Xanh xanh mùa xuân đến sớm

Hơn 2 năm kể từ khi chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh (giai đoạn 2016 - 2020) được triển khai, nhiều tuyến phố của Thủ đô đã được phủ những tấm áo mới xanh mướt, lộng lẫy. Giờ đây, đan xen với những con đường mới mở, các khu đô thị mới, hệ thống đường sắt trên cao… là những mảng xanh tươi của đủ chủng loại cây cối. Điều này như càng khẳng định, chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh đến năm 2020 của Hà Nội là chủ trương đúng đắn và thiết thực.

Sức lan tỏa của một phong trào

Chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh do Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khởi xướng từ năm 2016 đến nay đã và đang được triển khai hiệu quả. Theo Sở Xây dựng trong 11 tháng của năm 2018, toàn thành phố đã trồng được hơn 621.000 cây xanh, trong đó cấp thành phố trồng được 575.000 cây, cấp huyện trồng được 45.000 cây, các doanh nghiệp thực hiện theo phương thức xã hội hóa trồng được 941 cây.

Như vậy, tính lũy kế từ năm 2016 đến nay, toàn thành phố đã trồng được 978.300 cây, đạt 97,83% mục tiêu chương trình 1 triệu cây xanh. Đi đôi với công tác trồng mới, tính đến tháng 11/2018, các đơn vị của thành phố cũng đã cắt tỉa được 35.324 cây của 276 tuyến phố và 18 công viên, vườn hoa, 3 khu đô thị để phòng chống cây đổ trong mưa bão.

Theo ông Nguyễn Đức Mạnh Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cây xanh Hà Nội, đơn vị chủ lực của thành phố thực hiện chương trình mục tiêu trồng 1 triệu cây xanh giai đoạn (2016 - 2020), các loại cây đô thị có nhiều chủng loại cây mới được đưa vào trồng ở Hà Nội tạo nên giá trị lớn về cảnh quan môi trường, kiến trúc đô thị như: Cây Sang, cây Hoa Ban, Chà là, cây Cọ Dầu, Bàng lá nhỏ, cây Chiêu liêu, Long não, Giáng hương, Lộc vừng... Những cây này được trồng mới trên 120 tuyến phố, tuyến đường như: Đinh Tiên Hoàng, Trần Nguyên Hãn, Lý Thái Tổ, Điện Biên Phủ, khu vực Công viên Lê Nin, Hoàng Văn Thụ, Văn Cao, Liễu Giai, Láng Hạ, Khâm Thiên, Lê Duẩn, Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt, khu vực Đại lộ Thăng Long...

Đặc biệt, hệ thống cây xanh được hoàn thiện đẹp nhất trên trục đường Võ Nguyên Giáp, Võ Chí Công (đoạn từ Cầu Giấy đến Sân bay quốc tế Nội Bài) được coi là tuyến đường “mẫu” trong việc thiết kế, trồng chăm sóc hệ thống cây xanh. Đi trên các tuyến phố này, người dân có thể dễ dàng thấy những hàng cây được trồng đồng bộ đã bắt đầu xòe tán, đơm bông.

Con đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp dài 10,5km ngập sắc xanh với hàng nghìn cây đang phát triển hoặc tuyến Đại lộ Thăng Long với những hàng cây cọ dầu được trồng thẳng tắp “biến” 98ha đất trống ở Đại lộ Thăng Long thành một cánh rừng nối dài từ Ba Vì về Trung tâm Hội nghị Quốc gia… đều là những ví dụ thực tế, là bước đệm của một đô thị xanh, khẳng định những bước đi đúng hướng của Hà Nội.

Gắn cây xanh với quy hoạch đô thị

Theo thống kê, toàn thành phố hiện có 26 công viên và 42 vườn hoa với tổng diện tích khoảng 412ha. Để duy trì hệ thống công viên, cây xanh, trong khu vực nội đô, Sở Xây dựng sẽ triển khai các dự án đầu tư xây dựng công viên chuyên đề sẵn có như Công viên Bách Thảo, Vườn thú Thủ Lệ; cải tạo, chuyển đổi hình thức tổ chức không gian một số công viên sang hình thức công viên mở như Công viên Thống Nhất; dành quỹ đất phù hợp sau khi di dời cơ sở công nghiệp, bệnh viện, trường đại học cho không gian xanh. Phấn đấu chỉ tiêu cây xanh, công viên khu vực nội đô đến năm 2030 dự kiến khoảng 4 - 4,5m2/người.

Cây xanh và những bóng mát đã làm nên vẻ đẹp của đời sống, giúp con người nghĩ nhiều về màu xanh và sống xanh hơn, giúp những thành phố bớt ngột ngạt, nhất là khi quá trình đô thị hóa đã và đang khiến nhiều diện tích của cây xanh bị thu hẹp.

Công bằng mà nói, Hà Nội đang có những thay đổi tích cực về cảnh quan đô thị và cải thiện môi trường. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng hệ thống cây xanh của Thủ đô vẫn còn phải nỗ lực rất nhiều thì mới theo kịp tốc độ phát triển của đô thị.

Theo thống kê, ngay trong khu vực nội thành cũ, nơi có tỷ lệ diện tích công viên khá cao khoảng 135ha với bình quân 1,3m2/ người nhưng vẫn thấp so với mục tiêu 7m2/người vào năm 2020.

Ngoài ra, trong những khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh như: Đống Đa, Hà Đông, Thanh Xuân tỷ lệ này còn thấp hơn, chỉ đạt 0,05m2/người.

Từ thực tế này, để phát triển cây xanh bền vững, cần tiếp tục có những nghiên cứu và các giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn.

Trước hết, cần huy động người dân và các ngành tích cực trồng cây đảm bảo chỉ tiêu mét vuông cây xanh/đầu người, bởi cây xanh quyết định giá trị của một đô thị.

Cần phải khẳng định, việc quy hoạch phát triển hệ thống cây xanh cần phải được gắn kết chặt chẽ với quy hoạch phát triển hạ tầng đô thị.

Ngoài ra, cùng với mở rộng không gian cây xanh, phải mở rộng diện tích mặt nước. Hiện nay, trên địa bàn Thành phố có khoảng 160 hồ nước và hồ điều hòa. Hiếm có Thủ đô nào trên thế giới có nhiều sông, hồ như Hà Nội. Nhưng trong những năm gần đây, hệ thống sông, hồ phần nào bị thu hẹp do phải xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ quá trình đô thị hóa.

Vì vậy, việc khôi phục và bảo vệ hệ thống sông, hồ để đảm bảo cảnh quan sinh thái và tạo thành hệ thống kết nối với không gian cây xanh cũng là vấn đề cấp thiết cần đặc biệt quan tâm.

Tuấn Dũng

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/xanh-xanh-mua-xuan-den-som-86647.html