'Xây cầu nối' thu hút đầu tư gián tiếp của Anh vào thị trường chứng khoán Việt Nam

Trong chuyến công tác tới Vương Quốc Anh của Đoàn công tác Bộ Tài chính do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng dẫn đầu, Hội nghị Xúc tiến đầu tư là một trong những sự kiện quan trọng, mở ra cơ hội gia tăng mạnh hơn nữa dòng vốn đầu tư gián tiếp của Anh vào Việt Nam.

Hiện tại, số lượng các nhà đầu tư nước ngoài mang quốc tịch Anh đăng ký tài khoản lưu ký chứng khoán tại Việt Nam là 269 tài khoản. Ảnh Internet.

Hiện tại, số lượng các nhà đầu tư nước ngoài mang quốc tịch Anh đăng ký tài khoản lưu ký chứng khoán tại Việt Nam là 269 tài khoản. Ảnh Internet.

Vương quốc Anh – tiềm năng dòng vốn FII

Hội nghị Xúc tiến đầu tư gián tiếp được tổ chức từ ngày 2/7-8/7 tại Vương Quốc Anh nằm trong chuỗi chương trình Xúc tiến Đầu tư gián tiếp được Bộ Tài chính tổ chức tại những trung tâm tài chính lớn của thế giới. Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, việc tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư tại nước ngoài là rất cần thiết, giúp kích cầu và khơi thông dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Chính vì vậy, nhiều năm trở lại đây, hoạt động này đã được đưa vào là một trong những chương trình công tác trọng tâm định kỳ hàng năm của Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Theo Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước, trong chuyến thăm và làm việc tại Anh Quốc của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng năm nay, Bộ Tài chính Việt Nam phối hợp với Bộ Thương mại Quốc tế (đại diện là UK ABC) tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư tại London với tên gọi “Đầu tư vào Việt Nam”.

Một trong những điểm nhấn của các hội nghị xúc tiến đầu tư hàng năm bao gồm cả sự kiện tại London lần này là sẽ có sự đối thoại chính sách trực tiếp giữa các cơ quan quản lý tài chính của Việt Nam với doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài. “Từ chính sách đến thực tiễn” là cách tiếp cận đối thoại chính sách và đối thoại doanh nghiệp với nhà đầu tư nước ngoài trong Hội nghị Xúc tiến đầu tư tại London lần này.

Theo chia sẻ của ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, việc lựa chọn thị trường trọng điểm cho từng giai đoạn phát triển của thị trường chứng khoán đóng vai trò quan trọng giúp khai thác được hết hiệu quả của hoạt động xúc tiến đầu tư. Tại khu vực châu Âu, Thủ đô London – Vương Quốc Anh là 1 trong những trung tâm tài chính lớn hàng đầu thế giới trong nhiều thập kỷ qua. Đây là 1 trong 5 thị trường tài chính lớn nhất toàn cầu và tập trung nhiều quỹ đầu tư tài chính lớn. Đồng thời, London cũng là trung tâm lớn nhất của các thị trường phái sinh, thị trường ngoại hối, thị trường tiền tệ và ngân hàng cho vay quốc tế,… nên rất phù hợp với mục tiêu tổ chức chương trình xúc tiến đầu tư và thu hút đầu tư gián tiếp cho thị trường chứng khoán.

Trong lĩnh vực chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Cơ quan Quản lý thực thi tài chính Anh (FCA) (tiền thân là Cơ quan Quản lý dịch vụ tài chính - FSA) đã ký Thư trao đổi về hợp tác và trao đổi thông tin giữa cơ quan quản lý hai nước. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và FCA cũng đang trong quá trình rà soát lại nội dung để tiến tới ký Biên bản ghi nhớ về tư vấn, hợp tác và trao đổi thông tin giám sát ngành công nghiệp quỹ đầu tư thay thế (kế thừa MOU về nội dung này giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan đồng cấp thuộc các nước Liên minh châu Âu).

“Trong bối cảnh đó, sự kiện xúc tiến đầu tư do Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Đinh Tiến Dũng chủ trì sẽ thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư tại Anh. Tính kết nối về thông tin của trung tâm tài chính London rất rộng, nên thông tin về những chính sách mở cửa tạo thuận lợi cho đầu tư của Việt Nam sẽ lan tỏa nhanh”, ông Trần Văn Dũng khẳng định.

Còn nhiều tiềm năng

Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, vốn FII liên tục vào ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam ở mức khá cao, trung bình 1,98 tỷ USD/năm (giai đoạn 2016 – 2018). Trong bối cảnh tình hình tài chính - chứng khoán toàn cầu biến động mạnh, xu hướng nhà đầu tư rút vốn khỏi các thị trường mới nổi, thị trường cận biên thì Việt Nam vẫn là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài với giá trị vốn FII vào ròng 6 tháng đầu năm 2019 đạt 1,28 tỷ USD.

Trong bối cảnh đó, theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đầu tư gián tiếp của Anh vào Việt Nam hiện nay xấp xỉ 1 tỷ USD, còn khá khiêm tốn so với tiềm năng của nhà đầu tư Anh và so với khả năng hấp thụ vốn đầu tư của thị trường Việt Nam. Như vậy, mảng thị trường tài chính vẫn còn nhiều dư địa mới cho hợp tác giữa hai nước và còn nhiều tiềm năng cho các nhà đầu tư Anh.

Theo ông Trần Văn Dũng, tiêu chuẩn, tiêu chí đầu tư của nhà đầu tư châu Âu, bao gồm cả nhà đầu tư Anh rất cao và chuyên nghiệp. Tuy nhiên, với lợi thế, tiềm năng của thị trường chứng khoán Việt Nam, cùng với xu thế hội nhập tài chính và xu hướng dịch chuyển dòng vốn toàn cầu, dòng tiền thông minh sẽ luôn tìm tới những thị trường giàu cơ hội.

“Tôi nghĩ rằng, nhu cầu đầu tư và tiềm năng cơ hội từ hai phía là hiện hữu. Việc còn lại là làm thế nào để “xây cầu nối” gắn kết hiệu quả từ hai phía. Đây cũng là mục tiêu chính trong chuyến công tác tới Anh của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng lần này”, ông Trần Văn Dũng nhấn mạnh.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông tin, mỗi sự kiện trong chuỗi hoạt động xúc tiến đầu tư đều có mục tiêu chung là đến thực tế chia sẻ các góc nhìn về tiềm năng, cơ hội và rủi ro thách thức để các nhà đầu tư có cơ sở hoàn chỉnh hơn trong các quyết định đầu tư của mình. Đó cũng chính là cơ hội để Việt Nam thể hiện tính chuyên nghiệp và sự thiện chí trong góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài.

“Khi đưa được tiềm năng, cơ hội của thị trường vốn Việt Nam đến gần hơn tới nhà đầu tư và trao đổi, giải đáp được những băn khoăn của họ, rõ ràng các nguồn vốn đầu tư có chất lượng vào Việt Nam sẽ tăng; và các tiêu chí cả về định lượng và định tính của các tổ chức như MSCI hay FTSE Russell sẽ sớm được đáp ứng”, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhấn mạnh.

Vương quốc Anh hiện là nhà đầu tư châu Âu lớn thứ hai (sau Hà Lan) với 267 dự án FDI có tổng vốn đăng ký 3,75 tỷ USD và là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ ba của Việt Nam (sau Đức và Hà Lan).

Việt Nam và Anh đã ký kết nhiều hiệp định khung như Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần; Hiệp định về Bảo hộ và xúc tiến đầu tư,... và dự kiến trong thời gian tới hai nước sẽ thúc đẩy việc ký kết Hiệp định tự do thương mại (FTA) trên cơ sở kế thừa EVFTA mà Việt Nam – EU vừa ký kết.

Hiện tại, số lượng các nhà đầu tư nước ngoài mang quốc tịch Anh đăng ký tài khoản lưu ký chứng khoán tại Việt Nam là 269 tài khoản (trong đó có 120 tài khoản nhà đầu tư cá nhân, 149 tài khoản nhà đầu tư tổ chức) với tổng giá trị đầu tư 21.700 tỷ đồng (tương đương 944 triệu USD).

Thùy Linh

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/xay-cau-noi-thu-hut-dau-tu-gian-tiep-cua-anh-vao-thi-truong-chung-khoan-viet-nam-107394.html