Xăng tăng phi mã, giảm nhỏ giọt: Chuyên gia chỉ ra những điểm bất thường

Chuyên gia kinh tế chỉ ra những điểm bất thường trong việc xăng liên tục tăng phi mã nhưng khi giảm lại nhỏ giọt.

Từ 15h ngày 17/5, giá xăng dầu được điều chỉnh giảm nhẹ từ 200 đồng – gần 600 đồng/lít.

Theo dữ liệu của Bộ Công Thương cung cấp, giá xăng RON92 - xăng nền pha chế xăng E5 trung bình 15 ngày qua giảm rất mạnh. Cụ thể, xăng RON92 giảm tới 5,86 USD/thùng, tương đương -4,71% so với kỳ trước. Tuy nhiên, giá xăng E5 trong nước lại chỉ giảm 200 đồng.

 Vì đâu giá xăng giảm "nhỏ giọt"?.

Vì đâu giá xăng giảm "nhỏ giọt"?.

Theo các chuyên gia kinh tế, vấn đề quản lý giá xăng hiện đang gây bức xúc và việc trích và sử dụng quỹ bình ổn cũng chưa hợp lý.

PGS-TS Ngô Trí Long thì cho rằng, nếu trích quỹ bình ổn giá xăng dầu thì cả người bán và người mua đều phải chia sẻ rủi ro. Nhưng quỹ này hiện nay lại do người mua ứng trước tiền.

Ngoài ra, khi giá thế giới xuống thấp, để tạo nguồn quỹ bình ổn giá xăng dầu thì nên trích lập quỹ. Tuy nhiên hiện nay việc trích quỹ đang được thực hiện để đề phòng khi giá thế giới lên cao mới sử dụng. Thậm chí, việc trích quỹ đồng thời với xả quỹ là điều không thể chấp nhận được.

Ông Ngô Trí Long cũng lý giải, việc giá xăng dầu trong nước không tăng giảm tương xứng với giá xăng dầu thế giới còn do việc trích quỹ bình ổn. Hiện nay xăng E5 không được trích quỹ nhưng vẫn phải chi sử dụng quỹ lớn hơn xăng khoáng rất nhiều để giá xăng E5 có độ chênh lệch thấp hơn so với giá xăng A95.

Thực tế, việc điều chỉnh giá xăng dầu trong suốt thời gian qua có rất nhiều vấn đề và mức giá điều chỉnh không giống ai.

Trong kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 2/5 vừa qua, với lý do giá xăng, dầu trên thị trường thế giới tăng mạnh nên Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã điều chỉnh tăng gần 1.000 đồng/ lít. Song thực tế, thông tin về giá mặt hàng này trên một số thị trường giao dịch lớn vào thời điểm những ngày đầu tháng 5 lại đang “lao dốc”.

Hay một ví dụ cụ thể hơn được báo Nhân dân dẫn chứng là: Ba kỳ điều hành giữ nguyên giá liên tiếp từ ngày 16/1- 15/2/2019 là nhằm ổn định giá các loại hàng hóa dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Kỳ tăng giá ngày 2/3, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng từ 700 đồng đến 810 đồng/lít, đã từng bước tiệm cận với giá xăng dầu thế giới.

Thế nhưng, tại kỳ điều chỉnh ngày 18/3, các cơ quan chức năng lại quyết định giữ nguyên giá và thực hiện xả quỹ kỷ lục tới 2.061 đồng/lít đối với xăng RON95 và 2.801 đồng/lít đối với xăng E5 RON92,… khiến quỹ bình ổn xăng dầu tại một số doanh nghiệp đầu mối bị âm.

Mới đây, theo số liệu từ Bộ Tài chính, tính đến hết ngày 31/3/2019, số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu âm 620,643 tỷ đồng. Ước đến thời điểm cuối tháng 4/2019, số dư quỹ âm khoảng 1.000 tỷ đồng.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, giá xăng dầu theo cơ chế thị trường thì phải do thị trường quyết định. Nhưng hiện nay một vấn đề lớn là giá xăng dầu thực tế còn bị ảnh hưởng do quỹ bình ổn, điều đó khiến giá xăng dầu trong nước và thế giới luôn có một khoảng cách nhất định.

Bài liên quan

Thủ tướng trả lời cử tri về tăng giá điện, giá xăng dầu

Cũng theo ông Doanh, các cơ quan nhà nước cũng nên làm rõ và minh bạch giá xăng dầu với người dân.

Thông tin 4 tháng đầu năm, Việt Nam đã chủ động được 1/3 nguồn cung giá xăng, nhưng tại sao người tiêu dùng vẫn phải chịu giá xăng liên tục tăng theo giá thế giới và giá giảm thì lại không đáng bao nhiêu.

“Chúng ta cần phải công khai trong nước có thể cung ứng được bao nhiêu xăng dầu và nhập khẩu được bao nhiêu? Có tính toán cụ thể từng nguồn khi giá có biến động để người dân không phải chịu thiệt thòi”, ông Doanh cho hay.

Mới đây, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) đã kiến nghị bỏ quỹ bình ổn xăng dầu. Theo VINPA, việc trích lập quỹ bình ổn xăng dầu 300 đồng một lít theo quy định tại Nghị định 83 điều hành xăng dầu đang khiến “người tiêu dùng chịu thiệt hơn là lợi” bởi bản chất là người dân đang phải ứng trước cho quỹ.

Bên cạnh đó, VINPA cũng cho rằng, việc sử dụng Quỹ bình ổn giá mang đậm tính can thiệp hành chính nên làm méo mó giá cả thị trường xăng dầu.

VINPA cũng kiến nghị bỏ quỹ bình ổn xăng dầu để lĩnh vực kinh doanh xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường, giá xăng dầu trong nước diễn biến theo xu hướng chung của giá thế giới.

Mặt khác, khi bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu, tính minh bạch, công khai trong việc điều hành giá sẽ tốt hơn, tạo cơ hội bình đẳng trong hệ thống các doanh nghiệp đầu mối.

Ngọc Vy

Nguồn VTC: https://vtc.vn/xang-tang-phi-ma-giam-nho-giot-chuyen-gia-chi-ra-nhung-diem-bat-thuong-d475634.html