Xáo trộn không cần thiết

Kiến nghị của Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh về việc giao quyền cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện kiểm tra đánh giá, công nhận tốt nghiệp THPT nhận được nhiều ý kiến quan tâm.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Từ đây, vấn đề có nên giao hoàn toàn Kỳ thi tốt nghiệp THPT về cho địa phương được đặt ra.

Trước khi bình luận về điều này, hãy nhìn lại lộ trình đổi mới kỳ thi mang tầm quốc gia của giáo dục phổ thông với dấu mốc đầu tiên là năm 2015. Đây là thời điểm chúng ta bắt đầu tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia nhằm thực hiện yêu cầu Nghị quyết 29-NQ/TW; trong đó xác định đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá kết quả GD-ĐT là khâu đột phá, tác động tích cực trở lại quá trình đổi mới phương pháp dạy - học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Theo lộ trình, từ năm 2015 -2020, mỗi năm Kỳ thi THPT quốc gia đều có những cải thiện để tốt hơn, chất lượng hơn, giảm áp lực và tốn kém. Từ năm 2020, Kỳ thi THPT quốc gia được thay thế bởi Kỳ thi tốt nghiệp THPT với điểm mới quan trọng là Chính phủ giao địa phương chủ trì tổ chức kỳ thi. Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi tại địa phương. Kỳ thi được tổ chức theo Quy chế và đề thi chung của Bộ GD&ĐT…

Làm sao để có một phương án thi vừa bảo đảm chất lượng, khách quan, độ tin cậy của kết quả thi; vừa giảm áp lực tốn kém, vừa phù hợp với xu thế là điều không hề dễ dàng. Phải sau một thời gian không ngắn, với sự cầu thị và từ va đập thực tiễn, chúng ta mới có được phương án thi khá hoàn thiện, đáp ứng mong mỏi của số đông.

Thực tế là Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 được xã hội ủng hộ và đánh giá rất cao. Đây là cơ sở quan trọng để “ổn định” luôn là từ khóa được lãnh đạo Bộ GD&ĐT nhắc tới khi chia sẻ về kỳ thi này. Và chắn chắn, đây cũng là nguyện vọng của hàng triệu học sinh, cha mẹ học sinh, các thầy cô giáo, nhà trường.

Trước một thay đổi, chắc chắn câu hỏi đầu tiên sẽ là thay đổi đó được và không được gì; rồi thường sẽ chỉ thực hiện nếu “cái được” lớn hơn. Với việc giao hoàn toàn Kỳ thi tốt nghiệp THPT về địa phương, cái được chưa rõ, nhưng có thể nhìn ngay ra xáo trộn sẽ là rất lớn:

Tâm lý học sinh, phụ huynh, thầy cô giáo sẽ hoang mang, lo lắng vì lại có thay đổi.

Đề thi, tổ chức thi mỗi nơi mỗi khác, khó giám sát chất lượng. Các cơ sở giáo dục đại học khó có thể sử dụng kết quả kỳ thi không có một “mẫu số chung” ở 63 tỉnh/thành để xét tuyển. Câu chuyện học sinh phải đi xa để thi đại học nhiều năm trước lại quay về.

Học sinh muốn đi du học sẽ khó khăn bởi bằng tốt nghiệp THPT không còn là bằng quốc gia.

Khó có thể đánh giá mặt bằng giáo dục chung của cả nước để từ đó cơ quan quản lý giáo dục đưa ra các chính sách giáo dục vĩ mô.

Đánh giá sự phù hợp của chương trình giáo dục phổ thông quốc gia để có những điều chỉnh cần thiết cũng mất đi một căn cứ quan trọng...

Có lẽ sẽ tốt hơn khi tiếp tục Kỳ thi tốt nghiệp THPT với cách tổ chức gọn nhẹ, giảm áp lực, tốn kém, bảo đảm độ tin cậy. Kỳ thi đánh giá được kết quả học tập ở bậc học THPT theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình và hướng tới đánh giá phẩm chất, năng lực của người học để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT. Đồng thời, tác động tích cực trở lại quá trình đổi mới phương pháp dạy - học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong các nhà trường.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suy-ngam/xao-tron-khong-can-thiet-iJNGyKqGg.html