'Xây chùa to là không phù hợp với truyền thống văn hóa người Việt'

Xung quanh đề xuất xây dựng 'siêu dự án' du lịch tâm linh 15 nghìn tỷ đồng ở Chùa Hương của doanh nghiệp Xuân Trường, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Phạm Văn Tuấn (Viện Nghiên cứu Hán Nôm), là chuyên gia nghiên cứu Phật giáo.

Tiến sĩ Phạm Văn Tuấn.

Tiến sĩ Phạm Văn Tuấn.

Xây chùa - là phúc hay là nghiệp?

+ Ông có suy nghĩ gì trước thông tin doanh nghiệp Xuân Trường muốn đầu tư xây dựng một siêu dự án du lịch tâm linh ở Chùa Hương?

- Điều đầu tiên cần quan tâm là nguồn tiền để xây dựng một công trình lớn như vậy thì ở đâu ra. Đây là công trình của Xuân Trường hay là công trình của Nhà nước. Xuân Trường dù lớn đến đâu cũng chỉ là một doanh nghiệp. Việc đầu tư, xây dựng cái gì đã có các chế tài để giám sát. Còn nếu là tiền Nhà nước thì cần phải đặt câu hỏi là “Việc này có cần thiết không?”. Bởi lẽ xã hội còn rất nhiều thứ cần quan tâm như văn hóa, giáo dục, y tế,... Tại sao lại đầu tư vào tâm linh lớn đến như vậy?

Với doanh nghiệp Xuân Trường, việc đầu tư xây dựng, phát triển du lịch tâm linh có cả mặt lợi lẫn mặt hại. Nhìn từ Bái Đính chẳng hạn, đây là một cái chùa xây mới hoàn toàn. Nếu nhìn nhận ở góc độ quan niệm Phật giáo thì đây là phúc báo hay nghiệp báo của Xuân Trường thì sau này mới biết được.

+ Hiện nay có tình trạng đua nhau xây chùa to, là một nhà nghiên cứu Phật giáo, ông thấy điều này có bình thường không? Liệu đây có phải là một nhu cầu của đời sống?

- Trong một xã hội phát triển bình thường thì việc xây quá nhiều chùa to là điều không bình thường. Tôi biết không chỉ Xuân Trường mà còn rất nhiều doanh nghiệp cũng muốn thực hiện các dự án xây dựng lớn về tâm linh, thậm chí ở ngay giữa Hà Nội chứ không xa xôi gì.

Có tình trạng nhiều ngôi chùa chiếm lĩnh những vị trí “trọng cốt” về mặt địa lý ở miền Bắc. “Trọng cốt” là thế nào? Là các vị trí đẹp, xây chùa thật to, thật cao để nhìn được khắp nơi và các nơi nhìn thấy. Những điều này hoàn toàn không phù hợp với hệ thống chùa chiền, miếu mạo của miền Bắc.

Xét ra, những ngôi chùa ấy có một cách gọi mới là “du lịch tâm linh”. Nó không đúng với tính chất một ngôi chùa truyền thống trong văn hóa người Việt. Nói ra chuyện này rất tế nhị, nhưng thực sự các ngôi chùa ấy hoàn toàn không giống với chùa truyền thống của người Việt.

Chùa Bái Đính. Ảnh: Song Long.

Chùa càng to càng thu được nhiều tiền

+ Có ý kiến cho rằng xây dựng quá nhiều chùa chiền thì nhân dân sẽ bị mê muội, ý kiến của anh thế nào?

- Từ mộ đạo dẫn đến mê tín là khoảng cách rất gần. Niềm tin tôn giáo là tốt, nhưng tin mù quáng thì sẽ dẫn đến những thực hành, hành động không chuẩn xác. Nhà nước mình không hướng con người vào sự mê muội, không một nhà nước nào lại làm vậy. Nhưng có một điều là rất rõ ràng, các cơ quan quản lý được điều hành bởi những con người cụ thể và không phải ai cũng sáng suốt như nhau.

Thực tế, bất kì một hệ thống tôn giáo nào cũng không tách rời chính quyền. Tôn giáo, chính quyền và kinh tế chưa bao giờ tách rời mà quan hệ rất khăng khít với nhau để cùng tồn tại. Đơn giản nhất là khi khánh thành bất kì một cái chùa nào, hay hoạt động về tôn giáo cũng có thể thấy một bên là các tín đồ, một bên là đại diện của chính quyền. Đấy là chuyện bình thường. Tôn giáo không có hệ thống quản lý như chính quyền nhưng cũng từ tôn giáo, thông qua chính quyền cũng có thể thúc đẩy câu chuyện kinh tế, thúc đẩy văn hóa.

+ Vậy chùa Việt trong truyền thống thì như thế nào?

- Chùa trong truyền thống người Việt nằm ở trong một cộng đồng làng xã. Cũng có chùa to, một hình thức chùa của vua, nó có sự giám sát bằng cơ chế quản lý nhà nước. Tuy nhiên, các chùa này do các sư đứng ra để làm chứ không phải là một doanh nghiệp. Xưa nay các chùa đều do các sư đứng ra để hưng công xây dựng, trong đó có sự hỗ trợ của các phật tử. Ví dụ như chùa Bút Tháp ở Bắc Ninh, là chùa vua, đến bây giờ vẫn còn quy mô. Chùa Bút Tháp do các sư đứng ra xây dựng, trong đó có sự hưng công của các cung phi, hoàng thân quốc thích. Các mạnh thường quân cúng rất nhiều tiền nhưng họ không phải là người đứng ra xây. Xây rồi thì chùa trở thành một nơi tu hành thật sự của tăng ni.

Trong lịch sử Việt Nam chưa có chuyện các nhà tài phiệt về kinh tế hay các quan chức, doanh nghiệp chủ động đứng ra xây chùa như hiện nay. Các chùa cũng không to như hiện nay. Nó phải phù hợp với không gian làng xã.

Trong xã hội hiện nay, thật ra xây chùa to không thật sự phù hợp. Các ngôi chùa to hiện nay thật ra là nằm trong khu du lịch về tâm linh. Điển hình như khu Bái Đính, Đại Nam...

Xã hội ngày nay ai cũng có nhu cầu về tâm linh, điều đó không hề xấu. Tuy nhiên, như tôi đã nói tôn giáo không tách rời chính quyền và kinh tế. Đôi khi tôn giáo lợi dụng chính quyền để làm kinh tế (bao hàm cả nghĩa tốt lẫn không tốt). Một không gian làng xã mà có một ngôi chùa to quá thì nguồn thu lớn, chính quyền có kiểm soát được không? Với quan điểm của một nhà nghiên cứu, tôi cho rằng thà mỗi làng có một ngôi chùa nhỏ thì tốt hơn xây một ngôi chùa quá to bằng mấy làng cộng lại. Nhưng ở góc độ kinh tế thì xây chùa càng to thì càng có nhiều người đến, càng thu được nhiều tiền. Một bên là nguồn thu tập trung cho các tập đoàn, doanh nghiệp… trong các dự án tâm linh, và một bên là nguồn thu lan tỏa trong nhân dân, từng làng, từng xã. Đến một lúc nào đấy, có kiểm soát được niềm tin tôn giáo của người dân khi đến chùa to, tâm linh, các lễ hội tập trung … hay không? Nhiều các vụ việc về lễ hội, về chùa chiền gần đây, người ta đồn đại chỗ này, chỗ khác thiêng lắm. Thế là nhân dân đổ xô lao vào. Niềm tin không thể kiểm soát, kinh tế cũng không thể kiểm soát. Khi không thể kiểm soát thì thậm chí có ảnh hưởng xấu đến chính trị.

Các vết nhẵn bóng trên tượng La hán chùa Bái Đính do người hành hương dùng tiền để xoa vào.

Cần cơ chế kiểm soát tốt

+ Có một diễn biến tâm lý khá phổ biến là khi người ta không có chỗ dựa trong thực tại thì hay tìm đến một niềm tin siêu nhiên. Theo ông thì chuyện tâm linh được nói nhiều có phải do con người hiện nay đang ít có niềm tin vào thực tế không?

- Đời sống xã hội hiện đại quá cởi mở nên con người ta cũng dễ bị khủng hoảng, stress, nên người ta tìm kiếm, thậm chí sẵn sàng chết vì niềm tin tâm linh. Với một cơ chế quản lý cổ xúy cho chuyện mê tín dị đoan thì rõ ràng nó sẽ ru ngủ con người. Nhưng nếu có một cơ chế kiểm soát tốt thì việc ấy sẽ không xảy ra. Câu hỏi “Có nên xây chùa to không?” thật ra là một câu hỏi hay nhưng khó. Chùa càng to càng kéo theo sự mê tín nhiều. Chùa là nơi tu hành cho các sư và mọi người có thể về tu hành. Tôi không võ đoán về mục đích xây chùa to của Xuân Trường, nhưng có thể đặt câu hỏi: “Xây một cái chùa to như Bái Đính thì có bao nhiêu sư tu hành trong ấy?” Bây giờ nhắc đến Ninh Bình, người ta chỉ nhắc tới Bái Đính. Nhưng thực sự Bái Đính có phải là một trung tâm chùa chiền để tu tập mang tính chất tôn giáo hay không? Phải chăng là xây chùa bây giờ giống như xây một tòa chung cư? Việc Xuân Trường đầu tư Bái Đính, Tam Chúc và đang có ý định xây dựng khu du lịch tâm linh Chùa Hương, theo tôi, thực chất là mang tính chất du lịch nhiều hơn là xây dựng để phục vụ tín ngưỡng, tôn giáo.

+ Vậy nếu người ta vẫn nhất định xây chùa to thì nên ứng xử với điều đó thế nào?

- Như tôi đã nói, cần phải quan tâm đến việc tiền đầu tư xây dựng là của Xuân Trường hay của Nhà nước. Bỏ tiền ra để “hưng công” xây chùa, lợi nhuận từ việc ấy được quản lý thế nào. Chùa chiền thì không có cơ chế quản lý về kinh tế, không bị kiểm toán. Vậy tiền thu được hàng năm có công khai minh bạch hay không. Ví dụ, mỗi cái xe khi gửi thì thu phí là 5-10 nghìn. Một tháng, một năm khu Bái Đính thu được bao nhiêu ai biết? Tiền ấy thu về là dành cho doanh nghiệp, cho dân hay cho Nhà nước? Rồi tiền công đức? Có công khai, minh bạch không? Nếu là tiền thu về cho doanh nghiệp thì cơ quan thuế, cơ quan kiểm toán có biết không? Đấy là những điều nhất định phải quan tâm.

+ Cảm ơn Tiến sĩ Phạm Văn Tuấn!

Tiến sĩ Phạm Văn Tuấn học chuyên ngành Hán Nôm. Ông chuyên nghiên cứu lịch sử và văn hóa Phật giáo, nhiều năm sống trong các tự viện hai miền Nam – Bắc. Ông bảo vệ Tiến sĩ tại Đài Loan, với nghiên cứu về mối quan hệ Phật giáo Trung Quốc và Việt Nam.

Tử Hưng

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/van-hoa/du-lich/xay-chua-to-la-khong-phu-hop-voi-truyen-thong-van-hoa-nguoi-viet-53461