Xây cảng Trần Đề 4,1 tỷ USD: Thêm mối lo...

Số tiền xây dựng cảng Trần Đề dù có 4,1 tỷ USD hay cao hơn nữa cũng không quan trọng bằng việc xác định nguồn tiền đó lấy từ đâu ra.

Cần cuộc hội thảo khoa học để minh bạch thông tin

Ngày 23/11/2018, bàn về việc Bộ GTVT đang nghiên cứu đề xuất Chính phủ xây dựng cảng biển nước sâu Trần Đề - Sóc Trăng với tổng vốn đầu tư vào khoảng 4,1 tỷ USD, có thể đón được tàu trọng tải 200.000 tấn, chuyên gia kinh tế biển Nguyễn Tác An đánh giá, đây là vấn đề lớn mang tính sách lược của đất nước đã được bàn cả chục năm nay nhưng vẫn còn có nhiều ý kiến trái chiều.

"Vấn đề phát triển cảng biển, cảng nước sâu là một trong những định hướng phù hợp. Nước nào muốn phát triển, thuận lợi giao thương trên trường quốc tế thì phải phát triển. Nhưng không vì thế mà phát triển tràn lan, không mang tính định hướng cụ thể. Tất cả vì mục tiêu chung của đất nước chứ không lấy dự án phát triển định hướng chung nhưng phục vụ nhóm cá nhân khác.

Ở Việt Nam, hiện đang có tâm lý e ngại nhiều dự án mang tên đầu tư phát triển nhưng thực chất không phải đầu tư phát triển mà là vì một mục đích khác hay còn gọi là "lợi ích nhóm" - ông An chia sẻ.

Để có thể phân tích được dự án xây dựng cảng biển nước sâu Trần Đề thì cần phải bản thuyết minh cụ thể từ phía Bộ GTVT. Nhưng ông An cho rằng, điều quan trọng nhất vẫn là vấn đề nguồn vốn ở đâu để thực hiện?

Xây dựng cảng Trần Đề cần xác định rõ tính hiệu quả và nguồn vốn ở đâu! (Ảnh minh họa)

Ông An nói: "Nếu định hướng nguồn vốn theo hình đối tác - công tư (PPP) hay xã hội hóa thì cần phải lưu ý đơn vị nào đầu tư vào dự án này. Tôi được biết, hiện nay không một doanh nghiệp nào trong nước đủ khả năng có thể đầu tư một số tiền lớn như thế để xây dựng cảng Trần Đề.

Nếu như doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào dự án này thì cũng cần phải tìm hiểu rõ đơn vị đó đến từ nước nào? Đầu tư vì mục đích kinh tế hay vì mục đích nào khác? Như việc Trung Quốc bỏ ra hàng chục tỷ USD để đầu tư xây dựng cảng biển ở Sri Lanca nhưng có phải họ muốn phát triển kinh tế hay vì đất nước, người dân Sri Lanca đâu mà vì mục đích chính trị đằng sau đó.

Số tiền 4 hay 6 tỷ USD để xây dựng cảng biển cũng không có ý nghĩa quan trọng bằng nguồn gốc số tiền đó từ đâu ra. Có nguồn gốc tiền mới xác định được mục tiêu thực sự của việc đầu tư của doanh nghiệp là vì điều gì".

Từ đó, ông An đề xuất, Bộ GTVT tải phải tổ chức một buổi hội thảo khoa học để lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia về dự án xây dựng cảng biển Trần Đề, minh bạch hóa thông tin, nguồn vốn tránh khúc mắc của người dân đặt ra.

Đồng quan điểm, TS kinh tế Lưu Bích Hồ cũng cho rằng, xây dựng cảng Trần Đề với số vốn 4,1 tỷ USD mà chủ yếu là theo phương thức PPP nhưng chưa có cơ sở về nguồn vốn tư nhân tham gia thế nào. Còn vốn Nhà nước là bao nhiêu cũng chưa rõ. Thời gian xây dựng bao lâu?

"Trong thời kỳ 2020 - 2025 vấn đề náy chưa thể đặt ra đối với đầu tư công khi Bộ GTVT còn đang đề nghị khởi động xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc Nam với khoảng 60 tỷ USD mà còn chưa rõ khả năng thu xếp nguồn vốn đầu tư công có được không. Bên cạnh đó còn nhiều công trình khác cũng đang cần làm" - TS Lưu Bích Hồ bày tỏ.

Loại bỏ dự án có cũng được, không có cũng chẳng sao

Cùng trao đổi về dự án xây dựng cảng Trần Đề mà Bộ GTVT đang nghiên cứu, ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) bày tỏ, Việt Nam hiện nay đang xuất hiện tình trạng nơi thừa, nơi thiếu. Có cảng không sử dụng được nhưng có cảng sử dụng hết công suất, không mở rộng thêm được...

Có ý kiến cho rằng, ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện có nhiều cảng biển đang tập chung tại TP. Cần Thơ thì việc đầu tư xây dựng cảng biển Trần Đề sẽ gây ra tình trạng lãng phí, không sử dụng hết công suất các cảng đã xây dựng. Thay bằng việc xây cảng biển mới thì có chính sách cải thiện, khai thác hiệu quả các cảng hiện có.

Tuy nhiên, ông Hòa cho biết, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuy có nhiều cảng biển nhưng chủ yếu chỉ đón được tàu trọng tải nhẹ, vẫn thiếu cảng đón tàu tải trọng lớn lên tới hàng trăm nghìn tấn.

"Về cảng biển Trần Đề được manh nha từ khi Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể còn làm Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng. Khi đó, anh Thể muốn xây dựng luôn tuyến đường bộ nối liền các tỉnh Trà Vinh - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau để kết nối với cảng Trần Đề" - ông Hòa thông tin.

Theo ông Hòa, trước đây chúng ta thường xây dựng cảng theo đề xuất của Bộ GTVT hay ý muốn của từng địa phương, dẫn đến tình trạng mỗi nơi làm một nẻo, địa phương nào tranh thủ được thì xin vốn đầu tư xây dựng án nên sau khi Nhà nước đầu tư ngân sách xây dựng thì cảng biển hoạt động không hiệu quả.

Ông Hòa cho rằng, dù phương án vốn xây dựng cảng Trần Đề trong tương lai có lựa chọn theo hình thức nào thì cũng cần nghiên cứu kỹ tính hiệu quả của dự án. Những công trình nào trọng điểm, mang lại hiệu quả kinh tế cao thì dù có tốn tiền cũng sẽ cố gắng đầu tư. Còn trong bối cảnh tình trạng nợ công của đất nước đang tăng cao thì với những dự án có cũng được, không có cũng chẳng sao thì tốt nhất dừng lại, không nên đầu tư.

Vân Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/xay-cang-tran-de-41-ty-usd-them-moi-lo-3369732/