Xấu, đẹp nơi công cộngBài 1: Hồn nhiên như ở nhà mình

Sân bay, bến xe là những nơi đông đúc, mọi người tập trung chờ đợi để tiếp tục hành trình. Chính vì chỉ đến, đi trong khoảng thời gian ngắn nên khá nhiều người rất tùy tiện, chỉ cần biết tiện lợi cho mình, không cần biết ảnh hưởng đến người khác hay không. Ở những chốn công cộng ấy, ứng xử có văn hóa không chỉ giữ gìn hình ảnh đẹp của mình mà còn vì không gian chung, góp phần xây dựng môi trường văn hóa cho Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

Ai cũng biết việc chờ đợi mấy tiếng đồng hồ ở bến xe, nhà ga, sân bay hoặc ngồi trên các phương tiện di chuyển lâu sẽ rất mệt mỏi, sốt ruột. Thường để đi đến nơi nào đó mọi người phải dậy sớm, hoàn thành khối lượng công việc lớn dồn dập trước khi lên đường nên không tránh khỏi mệt mỏi, đuối sức...

Thời hiện đại, có rất nhiều hình thức, phương tiện để “giết thời gian” mà lại tránh tụ tập đông đúc, tâm lý căng thẳng. Chẳng hạn, ở sân bay Nội Bài có những cửa hàng nhỏ với đủ mặt hàng cần thiết. Ai thấy thiếu gì cho chuyến du lịch, công tác dài ngày của mình mà chưa chuẩn bị thì có thể mua bổ sung.

Nơi đây cũng bán đặc sản của các vùng miền, ai vội chưa kịp mua bên ngoài thì có thể chọn một ít làm quà cho bạn bè, người thân. Các quầy cũng sẵn sàng phục vụ đồ ăn, thức uống để khách lót dạ cho chặng đường dài.

Chỉ cần dạo qua các cửa hàng đó, thăm thú khám phá các điểm lên xuống của sân bay rộng lớn cũng đủ tiêu tốn khoảng thời gian chờ đợi để lên máy bay. Những ai ngại di chuyển, không có nhu cầu mua sắm, sức khỏe không cho phép thì có thể ngồi sử dụng điện thoại vào mạng xã hội, đọc báo…

Vậy mà, vẫn giữ thói quen hồn nhiên như ở nơi mình sinh sống, khá nhiều người đi theo đoàn tụ tập chiếm cả mấy dãy ghế chờ. Đương nhiên, ở những chỗ đó khách lẻ chẳng ai dám hoặc muốn ngồi chen vào nữa. Thế là, họ “buôn” chuyện oang oang như thể xung quanh không có ai.

Chuyện công ty, chuyện làm ăn đến chuyện gia đình, con cái, họ hàng… đến những câu chuyện mang chiều hướng bức xúc như mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu, chuyện gia đình chồng, chuyện hàng xóm láng giềng cũng được họ phơi bày ra hết. Những điều này thuộc về riêng tư của mỗi cá nhân, khi được chia sẻ lớn tiếng chốn công cộng với thái độ không được hòa nhã cho lắm rất dễ ảnh hưởng đến tâm trạng, thái độ của những người bên cạnh.

Trong khi đó, một “nhánh” khác của chủ đề “buôn” chính là chuyện hài hước. Đa phần đây là những câu chuyện được cách điệu và nhiều khi mang cả yếu tố dung tục. Việc họ nói chuyện tiếu lâm, kể chuyện “bậy” mang tính đời thường, nếu ở một không gian chật hẹp, trong phạm vi những người cùng quan điểm thì rất bình thường; nói ở nơi công cộng để cho cả những người lớn tuổi, trẻ em “phải” nghe thì lại là chuyện khác.

Khi những chuyện này vô tình lọt vào tai, chắc hẳn ai không muốn nghe sẽ rất khó chịu và cảm thấy môi trường ở đó thật thiếu văn hóa. Là người Hà Nội chỉn chu trong từng dáng đi, lời ăn tiếng nói, chúng ta nên ý thức được chủ đề câu chuyện, thái độ, hành vi của mình trong từng không gian cụ thể để khỏi ảnh hưởng đến xung quanh.

Tại sân bay Nội Bài, nhà ga T1 - nơi hành khách di chuyển trong nước nhưng cũng có khá nhiều khách nước ngoài sử dụng dịch vụ. Theo quan sát của chúng tôi, có vẻ như họ quen với việc chờ đợi nên không tỏ ra sốt ruột. Đa phần mọi người vui vẻ ngồi ngắm cảnh xung quanh.

Có những vị khách Tây to lớn nhưng ngồi theo nhóm nhỏ, nói năng trao đổi với nhau cũng rất nhỏ nhẹ chứ không ầm ĩ như khách nước mình. Có người dựa thẳng lưng vào ghế, đeo tai nghe, mắt lim dim thưởng thức âm nhạc. Người thì mang sách hoặc tài liệu ra nghiên cứu.

Còn người Việt ta, không cần biết chờ lâu hay mau, mệt mỏi đến mức nào, xung quanh nhiều người quen biết hay toàn người lạ, cứ mệt là… bạ đâu đấy nằm, tự nhiên chủ nghĩa. Người thì gối đầu lên đùi người nhà, che mũ lên mặt, đánh một giấc say sưa. Người thì ghếch chân lên ghế phía trước với dáng nằm không thể phản cảm hơn. Có người lại gối đầu lên vali, túi xách, nằm co quắp. Có người lại chẳng cần phải che đậy gì, ngủ say quá, mồm há ra ngáy, người xung quanh thấy xấu quá đành phải quay đi chỗ khác.

Một ca sĩ, biên tập viên truyền hình có tiếng đã chia sẻ trên mạng xã hội tình huống mà mình gặp phải khi ở sân bay. Đó là việc mọi người đang xếp hàng chờ đợi thì một anh ở sau cứ giục: “Đi lên đi chị ơi!”. Phía trước chẳng còn chỗ trống, không thể nhích thêm được chút nào, chị đành quay lại hỏi: “Đi đâu hả anh?”. “Cứ đi lên phía trước thôi!”, anh kia thản nhiên trả lời.

Biết không thể “cãi lý” với anh này được, chị lịch sự: “Vâng! Vậy thì mời anh lên trước”. Anh kia chẳng ngần ngại gì chen lên trước chị, rồi cứ thế lần lượt chen mãi lên trên, đến khi nhân viên sân bay nhắc nhở mới chịu dừng lại.

Giám đốc một tổ chức giáo dục của Nhật Bản tại Hà Nội cũng kể rằng, khi bà đến sân bay, rất nhiều người đang đứng chờ lấy hành lý thì có nam thanh niên cứ lật hết túi này đến túi nọ để kiểm tra có phải đồ của mình hay không. Khi bị người khác nhắc rằng phải nhớ nhận dạng túi của mình thì anh vặc lại “túi của tôi cũng như thế”. Đặc biệt hơn, khi bà giám đốc xách túi của mình lên, anh còn đòi mở ra kiểm tra xem có phải… túi của anh không. Điều đó khiến bà cảm thấy rất khó hiểu.

Không riêng việc xếp hàng, chờ đợi, khi qua cửa kiểm soát an ninh, khá nhiều người cũng tỏ rõ sự vô trách nhiệm, thiếu ý tứ của mình. Với những chiếc rổ đựng ví, giầy, điện thoại… để qua băng chuyền, có người lấy đồ của mình xong thì xếp chồng lên nhau, đưa cho nhân viên hoặc tự tay chuyển ra ngoài để người phía sau còn có cái đựng. Bên cạnh đó, vẫn có người lấy xong đồ là mặc kệ, vứt trả lại chiếc rổ lỏng chỏng ở giữa băng chuyền hoặc tệ hơn còn để nguyên ở dưới đất, trông rất thiếu văn minh, lịch sự.

Nhiều người còn thể hiện sự bừa bãi khi sử dụng nhà vệ sinh rất thiếu ý thức. Họ xé giấy dùng vô tội vạ, vứt cả lên bệ bồn cầu và chỗ rửa tay, vẩy nước đầy sàn mặc kệ người đến sau cảm thấy khó chịu hay nhân viên phải cật lực dọn dẹp.

Chị Hà ở Hoàng Mai, Hà Nội không thể nào quên được chuyến bay hôm đó. Gia đình chị đi du lịch nhưng trước đó không thống nhất được ngày giờ nên đặt vé làm hai đợt khác nhau. Kết quả là khi ra sân bay, hết chỗ ngồi liền nhau, cô nhân viên của hãng dặn là cứ lên máy bay nhờ tiếp viên đổi chỗ giúp.

Các cô tiếp viên cũng hết sức nhiệt tình nhưng do đang bận nhiều việc nên chưa thể sắp xếp được ngay mà các con chị còn nhỏ, lần đầu tiên đi máy bay nên rất sợ, muốn ngồi cùng bố mẹ. Chị nói khó, nhờ vả mãi nhưng một anh thanh niên cũng không chịu đổi chỗ để cho chị ngồi cùng con. Con bé mới bốn tuổi một mình ngồi một chỗ cứ khóc gào bám lấy mẹ khiến những người xung quanh cũng thấy ái ngại. Mãi đến khi cô tiếp viên lên tiếng đề nghị, hai cô gái khác đứng dậy nhường chỗ để hai mẹ con ngồi cạnh nhau thì chị mới đỡ căng thẳng.

“Quy định của lên máy bay không được đổi chỗ ngồi cho nhau. Tuy nhiên, trong trường hợp này tôi và tiếp viên đã khẩn thiết đề nghị và rất mong mọi người giúp đỡ nhưng tôi vẫn cảm thấy buồn vì sự thờ ơ, vô cảm và nguyên tắc của anh thanh nhiên kia”, chị Hà tâm sự.

Vẫn biết, sân bay chỉ là nơi đến chốc lát rồi đi nhưng đâu phải chỉ được việc của mình là xong. Cư xử ra sao để ích mình lợi người, sao cho xứng là người văn minh, hiện đại mới khó và cần mọi người phải luôn tự nhắc nhở mình.

(Còn nữa)

Bài, ảnh: Ngọc Hân

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/bai-1-hon-nhien-nhu-o-nha-minh-d2054879.html