Xây bờ kè chặn kế sinh nhai?

Theo phản ánh của các hộ dân tại tổ 58, Khu 5, phường Cẩm Phú, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, phóng viên thấy cả một vùng lấm lem bụi đường, rầm rộ tiếng sản xuất xen lẫn khói bụi của than dần lộ ra. Những gương mặt lam lũ xen lẫn bức xúc về một dự án ảnh hưởng tới kế sinh nhai từ bao đời của họ.

Xây bờ kè, chặn “lỗ kiếm cơm”?

Vốn là nơi chôn nhau cắt rốn từ lâu, đời sống chủ yếu dựa vào việc bòn mót than trôi tại con suối chảy ra từ vùng đất mỏ, đây cũng là kế sinh nhai để nuôi sống con người Cẩm Phú từ bao đời nay, tuy nhiên vào khoảng cuối tháng 2 năm 2019, bỗng dưng cuộc sống của người dân bị đảo lộn khi các đơn vị thi công cùng các trang thiết bị, máy móc đến phá dỡ hệ thống bờ kè cũ do người dân xây dựng và thay thế bằng hệ thống bê tông hóa kiên cố.

Đỉnh điểm vào 8/4/2019, rất đông lực lượng chức năng bao gồm: Công an, dân quân, cứu thương, đại diện chính quyền địa phương cùng các bên liên quan đã tiến hành các hoạt động cưỡng chế, sự việc khiến xảy ra xô xát.

Theo người dân ở đây, mặc dù ô nhiễm do bụi than, mìn nổ nứt nhà, điện nước không được cung cấp, nhưng họ phải cam chịu vì phải bám vào nghề bòn mót than trôi làm kế mưu sinh.

“Chúng tôi sống ở đây chỉ vì là cái than trôi của mỏ ra thôi chứ bây giờ trên này sống không có cái nguồn sinh sống gì cả. Người nhà quê còn có ruộng lương để cày cấy. Ở đây già trẻ, con cái chúng tôi lớn lên trưởng thành, bây giờ công ăn việc làm không có. Chỉ sống bằng cái nguồn than trôi của mỏ chứ chúng tôi không phải vào mỏ ăn trộm, ăn cắp gì mà lại triệt của chúng tôi…”. Trên tay bồng bế đứa cháu nhỏ, bà Trần Thị Thúy người dân tại tổ 58, phường Cẩm Phú bức xúc cho biết.

Theo người dân ở đây, phía thượng lưu, nơi mà bờ kè cũ vốn được xây sạch đẹp, cao thoáng, không bao giờ ngập lụt, thì lại phá đi để xây bờ kè mới, trong khi hạ lưu kè hỏng, nát, ngập lụt thường xuyên thì lại không kè.

Rất đồng thuận với việc xây dựng hệ thống bờ kè trên, ít nhất người dân cũng đã hai lần tự nguyện hiến đất để mỏ than mở rộng hệ thống suối thoát nước cho mỏ. Tuy nhiên, trước những hệ thống bê tông hóa kiên cố đang được xây dựng, nguy cơ “cái lỗ” mưu sinh bấy lâu nay của người dân đang dần bị bịt kín, khiến cuộc sống khó khăn trồng chất khó khăn.

Kế sinh nhai trôi tuột ra biển

Để rộng đường dư luận, phóng viên đã cuộc làm việc với UBND Phường Cẩm Phú để có câu trả lời xác đáng về sự việc trên.

Theo các vị lãnh đạo tại đây cho hay thì đây là một trong những công trình trọng điểm về môi trường và thoát nước, việc xây dựng bờ kè không nằm ngoài mục đích là phòng chống thiên tai trong mùa mưa lũ trên địa bàn.

Trả lời về việc thực hiện dự án không có sự bàn bạc thống nhất với nhân dân, ông Lâm Văn Dũng, Chủ tịch UBND phường Cẩm Phú đã phủ nhận bằng việc nhấn mạnh địa phương thực hiện hai thống báo mời họp và có mời họp trực tiếp tại ủy ban.

Cũng theo ông Dũng thì bản thân đã làm việc riêng với người dân và cũng hứa tạo điều kiện “thắt ở đâu thì cởi đó” để người dân sinh sống bằng nghề.

Việc “cởi nút thắt” ở đây, theo tìm hiểu được biết là việc để các lỗ âm ở bên trong hệ thống kè mới để tạo điều kiện cho người dân dễ đục ra và hứng than trôi.

Liên quan tới việc sử dụng các lực lượng để thực hiện các hoạt động giống như cưỡng chế ngày 8/4/2019, ông Dũng khẳng định đó chỉ là việc bảo vệ công trình để thi công chứ không phải hoạt động cưỡng chế. Việc huy động các lực lượng ra công trình để ngăn người dân cản trở việc thi công, điều đó là đúng, cần thiết, đúng quy trình và phải làm, ông Dũng khẳng định.

Cũng theo lãnh đạo phường Cẩm Phú, lộ trình đến 30/6/2019, địa phương sẽ quyết tâm thực hiện đảm bảo an toàn trên toàn tuyến có liên quan để kịp cho mùa mưa bão sắp tới.

Về trách nhiệm thuộc công trình trên, ông Dũng khẳng định đó thuộc về Công ty Than Cọc Sáu với vai trò là chủ đầu tư, UBND phường chỉ có vai trò là hợp tác để thực hiện dự án trên.

Theo tìm hiểu được biết, công trình trên thuộc dự án cải tạo đoạn mương nước từ Tuylen 19/5 ra đến cống Hộp đường + 78 Cọc Sáu do Công ty Cổ phần Than Cọc Sáu - Vinacomin, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư.

Công trình được xây dựng gồm 6 gói thầu với tổng mức đầu tư gần 7 tỷ đồng bằng vốn vay thương mại, do Công ty Xây dựng và Kinh doanh tổng hợp An Bình là đơn vị thi công.

Việc xây dựng bờ kè vô tình hay ở mức độ nào cũng đã và đang làm ảnh hưởng đến kế mưu sinh của người dân. Nếu bờ kè được hoàn thành, nguồn than vương vãi mà bấy lâu nay nuôi sống hàng trăm hộ dân tại phường Cẩm Phú cũng vì thế trôi tuột ra sông, ra biển. Hệ lụy môi trường ắt hẳn sẽ nặng nề hơn rất nhiều.

Phải chăng địa phương đang xây dựng hạng mục công trình ngoài mục đích để bảo vệ người dân trước mùa mưa lũ hay còn những vấn đề gì trong sự việc trên? Rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các đơn vị liên quan để đảm bảo cuộc sống ấm no cho người dân địa phương.

Trần Anh

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/doi-song/xay-bo-ke-chan-ke-sinh-nhai_t114c1159n148120