Xây bể, dẫn nước nuôi cá ở vùng biên

Những năm gần đây, giữa vùng núi non trùng điệp, địa bàn thôn Ngải Trồ, xã Dền Sáng (Bát Xát, Lào Cai) xuất hiện trang trại cá nước lạnh bề thế, được đầu tư xây dựng cơ bản. Chủ trang trại là ông Lưu Văn Quang. Trang trại của ông Quang đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho vùng đất vốn được xem là sỏi đá nhiều hơn đất.

Rời Thủ đô lên biên giới lập nghiệp

Ông Lưu Văn Quang sinh ra trong một gia đình nghèo ở xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh, TP Hà Nội. Khi đến tuổi trưởng thành, ông lấy vợ, rồi làm đủ nghề để kiếm sống, nhưng khó khăn cứ đeo bám gia đình. Hơn 10 năm trước, một lần lên huyện Bát Xát, ông nhận thấy vùng đất này có khí hậu, thời tiết khá đặc biệt, nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế. Thế là, chỉ sau một khoảng thời gian ngắn, ông thuyết phục vợ con chuyển lên huyện vùng cao nghèo khó này để lập nghiệp.

Ông Lưu Văn Quang bên trang trại cá nước lạnh.

Ông Lưu Văn Quang bên trang trại cá nước lạnh.

Thời gian đầu, gia đình ông Quang thuê nhà tại thị trấn Bát Xát để buôn bán nhỏ, nhưng trong lòng ông luôn canh cánh nỗi niềm phải làm việc gì đó, cần tận dụng đất đai, khí hậu nơi này làm mô hình kinh tế trang trại, trồng rừng hoặc chăn nuôi. Tình cờ, một lần đi tìm việc, đến xã Dền Sáng, giữa mùa hè mà ông nhận thấy vùng đất này có khí hậu rất mát mẻ, nhiệt độ trung bình thấp hơn dưới xuôi 7-8 độ, hội tụ đủ “4 mùa” trong một ngày. Ông nghĩ ngay đến hình thức nuôi cá nước lạnh. Ngay sau đó, ông Quang rong ruổi đến các địa bàn nuôi nhiều cá nước lạnh như Sa Pa, Y Tý (Bát Xát) của tỉnh Lào Cai để tìm hiểu cách thức tổ chức nuôi cá tầm, cá hồi. Vừa học hỏi thực tế, ông vừa nghiên cứu nhiều loại sách, tài liệu hướng dẫn về nuôi cá nước lạnh.

Cuối năm 2010, nhận thấy thời cơ đã đến, gia đình ông quyết định rời thị trấn Bát Xát lên thôn Ngải Trồ, xã Dền Sáng sinh sống, lập trang trại nuôi cá hồi. Ban đầu, khu trang trại hiện nay chỉ là bãi đất đá khô cằn. Ông Quang mạnh dạn vay vốn ngân hàng, quy hoạch, thuê máy đào ao, xây dựng các khu nuôi cá hồi, cá tầm giống. Ngày đầu, gia đình ông gặp vô vàn khó khăn, vì vừa phải lo vốn đầu tư, vừa lo quy hoạch, kỹ thuật xây dựng các bể, đường dẫn nước ra vào sao cho phù hợp, khoa học. Sau gần một năm, ông Quang đã xây dựng thành công 6 ao thả cá các loại với hệ thống bơm, dẫn, thoát nước hiện đại, liên hoàn.

Tạo việc làm và giúp nhiều người dân bản địa

Các loại cá tầm, cá hồi ở trang trại của ông Quang sản xuất đến đâu, bán hết đến đó. Thông qua một số người bạn nuôi cá nước lạnh giới thiệu, nhiều nhà hàng, khách sạn lớn không chỉ ở Lào Cai mà cả các tỉnh, thành phố, như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Ninh... cũng tìm đến trang trại của ông Quang để thu mua cá hồi, cá tầm. Vài lứa đầu, ông phải đi mua cá giống, nhưng chỉ sau 1-2 năm ông tự tìm tòi, ươm nuôi cá bố, mẹ rồi cho đẻ ra cá con, tiết kiệm được vốn đầu tư ban đầu. Từ 6 bể cá với diện tích vài trăm mét vuông, hiện trang trại của ông Quang đã có tới 30 bể, diện tích hơn 3.000m2, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động tại địa phương, thu nhập bình quân 6-8 triệu đồng/người/tháng. Kể từ khi ông Quang tạo dựng trang trại cá nước lạnh tại vùng đất khô cằn, sỏi đá như Ngải Trồ, nhiều hộ dân trên địa bàn cũng học hỏi, làm theo, đem lại hiệu quả, tạo nên chuỗi trang trại nuôi cá nước lạnh trên vùng biên Bát Xát. Nhiều doanh nghiệp, nhà hàng, siêu thị đánh giá cao chất lượng cá tầm, cá hồi được nuôi ở địa bàn xã Dền Sáng.

Không chỉ tạo việc làm cho người dân ở địa phương, ông Lưu Văn Quang còn giúp đỡ nhiều người dân trong và ngoài xã phát triển nghề nuôi cá nước lạnh, trong đó có gia đình anh Chả Láo Sử, thôn Ngải Trồ, xã Dền Sáng. Trước đây, anh Sử chỉ ham mê rượu chè, bỏ bê ruộng nương, nên cái đói, cái nghèo cứ bám riết gia đình bao năm. Nắm được hoàn cảnh, ông Quang khuyên bảo, hướng dẫn anh Sử xây dựng trang trại nuôi cá. Cùng với đó, ông giúp đỡ anh Sử về giống, vốn, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm. Có việc làm ổn định, anh Chả Láo Sử thay đổi hẳn tâm tính, quyết chí thoát nghèo. Chỉ sau hai năm, từ 1 bể ban đầu, nay anh Sử đã có 4 bể nuôi cá tầm, cá hồi, mỗi năm thu lãi 70-80 triệu đồng. Có thu nhập, cuộc sống gia đình anh Sử dần ổn định, mua sắm được nhiều đồ dùng sinh hoạt.

Không chỉ tích cực hỗ trợ các hộ khó khăn trên địa bàn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, ông Lưu Văn Quang còn có tấm lòng thiện nguyện, sẵn sàng giúp đỡ người nghèo khó. Khi thôn, xóm triển khai các chương trình xây dựng nông thôn mới, ông tự nguyện ủng hộ bằng rất nhiều hình thức... được cấp ủy, chính quyền địa phương và đồng bào các dân tộc trên địa bàn yêu mến, quý trọng.

Bài và ảnh: ĐÀO DUY TUẤN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/cuoc-thi-viet-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-12/xay-be-dan-nuoc-nuoi-ca-o-vung-bien-652503