Xanh hóa hệ thống phân phối: Sự thay đổi rõ nét

Trong tháng 11 này Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ Dự thảo Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững (SCP) giai đoạn 2021-2030. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn này đó là xanh hóa hệ thống phân phối và phát triển chuỗi cung ứng dịch vụ thân thiện với môi trường.

Theo bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), chuỗi phân phối xanh là một mắt xích của chuỗi cung ứng xanh - đây cũng là nhân tố quan trọng đóng góp phát triển nền kinh tế xanh. Hiện các nước ASEAN chưa ban hành luật riêng về mua sắm xanh, tuy nhiên chính phủ nhiều nước đã có chính sách khuyến khích thúc đẩy phát triển tiêu dùng bền vững và nền kinh tế tái sử dụng.

Lá chuối được sử dụng thay thế túi nilon tại hệ thống siêu thị của Saigon Co.op

Lá chuối được sử dụng thay thế túi nilon tại hệ thống siêu thị của Saigon Co.op

Hiện nhiều nhà phân phối lớn trên thế giới cũng đã có những hành động cụ thể nhằm trở thành các nhà phân phối xanh. Kinh nghiệm cho thấy, phát triển phân phối xanh trên thế giới, rất đa dạng và tập trung vào các nội dung như: Chương trình gắn nhãn xanh; tiết kiệm năng lượng; hạn chế các chế phẩm có hại cho môi trường và tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường; xây dựng các mô hình cải thiện chuỗi cung ứng bền vững cũng như quản lý hiệu quả chất thải.

Với quá trình phát triển và sự gia tăng nhanh chóng về qui mô hoạt động của hệ thống phân phối hàng hóa, thì các vấn đề tác động tới môi trường từ hoạt động của các cơ sở phân phối hàng hóa ở Việt Nam cũng ngày càng gia tăng. Bắt kịp với xu thế chung, những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách có thể đáp ứng được nền kinh tế tuần hoàn như: Chương trình SCP giai đoạn 2016-2020, Đề án Phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025, Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020… Nhờ đó, nhận thức của doanh nghiệp và xã hội đã từng bước được thay đổi, các doanh nghiệp đã chú trọng hơn để đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, từng bước tiến tới hình thành các mô hình thương mại xanh, phân phối xanh như: Big C, VinMart, Saigon Co.op, M2...

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện đã có những hành động cụ thể nhằm đổi mới sản phẩm, sản xuất xanh, từng bước hình thành chuỗi phân phối, tiêu dùng xanh ở Việt Nam.

Cụ thể, từ năm 2013, An Phát Holdings bắt đầu nghiên cứu dòng sản phẩm thân thiện với môi trường. Đến năm 2015, An Phát Holdings đã chính thức giới thiệu thương hiệu AnEco- thương hiệu dòng sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn (100% Compostable) ra thị trường thế giới và năm 2018, AnEco đã được tung ra tại thị trường Việt Nam, bao gồm các sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người dân như túi, dao, thìa, nĩa, găng tay…

Từ năm 2011, hệ thống siêu thị Co.opmart của Saigon Co.op là hệ thống bán lẻ hàng tiêu dùng hiện đại đầu tiên tại Việt Nam đã mạnh dạn thay thế 100% túi nhựa bằng túi nilon thân thiện với môi trường. Từ 2019, Saigon Co.op đã tiến hành bọc thực phẩm bằng các loại vật liệu thân thiện với thiên nhiên như lá chuối, dây lát, lá lục bình...

Hiện, Việt Nam có khoảng trên 8.460 chợ trong quy hoạch, 1.007 siêu thị và trung tâm mua sắm cùng hàng chục nghìn cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi phân bố rộng khắp cả nước. Chương trình SCP giai đoạn 2021-2030 được phê duyệt sẽ góp phần thúc đẩy hình thành sản xuất - phân phối và tiêu dùng xanh ở Việt Nam.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xanh-hoa-he-thong-phan-phoi-su-thay-doi-ro-net-127749.html