năm qua, BĐBP các tỉnh Tây Nam bộ đã tham mưu, hỗ trợ cho địa phương thành lập 18 đảng bộ cơ sở; củng cố 96 chi bộ, bồi dưỡng 212 đảng viên; củng cố 890 chi hội phụ nữ, hội nông dân và tổ chức đoàn thanh niên; 158 Đội dân phòng; 108 Tổ tự quản trên biển và 804 Tổ an ninh tự quản. Huấn luyện nghiệp vụ cho 1.968 lượt tổ và 35.700 lượt Tổ trưởng an ninh nhân dân, dân phòng; giới thiệu cho địa phương 1.659 Trưởng ấp; 207 lượt đại biểu HĐND cấp xã, thị trấn.

Cán bộ BĐBP Trà Vinh thăm hỏi, tặng quà gia đình nghèo. Ảnh: Đăng Bảy

Cùng với đó, BĐBP các tỉnh Tây Nam bộ đặc biệt chú trọng việc tăng cường cán bộ Biên phòng cho các xã biên giới và giới thiệu đảng viên tham gia sinh hoạt tại các chi bộ ấp, khóm ven biển... Đây là những sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp có năng lực phẩm chất, đạo đức tốt, có quá trình lâu dài gắn bó, lăn lộn với địa bàn, am hiểu phong tục tập quán, có uy tín trong quần chúng nhân dân. Do được tín nhiệm cao nên nhiều đồng chí được bầu, phân công giữ các chức danh chủ chốt trong cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các xã biên giới. Đội ngũ cán bộ Biên phòng này đã thực sự trở thành cầu nối giữa cấp ủy đảng, chính quyền với ngư dân, nhân dân và đồng bào các dân tộc sống dọc theo chiều dài biển, đảo các tỉnh phía Nam.

Nhờ chủ động, tích cực, BĐBP đã cùng các ngành, các lực lượng xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở chính trị và đội ngũ cán bộ địa phương, giúp họ chủ động giải quyết tốt những vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự ngay từ đầu và tại cơ sở. Điển hình là BĐBP Sóc Trăng, đã tham mưu cho địa phương tuyên truyền, tấn công chính trị được 52 cuộc, giải quyết tốt các điểm phức tạp lợi dụng vấn đề dân tộc; vô hiệu hóa hàng trăm đối tượng thuộc các tổ chức phản động nước ngoài về địa phương tìm mọi cách câu móc, chống phá; giải quyết 122 lần/858 lượt người khiếu kiện vượt cấp liên quan đến đất đai... Nhờ vậy, nên tình hình an ninh trật tự xã hội luôn được giữ vững và ổn định.

Bài 2: Tích cực xây dựng địa bàn vững mạnh

Đăng Bảy

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/xay-cot-moc-long-dan-tren-bien-tay-nam-bo/