'Xập xí xập ngầu' tượng 12 con giáp

Có một sự 'đánh lận con đen' trong phát ngôn của chủ vườn tượng 12 con giáp ở Hòn Dấu (Đồ Sơn, Hải Phòng) khiến những nghệ sỹ tham gia Trại điêu khắc quốc tế Hải Phòng lần thứ nhất (2007) bị 'ném đá' oan. Cụ thể như trường hợp của điêu khắc gia ẩn dật Lê Công Thành.

Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm: “Đừng “đánh lận” vườn tượng của các nghệ sỹ với tượng 12 con giáp”.

“Đành rằng tôi rất khỏa thân, nhưng…”

Trước làn sóng dư luận, chủ vườn tượng 12 con giáp, ông Hoàng Văn Thiềng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Du lịch Quốc tế Hòn Dấu đã trả lời phỏng vấn báo chí: “Trước khi tiến hành điêu khắc các bức tượng này, công ty đã tổ chức một trại sáng tác, quy tụ nhiều nghệ nhân cùng các nhà điêu khắc đến để đóng góp ý kiến và sáng tạo tác phẩm. Những bức tượng 12 con giáp xuất phát từ ý tưởng của nhà điêu khắc Lê Công Thành”.

Nhà điêu khắc Lê Công Thành: “Tôi già rồi còn bị oan”.

Chúng tôi đến gặp Lê Công Thành tại nhà riêng của ông ở khu tập thể Vĩnh Hồ (Hà Nội), điêu khắc gia nổi tiếng xác nhận: Ông có hai tượng khỏa thân ở Hòn Dấu. Nhưng Lê Công Thành khẳng định: hai tượng khỏa thân ấy không liên quan đến vườn tượng 12 con giáp đang ồn ào. Đầu đuôi câu chuyện được Lê Công Thành và vợ ông, người luôn bên ông trong công việc, nữ họa sỹ Kim Thái, kể như sau: Cách đây khoảng hơn 10 năm, nhà điêu khắc Lê Công Thành tham gia trại sáng tác quốc tế, được tổ chức ở Hòn Dấu. Sau trại sáng tác ông để lại ba tác phẩm nghệ thuật, trong đó có hai tượng khỏa thân.

“Làm xong những tượng đó, tôi không đến đó nữa. Không biết gì về Hòn Dấu nữa. Sau đó tôi xây dựng tượng “Mẹ Âu Cơ” ở Đà Nẵng. Xong “Mẹ Âu Cơ”, tôi trở về nhà, làm việc riêng của tôi. Hầu như tôi đoạn tuyệt với thế giới bên ngoài, ít gặp gỡ, giao du”, nhà điêu khắc tâm sự.

Ông thấy rất oan ức khi bị coi là người “đẻ” ra ý tưởng xây dựng vườn tượng 12 con giáp: “Thành biết ông Hoàng Văn Thiềng khi làm tượng ở Hòn Dấu song Thành không biết gì về vườn tượng 12 con giáp. Bây giờ hỏi ai nặn tượng ở Hòn Dấu ông Thiềng cũng bảo Lê Công Thành. Ai nghĩ ra ý tưởng 12 con giáp ông Thiềng cũng bảo Thành. Thành bị oan ức thế mà. Những bức tượng khỏa thân của Thành nằm ở vị trí gần biển, còn tượng 12 con giáp theo thông tin báo chí thì nằm ở trên đồi cơ”.

Phóng tác bầu vú – tượng Lê Công Thành.

Vậy, vì sao lại xuất hiện lời khen vườn tượng 12 con giáp của Lê Công Thành, trên một tờ báo: “Người chê những bức tượng đó thì tôi không biết, người khen thì nhiều lắm”. Nhà điêu khắc phân bua: Có một phóng viên gọi điện đến cho tôi, cô ấy nói rằng, người ta chê tượng ở Hòn Dấu của Thành có tính “đồi trụy” nên Thành mới đáp như vậy. Bởi lúc đó Thành đâu biết ở Hòn Dấu còn có vườn tượng 12 con giáp? Nhắc đến vườn tượng ở Hòn Dấu, Thành chỉ nghĩ đến tượng ở trại sáng tác quốc tế”. Nhà điêu khắc cười móm mém: “Già rồi còn bị oan. Tôi hay nặn đàn bà khỏa thân. Không những nặn đàn bà khỏa thân mà tôi cũng rất hay nói về khỏa thân, có cả thơ về khỏa thân… Tôi xác nhận tôi rất khỏa thân nhưng không phải khỏa thân kiểu 12 con giáp”. Về tượng 12 con giáp ông bình: “Ở góc độ một nhà điêu khắc Thành thấy 12 tượng này xấu quá. Nhưng có ai hỏi mình khi dựng vườn tượng này đâu?”.

Chỉ là sản phẩm của… thợ đục đá!

Họa sỹ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm bày tỏ: Giật mình khi đọc thông tin trên báo thấy Lê Công Thành dính líu đến tượng 12 con giáp. Cục trưởng khẳng định: Tượng của Lê Công Thành ở Hòn Dấu không liên quan gì đến tượng 12 con giáp. Ông giải thích: “Ngày xưa có cái vườn tượng ở đấy (tức Hòn Dấu- PV). Đó là những tác phẩm khác hoàn toàn, không dính đến 12 con giáp này. Quy chúng vào cùng “một rọ” là “đánh lận con đen”. Nói tượng 12 con giáp là tác phẩm của vườn tượng là không đúng. Vườn tượng đã xong, đã kết thúc, đã trưng bày ổn định đâu vào đấy rồi, không ai có ý kiến gì cả. Tượng 12 con giáp là công trình của ông chủ và anh thợ đục đá, không liên quan đến vườn tượng.

Đó là hai câu chuyện khác nhau. Coi 12 con giáp này cũng nằm trong vườn tượng đó, chẳng qua để “xập xí xập ngầu”, nhằm xoa dịu dư luận. Nói như vậy là hạ thấp những nghệ sỹ đã tham gia vườn tượng trước đây từ trại sáng tác quốc tế ở Hòn Dấu, Đồ Sơn”. Cục trưởng Vi Kiến Thành cho biết: Tác phẩm khỏa thân ở Hòn Dấu của nhà điêu khắc Lê Công Thành ra đời từ trại sáng tác điêu khắc quốc tế.

Được biết, trại điêu khắc quốc tế Hải Phòng lần thứ nhất, là một hoạt động nằm trong chuỗi Liên hoan du lịch Hải Phòng 2007, qui tụ 40 nhà điêu khắc đến từ 15 nước trong khu vực và thế giới. 18 tác phẩm của các tác giả nước ngoài và 25 tác phẩm của các tác giả trong nước đã được chọn tham dự. Công ty CP Du lịch Quốc tế Hòn Dấu, chính là đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức trại sáng tác điêu khắc. Đây là nguyên nhân khiến ai đó cố tình gây lẫn lộn giữa tượng của trại sáng tác và tượng 12 con giáp ồn ào.

Qua vụ tượng 12 con giáp, có người đổ lỗi cho nude. Theo Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm: “Vấn đề ở đây không phải là nude hay không nude. Đừng lẫn cái này sang cái khác, làm tượng nude là bình thường, không ai ngăn cấm cả. Nhưng những người có thẩm mỹ cao, tay nghề tốt, sẽ ra những sản phẩm nghệ thuật cao. Nude của Lê Công Thành là ví dụ. Tượng của ông không dâm hay tục mặc dù ông diễn tả nhiều thứ người khác không dám đụng.

Bởi vì nó đã được điêu khắc hóa, đó là vẻ đẹp của khối điêu khắc chứ không phải cái đẹp tự nhiên chủ nghĩa. Còn trình độ thấp sẽ “đẻ” ra sản phẩm nude xấu về thẩm mỹ. Làm sao lại đi làm cái việc cắm cái đầu các con vật theo chủ đề 12 con giáp vào cơ thể người tả thật như thế. Ngôn ngữ nghệ thuật “ông chằng bà chuộc”, một thứ biểu tượng tâm linh gắn với cái hiện thực theo lối tả thực tự nhiên chủ nghĩa, khiến người xem không thấy tinh thần của những con giống mà chỉ thấy ghê, dữ”.

Tượng khỏa thân đầu tiên ở Hòn Dấu của Lê Công Thành.

Vậy, có hay không chuyện tượng 12 con giáp được cấp phép như ông chủ của nó từng trả lời báo chí? Và có sự phân biệt tượng tư nhân- tượng nhà nước trong công tác quản lí hay không? Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm trả lời như sau: “Không phân biệt tượng tư nhân hay tượng nhà nước. Ở đây văn bản quản lí nhà nước, cụ thể là nghị định 113, ban hành ngày 2/10/2013, của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật, trong đó có những chương, những điều hướng dẫn về qui trình làm tượng, nhưng phạm vi điều chỉnh của nghị định này chỉ đề cập đến tượng cố định, tức là tượng không dì dời được, tượng lớn.

Qui trình của nó rất chặt chẽ, qua rất nhiều bước, có hội đồng chuyên môn xem xét, góp ý, nghiệm thu trước khi đưa ra sử dụng. Cho nên không thể có sai sót lớn”. Theo ông Vi Kiến Thành, tượng 12 con giáp hay một số tượng xấu tương tự đặt ở chỗ này hay chỗ kia, đang được xếp vào loại tượng nhỏ, tượng vườn, tượng công viên, có thể di dời được, phạm vi điều chỉnh của nghị định 113 chưa “càn quét” đến nên “vẫn để cho người chủ sở hữu tự chịu trách nhiệm với chất lượng tác phẩm.

Khi đã công bố tác phẩm, nếu nó tốt thì sử dụng còn dư luận xã hội không tốt, có thể cất đi, hoặc phá đi. Bởi không phải tượng cố định nên công tác di dời rất đơn giản”. Cục trưởng khẳng định: Những tượng kiểu 12 con giáp không phải xin cấp phép xây dựng. Hiện nay, trước ồn ào tượng 12 con giáp, ngành văn hóa có thể thành lập hội đồng chuyên môn xem xét, nếu đánh giá chất lượng không tốt, không có lợi thì “dẹp đi, khiêng đi”, ý kiến của Cục trưởng.

Một lần nữa, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm nhắc lại: “Đừng đánh lận vườn tượng trước đây của các nghệ sỹ với tượng 12 con giáp. Hai cái đó tách biệt nhau hoàn toàn. Nhập nhằng 12 con giáp làm trong trại sáng tác là không phải, không nên. Vườn tượng ra đời từ trại sáng tác thì nghị định 113 kiểm soát rất chặt, có hội đồng đàng hoàng, tượng 12 con giáp do người ta tự tiện làm với nhau”.

Nông Hồng Diệu

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giai-tri/xap-xi-xap-ngau-tuong-12-con-giap-1256565.tpo