Xây cầu Đại Ngãi với 8.000 tỷ đồng vốn ngân sách theo hợp đồng EC: Cần cân nhắc kỹ

Xây dựng dự án cầu Đại Ngãi vượt sông Hậu theo hình thức hợp đồng EC (thiết kế- thi công) có nhược điểm lớn nhất là Nhà nước không kiểm soát được thiết kế của công trình.

Cầu Đại Ngãi được đầu tư bằng 8.000 tỷ đồng vốn ngân sách

Thời gian gần đây, nhiều ý kiến nêu về việc có nên triển khai xây dựng cầu Đại Ngãi theo hình thức hình thức hợp đồng hỗn hợp thiết kế và thi công xây dựng công trình EC (Engineering - Construction).

Theo phân tích của một số chuyên gia cho rằng, Hợp đồng EC sẽ xác định rõ trách nhiệm xuyên suốt của nhà thầu về chất lượng và tiến độ, rút ngắn được thời gian chuẩn bị đầu tư do công tác lựa chọn nhà thiết kế và xây lắp được thực hiện chỉ 1 lần.

Hình thức EC sẽ có được sự tập trung trách nhiệm trong việc thực hiện hai khâu quan trọng của dự án là thiết kế và xây dựng.

Do chỉ có một đơn vị thực hiện cả hai hoạt động này, các nội dung quản lý dự án tập trung về một mối, hạn chế được việc đổ trách nhiệm và khiếu nại lẫn nhau giữa các nhà thầu thiết kế và xây dựng.

Mặt khác, do cùng nằm trong một tổ chức nên phần thiết kế và xây dựng có thể phối hợp tốt hơn, việc thực hiện các thay đổi thiết kế dễ dàng hơn, ngay cả trong quá trình xây dựng; Đồng thời, phát huy được đầy đủ vai trò, tính chủ động và sáng tạo của các chủ thể tham gia quá trình thực hiện, nâng cao hiệu quả thực hiện dự án.

Cầu Đại Ngãi vượt sông Hậu có quy mô 8.000 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước

Cầu Đại Ngãi vượt sông Hậu có quy mô 8.000 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước

Dù vậy, cũng không ít chuyên gia đã nêu ý kiến phản đối về việc áp dụng mô hình hợp đồng EC tại các dự giao thông lớn, trọng điểm sử dụng vốn ngân sách có những nhược điểm mà Bộ GTVT nên cân nhắc.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên QL60 thuộc địa phận tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng có mục tiêu xây dựng cầu Đại Ngãi 1, cầu Đại Ngãi 2 và đường dẫn. Tổng mức đầu tư dự án hơn 8.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 khoảng hơn 5.200 tỷ đồng; Chuyển tiếp sang giai đoạn 2026 - 2030 khoảng hơn 2.700 tỷ đồng.

Nhiều rủi ro cho dự án sử dụng vốn ngân sách

Chuyên gia, Thạc sỹ Kinh tế Lê Trung Hiếu cho rằng, với những dự án giao thông có tổng mức đầu tư lớn lại sử dụng hoàn toàn vốn ngân sách thì chủ đầu tư (với dự án xây dựng cầu Đại Ngãi là Bộ GTVT- PV) sẽ không thể đánh giá được nhà thầu mà chủ đầu tư lựa chọn và ký Hợp đồng có đáp ứng được nhu cầu về thiết kế đối với dự án hay không? Nguyên do bởi nhà thầu dự án chỉ đưa ra thiết kế chi tiết đối với dự án sau khi đã tiến hành ký kết hợp đồng với chủ đầu tư.

Và nếu nhà thầu trúng dự án rồi mà không đạt khâu thiết kế công trình thì tính sao, một là đấu thầu lựa chọn lại và hai là nhà thầu làm lại thiết kế, như vậy rất mất thời gian.

Cũng theo Th.s Lê Trung Hiếu, hiện nay, nhiều công ty thi công xây lắp đã mở rộng thêm hoạt động thiết kế. Vì vậy có thể xảy ra trường hợp Nhà thầu không thể đảm bảo năng lực về cả hai mảng thiết kế và thi công xây dựng dẫn đến việc nhà thầu không thể đáp ứng điều kiện đối với hợp đồng EC.

Trong trường hợp, nếu nhà thầu yếu về lĩnh vực thiết kế thì rất dễ xảy ra việc “bán thầu” phần thiết kế công trình. Như vậy, theo quy định gói thầu thiết kế phải đấu thầu thì vô hình chung đã trở thành chỉ định thầu!

“Nhược điểm lớn nhất của loại hình hợp đồng EC tại dự án giao thông là chủ đầu tư là Nhà nước không kiểm soát được thiết kế ngay từ đầu dẫn đến chọn tư vấn thiết kế yếu kém sẽ rủi ro cho dự án”- Th.s Lê Trung Hiếu nhận định.

Thứ hai, về chi phí của dự án sẽ rất khó dự tính trước một cách chính xác do tài liệu thiết kế chi tiết chỉ được hoàn tất sau khi chủ đầu tư đã hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu thiết kế-thi công.

Nhà thầu trong trường hợp này sẽ gặp rủi ro lớn trong việc đáp ứng yêu cầu của chủ đầu tư vì chưa ước tính được chính xác khối lượng thi công cần thực hiện. Trong trường hợp này, để chia sẻ rủi ro đối với nhà thầu, chủ đầu tư thường phải chấp nhận thêm một số khoản chi phí dự phòng hợp lý để xử lý rủi ro mà nhà thầu đưa ra, từ đó dẫn đến chi phí cho dự án tăng.

Và nhược điểm thứ ba do thiết kế - thi công chỉ là một nên nhà thầu có thể sử dụng công cụ thiết kế để giảm công năng và độ ổn định dẫn đến giảm chất lượng của công trình. Hơn nữa, nguồn gốc xuất xứ vật liệu mà nhà thầu đưa vào dự án cũng khó có thể kiểm soát được.

Dù vậy, Th.s Lê Trung Hiếu cũng cho rằng, trong 7 mô hình hợp đồng hiện nay thì mô hình nào cũng có ưu- nhược điểm riêng.

Để mô hình hợp đồng EC mang lại hiệu quả thì cần phải có những quy định rõ về tình huống tham gia đấu thầu, vai trò, trách nhiệm của các bên tham gia.

Hiện nay, Luật và các văn bản dưới luật về loại hợp đồng EC mới chỉ ở mức độ dẫn hướng mang tính chất khai mở, chưa đủ chi tiết trong thực tiễn và kiểm soát, xử lý những vấn đề phát sinh, đặc biệt là khi đưa vào triển khai các dự án lớn và phức tạp.

Cầu Đại Ngãi vượt sông Hậu có tổng mức đầu tư lên tới 8.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương. Quy mô cầu khá phức tạp và lớn, nếu triển khai theo hình thức hợp đồng EC thì không phù hợp.

Nhiều chuyên gia cho rằng, mô hình hợp đồng EC phù hợp nhất và phát huy hiệu quả lớn nhất tại các dự án sử dụng vốn PPP.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/xay-cau-dai-ngai-voi-8000-ty-dong-von-ngan-sach-theo-hop-dong-ec-can-can-nhac-ky-post532911.antd