Xây 'cột mốc lòng dân' nơi biển xa

Hơn 10 năm xây dựng và hoạt động, các Tổ tàu thuyền đoàn kết (TTĐK) xã Mỹ Đức do Đồn Biên phòng Mỹ Thọ, BĐBP Bình Định vận động thành lập không chỉ trở thành hình mẫu của phương thức liên kết ngư dân vươn khơi làm giàu từ biển, mà còn là những ngư đội điển hình trong chấp hành pháp luật trên biển và tích cực đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự, chủ quyền vùng biển.

Sau mỗi chuyến biển trở về, ngư dân các tổ tàu thuyền đoàn kết Mỹ Đức lại cùng cán bộ Đồn Biên phòng Mỹ Thọ gặp gỡ, trao đổi thông tin tình hình làm ăn trên biển. Ảnh: Phương Oanh

Làm giàu từ biển

Chúng tôi đến Trạm Biên phòng Mỹ Đức (thuộc Đồn Biên phòng Mỹ Thọ) một buổi sáng giữa mùa hè. Dưới bóng mát của vườn cây xanh, các chủ tàu và lão ngư trong các Tổ TTĐK của làng biển Mỹ Đức cùng anh em BĐBP, cán bộ địa phương đang tụ hội, hàn huyên trò chuyện. Những câu chuyện xoay quanh tình hình làm ăn của ngư dân trong tổ, sản lượng những chuyến biển, dòng chảy và các vùng ngư trường, phương thức nào để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ TTĐK, tình hình tàu thuyền nước ngoài qua lại trên vùng biển Việt Nam... được mọi người trao đổi, chia sẻ cởi mở.

Gây nhiều sự hào hứng trong cuộc gặp mặt này là câu chuyện tổ đánh bắt của anh Trương Hoài Đức (thôn Phú Hòa) vừa trúng đậm cá trong chuyến biển tháng trước. Tổ ra khơi được 10 ngày thì tàu cá của anh Đức, con tàu hiện đại nhất của Mỹ Đức (đóng theo Nghị định 67), dò thấy luồng cá lớn. Anh Đức lên đàm gọi các tàu của tổ đến, cùng bủa lưới. Ngay đêm đó, các tàu kéo được 100 tấn cá nục. Sau khi giao tàu hậu cần đưa cá tươi về bờ bán, đội tàu tiếp tục bám biển đánh bắt hơn 20 ngày nữa. Hôm về bờ, chiếc "no" nhất bán cá được tỷ rưỡi, chiếc thấp được gần 400 triệu đồng; anh em lao động được chia từ 10 đến 35 triệu đồng/người; bà con trong làng tưng bừng phấn khởi.

Theo Đại úy Nguyễn Quốc Hiệp, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Mỹ Thọ, đây là buổi họp Tổ TTĐK của ngư dân xã Mỹ Đức thường kỳ hàng tháng. Không cầu kỳ bàn ghế, hội trường, nhưng lần họp nào, các thành viên trong tổ cũng đến dự đông đủ và tham gia ý kiến, thảo luận rất trách nhiệm. “Sự ra đời của Tổ TTĐK là bước ngoặt đổi đời của ngư dân trong xã, nên với bà con, Tổ TTĐK đã là ngôi nhà thứ hai. Anh em trong Tổ luôn coi nhau như người một nhà” - Đại úy Nguyễn Quốc Hiệp khẳng định.

Đại úy Hiệp cũng cho biết, Mỹ Đức là xã nghèo bãi ngang ven biển của huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Hơn 10 năm về trước, ngư dân trong xã làm biển chỉ bằng tàu thuyền nhỏ với nghề lưới ven bờ. Thu nhập của các chủ tàu đa phần chỉ đủ đắp đổi cuộc sống qua ngày. Từ khi tham gia Tổ TTĐK, sau mấy mùa đánh bắt hiệu quả, có tích lũy, anh em đã động viên, hỗ trợ nhau sắm thêm tàu, đầu tư thêm thiết bị, ngư cụ.

10 năm qua, đội thuyền của Mỹ Đức đã phát triển ngày càng hùng hậu, can trường vươn khơi, bám biển, không thua kém bất cứ ngư đội nào ở miền Trung. Hiện, Mỹ Đức đã thành lập được 8 Tổ TTĐK với 100 phương tiện. Tất cả phương tiện trong tổ đều có công suất từ 350 đến 500 mã lực, với các thiết bị máy móc hiện đại để vươn ra tới Hoàng Sa, Trường Sa. Mỹ Đức còn có niềm tự hào khi hiện có 4 tàu đóng theo Nghị định 67, trị giá mỗi chiếc gần 20 tỷ đồng. Những thành viên trong Tổ TTĐK Mỹ Đức không chỉ xây dựng nhà cửa khang trang, mà còn đóng góp kinh phí xây dựng quê hương. Bộ mặt vùng quê biển nghèo năm nào của Mỹ Đức bây giờ sáng láng không khác thành phố.

Với những ngư dân trong các Tổ TTĐK Mỹ Đức, thành quả có được hôm nay không chỉ là niềm tự hào của công cuộc chinh phục biển, mà còn ghi dấu sự thay đổi tư duy làm ăn. Tổ trưởng Tổ TTĐK thôn Phú Hòa (xã Mỹ Đức) Võ Văn Minh cho biết, hồi trước, chuyện nhà chủ tàu nào, người nấy biết, nhưng từ khi cùng vào tổ, anh em làm gì cũng liên hệ, hỏi han nhau, cùng nhau vươn lên chứ không khư khư chỉ lo cho riêng mình. “Ở nhà thì thôi, chứ ra biển là chúng tôi đàm thoại cho nhau, ngày nào cũng ít nhất một, hai lần. Chẳng hạn, vì sao nhìn thấy đàn cá đó, nhưng mẻ lưới thả xuống đánh không trúng; làm cách nào để không bị dòng nước xé rách lưới, mất cá. Thắc mắc cách sử dụng, vận hành thiết bị mới thì gọi các thuyền trưởng trẻ; ít rành về dòng chảy, sóng nước thì gặp những anh em lớn tuổi, kinh nghiệm dày dạn. Khi biết ai đó có bất cứ điều gì khó khăn thì anh em hiệp lực giúp đỡ, tháo gỡ chứ không để họ đơn độc” - Anh Minh khẳng định.

Cũng theo anh Minh, nhờ gắn kết với nhau trong Tổ TTĐK, anh em ngư dân đã tương trợ, ứng cứu nhau kịp thời trước những rủi ro, thiên tai. Gần 10 năm qua, Mỹ Đức không có trường hợp nào thiệt mạng hay phải bỏ tàu chìm giữa biển khi tàu thuyền hư hỏng, bị sự cố, bị nạn, nhất là trong mùa biển động, sóng to, gió lớn.

“Bà đỡ” cho mô hình

Sau hơn 55 năm ngụp lặn với biển khơi, đến tuổi lui về bờ làm hậu thuẫn cho con, lão ngư Nguyễn Văn Mai, 75 tuổi, ở thôn Phú Hòa (xã Mỹ Đức) luôn là người hăng hái trong các buổi họp Tổ TTĐK. 10 năm Tổ TTĐK Phú Hòa ra đời là 10 năm ông Mai từng ngày dõi theo những chuyến biển của lớp trẻ trong làng. Ông bảo, hơn ai hết, ông biết rõ quá trình ra đời của Tổ TTĐK này. “Từ ngày ăn nên làm ra, mọi người mới thấm thía giá trị những điều anh em Biên phòng đã lo nghĩ cho dân và vì thế lại càng thương quý BĐBP. Bây giờ, càng có thêm nhiều chủ tàu chủ động xin gia nhập mô hình, trong khi ngày trước họ không quan tâm” - Ông Mai bảo.

Ông Mai không quên ngày Đại úy Nguyễn Quốc Hiệp cùng Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Mỹ Thọ gặp ông và các lão ngư trong làng, bày tỏ trăn trở khi trong làng có không ít trường hợp tàu thuyền bị nạn giữa biển, nhưng không được ứng cứu kịp. Rồi các anh còn giới thiệu với ông về những nhóm, đội tàu thuyền ở một vài nơi làm ăn hiệu quả đã có tiếng tăm trên báo, đài. Cứ kiên trì nói, rồi lắng nghe và tường tận giải thích, anh em đã “tháo gỡ” tư duy “ao làng”, giúp ông và nhiều người cởi mở tư tưởng, tự nguyện gia nhập vào tổ để cùng ra biển. 10 năm tham gia Tổ TTĐK, ngư dân Mỹ Đức không chỉ làm nên cuộc bứt phá ngoạn mục về nghề biển, mà còn nâng tầm suy nghĩ, tự tin hơn trên bước đường vươn khơi, bám biển làm ăn.

Theo Phó Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Đức Nguyễn Văn Lợi, những buổi họp tổ hàng tháng, được nghe anh em Đồn Biên phòng Mỹ Thọ thông tin tình hình biển đảo, tình hình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, của tỉnh nhà, bà con được mở mang tầm nhìn, rất thông suốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. “Có giai đoạn nghe thông tin Trung Quốc cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, anh em trong đội không chút hoang mang, vẫn tự tin vươn khơi bám ngư trường, sát cánh tương trợ nhau đánh bắt. Hàng chục năm qua, ngư dân Mỹ Đức không có trường hợp nào vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép. Thi thoảng, có một vài vướng mắc trong quan hệ làm ăn như các vụ va chạm tàu thuyền, tranh chấp lao động giữa các tổ đều được Tổ trưởng các Tổ TTĐK đứng ra hòa giải kịp thời, không để mâu thuẫn kéo dài. Bao năm qua, xóm làng luôn bình yên, phấn khởi” - Ông Lợi khẳng định với niềm tự hào.

Tổ trưởng Tổ TTĐK Phú Hòa Võ Văn Minh xúc động bộc bạch, “Mỗi thành viên Tổ TTĐK chúng tôi luôn ý thức, mình đã là người nhà của đồn, là những “cột mốc sống” mà anh em BĐBP xây dựng. Mỗi hành trình bám biển của chúng tôi không chỉ để làm ăn, làm giàu cho mình, mà còn mang sứ mạng là khẳng định chủ quyền vùng biển của đất nước. Hễ nghe tin BĐBP có việc cần ngư dân hỗ trợ là tổ phân công nhau triển khai ngay, bố trí lực lượng bằng mọi cách phải giúp các anh hoàn thành nhiệm vụ”.

Phương Oanh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/xay-cot-moc-long-dan-noi-bien-xa/