''Xanh hóa'' - xu hướng kiến trúc đang lên

Khi ô nhiễm môi trường đang là vấn đề 'nóng' được quan tâm thì kiến trúc 'xanh' cũng trở thành xu hướng được lựa chọn nhiều hơn. Đây được xem như một giải giúp giảm bớt phần nào áp lực đè nặng của con người lên thiên nhiên.

Kiến trúc sư Khương Nguyễn Đức Chương, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kiến trúc sư trẻ Đồng Nai. Ảnh: Phạm Tùng

Kiến trúc sư Khương Nguyễn Đức Chương, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kiến trúc sư trẻ Đồng Nai. Ảnh: Phạm Tùng

Phóng viên Báo Đồng Nai đã có những trao đổi với kiến trúc sư Khương Nguyễn Đức Chương, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kiến trúc sư trẻ Đồng Nai về xu hướng kiến trúc này.

“Ai cũng muốn sống, làm việc trong một không gian thoáng mát, tiện lợi”

* Thưa ông, ông có thể đưa ra một định nghĩa về kiến trúc xanh?

- Hiện nay không ít người vẫn nhầm lẫn trong việc sử dụng cây xanh trong các công trình xây dựng với kiến trúc xanh. Thực ra, việc sử dụng cây xanh để tạo cảnh quan, để che nắng, chắn gió cho các công trình xây dựng chỉ là một giải pháp kỹ thuật của kiến trúc xanh.

Kiến trúc xanh hiện có khá nhiều định nghĩa. Một dự án kiến trúc sử dụng những loại vật liệu thân thiện với môi trường, bền vững, tái sử dụng được nhiều lần thì cũng là kiến trúc xanh; hay một dự án kiến trúc tận dụng tối đa nguồn ánh sáng và luồng không khí tự nhiên để giảm thiểu mức tiêu thụ năng lượng cũng là kiến trúc xanh, kiến trúc thông minh, sử dụng công nghệ để tối ưu việc sử dụng năng lượng cũng là kiến trúc xanh… Nói chung, kiến trúc xanh là xu hướng kiến trúc tạo ra không gian sinh hoạt nhiều tiện ích cho con người theo cách ít gây hại tới môi trường nhằm gìn giữ chất lượng sống cho hiện tại lẫn tương lai.

* Giai đoạn hiện nay có phải đang là thời điểm “lên ngôi” của kiến trúc xanh không, thưa ông?

- Thực ra xu hướng xây dựng theo kiến trúc xanh đã có từ lâu. Những kiến trúc sư lúc nào cũng giải quyết theo xu hướng tận dụng các điều kiện tự nhiên trong thiết kế để tạo ra sự tiện ích cho con người. Trong khi đó, con người, ai cũng muốn sống, làm việc trong những không gian mát mẻ, tiện lợi và gần gũi thiên nhiên.

Tuy nhiên, những khái niệm cụ thể về kiến trúc xanh mới được hình thành vài năm gần đây. Hiện nay, kiến trúc xanh đang được sử dụng nhiều trên thế giới cũng như tại nước ta. Xu hướng bền vững, hướng đến thiên nhiên, bảo vệ môi trường đang được đề cao. Do đó, trong xây dựng, kiến trúc xanh cũng trở thành xu hướng được lựa chọn nhiều hơn.

* Thưa ông, đâu là những thế mạnh của kiến trúc xanh?

- Thân thiện với môi trường, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên là những lợi thế của kiến trúc xanh. Đơn giản như việc tiết kiệm tài nguyên. So với các công trình kiến trúc thông thường, kiến trúc xanh sẽ tiết kiệm được tài nguyên nước, khoáng sản như: cát, đá… bởi kiến trúc xanh thường tiết giảm các mảng tường xây dựng, tạo ra những không gian mở. Nên biết, xây dựng là một trong những lĩnh vực tiêu thụ tài nguyên rất nhiều.

Cô trò Trường mầm non Thế Giới Xanh dành cho con em công nhân Công ty Pouchen Việt Nam, phường Hóa An, TP.Biên Hòa vui chơi trong khuôn viên đầy màu xanh

Rào cản chi phí

* Thưa ông, lâu nay nói đến kiến trúc xanh thì phần lớn đều nghĩ chỉ các nước phát triển mới phổ biến. Liệu có đúng?

- Thực ra chi phí đầu tư cho một công trình kiến trúc xanh khá cao, vận hành cũng phức tạp và tốn kém. Do đó, suy nghĩ chỉ các nước phát triển mới làm kiến trúc xanh là có. Tuy nhiên, hiện nay, tại Việt Nam, cụ thể hơn tại Đồng Nai cũng đã có những công trình kiến trúc xanh. Trường mầm non Thế Giới Xanh của Công ty Pouchen chẳng hạn.

* Chi phí có phải là rào cản lớn dẫn đến việc dù là xu hướng đang lên nhưng số lượng những công trình kiến trúc xanh tại Việt Nam, cụ thể hơn là tại Đồng Nai chưa nhiều?

- Chi phí vẫn là rào cản lớn nhất. So với một công trình xây dựng thông thường, việc thiết kế, xây dựng theo xu hướng kiến trúc xanh có chi phí thực hiện cao hơn. Chưa kể, để vận hành một công trình theo xu hướng kiến trúc xanh cũng tốn kém hơn. Sử dụng cây xanh để tạo không gian cảnh quan thì phải chăm sóc. Cầu kỳ hơn, đưa cây xanh lên trồng trên mái nhà thì thiết kế mái cũng phải tốn kém, phức tạp hơn.

Hay như việc sử dụng nước thải, nước mưa để tái sử dụng đối với các công trình kiến trúc xanh. Xử lý nước thải thì tốn kém hơn. Chứa nước mưa cũng phải xây dựng bể, tốn chi phí cũng như diện tích đất. Đấy là còn chưa nói việc tìm kiếm các vật liệu thân thiện với môi trường cũng gian nan hơn so với vật liệu thông thường.

* Vậy đâu là giải pháp để phổ biến kiến trúc xanh, thưa ông?

- Vấn đề giảm chi phí thì không thể giải quyết nhanh được. Theo tôi, cái chính là tạo ra tư duy, thói quen sử dụng kiến trúc xanh đối với các kiến trúc sư, người dân. Thực ra, khi được phổ biến, sử dụng nhiều thì chi phí sẽ giảm. Nguồn nguyên vật liệu thân thiện môi trường cũng sẽ được sản xuất nhiều hơn. Lúc đó, kiến trúc xanh sẽ lại được sử dụng phổ biến hơn.

* Xin cảm ơn ông!

Hiện nay một giải pháp kiến trúc xanh được sử dụng nhiều tại Đồng Nai là sử dụng năng lượng điện mặt trời. Tuy nhiên, do việc mua bán nguồn điện mặt trời dư thừa chưa thuận lợi nên cũng hạn chế các nhà đầu tư, người dân sử dụng giải pháp này.

Phạm Tùng (thực hiện)

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202002/xanh-hoa-xu-huong-kien-truc-dang-len-2989465/