Xăng Ron 95 trích quỹ bình ổn 800 đồng: Căn cứ nào?

Theo quy định, trong trường hợp cần thiết, liên Bộ Công thương-Tài chính xem xét điều chỉnh mức trích lập cho phù hợp với biến động thị trường.

Trong kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 15/3 vừa qua, liên Bộ Công thương-Tài chính quyết định giảm giá mỗi lít xăng khoảng 2.300 đồng một lít, dầu hạ bình quân 1.600 đồng một lít, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng mặt bằng giá đã có thể giảm sâu hơn bởi giá dầu thô trên thị trường thế giới trong những ngày đó sụt giảm mạnh tới 30-35%.

Theo tính toán, với mức sụt giảm mạnh trên, giá xăng dầu trong nước được dự đoán có thể giảm tới 3.000-4.000 đồng/lít.

Tuy nhiên, giá xăng dầu trong nước đã không có cơ hội giảm sâu hơn khi liên Bộ Công thương-Tài chính quyết định trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu với xăng E5 là 200 đồng/lít, xăng RON 95 và dầu diesel 800 đồng/lít.

Nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về mức trích lập này, cơ sở nào để đưa ra mức trích lập như trên?

Về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết, hoạt động kinh doanh xăng dầu đang được điều chỉnh bởi Nghị định 83/2014/NĐ-CP. Theo nghị định này, Quỹ bình ổn giá xăng dầu được trích lập bằng một khoản tiền cụ thể tính trên lượng xăng dầu thực tế tiêu thụ và được xác định là một khoản mục chi phí trong cơ cấu giá bán của thương nhân đầu mối.

Việc trích lập vào Quỹ bình ổn giá được thực hiện thường xuyên, liên tục. Trong trường hợp cần thiết, liên Bộ Công Thương-Tài chính xem xét điều chỉnh mức trích lập cho phù hợp với biến động của thị trường.

Việc sử dụng Quỹ bình ổn được thực hiện khi giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ hiện hành hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.

Trước sau gì Việt Nam cũng bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong tương lai

Trước sau gì Việt Nam cũng bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong tương lai

Trước khi Nghị định 83 ra đời, việc trích lập và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và Thông tư số 234/2009/TT-BTC ngày 9/12/2009 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn cơ chế hình thành, quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

Cụ thể, Quỹ Bình ổn giá được trích lập bằng một khoản tiền cụ thể, cố định trong giá cơ sở theo quy định tại khoản 9, Điều 3, Chương I Nghị định số 84/2009/NĐ-CP là 300 đồng/lít của lượng xăng dầu thực tế tiêu thụ và được xác định là một khoản mục chi phí trong cơ cấu giá cơ sở của thương nhân đầu mối.

Trong trường hợp cần thiết Bộ Tài chính sẽ điều chỉnh mức trích lập, thời điểm trích lập Quỹ bình ổn giá cho phù hợp với biến động của thị trường và có thông báo để các thương nhân đầu mối thực hiện.

Việc trích lập Quỹ bình ổn giá đã được quy định cụ thể tại văn bản quy phạm pháp luật, không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Như vậy, căn cứ vào quy định hiện hành (Nghị định 83), mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu là không cố định, có thể được liên Bộ Công thương-Tài chính xem xét điều chỉnh với biến động của thị trường.

Tuy nhiên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khẳng định, đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu, không phải thích trích bao nhiêu thì trích mà phải phụ thuộc vào việc điều hành giá cơ sở, mà việc điều hành giá cơ sở tùy thuộc vào mức tăng giảm của thị trường xăng dầu thế giới.

"Giá xăng dầu Việt Nam hiện nay liên thông với thế giới. Dù lượng xăng dầu Việt Nam sản xuất ra đã đáp ứng được gần 80% nhu cầu tiêu dùng trong nước, nhưng riêng chủng loại đáp ứng được thì lại rất thấp, chỉ dưới 50%. Lý do là vì loại xăng mà các nhà máy lọc dầu ở Việt Nam ra chủ yếu đáp ứng tiêu chuẩn Euro 2, chứ không phải Euro 3, Euro 4 như yêu cầu sử dụng ở Việt Nam hiện nay. Điều này xuất phát từ việc các dự án lọc dầu ở Việt Nam được xây dựng theo tình độ kỹ thuật, công nghệ của thời gian trước.

Bởi không đáp ứng được tiêu chuẩn nên Việt Nam phải xuất loại xăng dầu đó đi rồi nhập về sản phẩm có tiêu chuẩn cao hơn để sử dụng. Cho nên, giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào sự biến động của thị trường xăng dầu thế giới là như vậy.

Mặt khác, giá xăng dầu còn phụ thuộc vào sự điều hành của liên Bộ Công thương-Tài chính.

Khi cuộc chiến giá dầu giữa Saudi Arabia và Nga diễn ra, Saudi Arabia tuyên bố gia tăng sản lượng dầu khai thác và bán rẻ cho các đối tác để mở rộng, xâm chiếm thị phần.

Sau tuyên bố đó, giá dầu tụt xuống rất sâu, nhưng thực tế có đúng thế không lại là chuyện khác. Do tác động của các biến cố, mức sụt giảm bao giờ cũng rất sâu và nhanh hơn mức bình thường nhiều, nhưng sau một thời gian rất ngắn, chỉ một vài ngày tới nửa tháng thì giá dầu sẽ dần dần phục hồi, căn cứ vào thực tiễn tuyên bố của Saudi Arabia có thực sự diễn ra không, từ đó có mức giá chuẩn xác hơn. Giá xăng dầu trong nước và mức trích lập Quỹ bình ổn giá từ đó cũng phải nằm ở mức hợp lý.

Ngoài biến động của thị trường thế giới, giá xăng dầu trong nước còn được điều chỉnh dựa trên dự báo về tình hình biến động tỷ giá giữa VND và USD- đồng tiền được sử dụng chủ yếu để mua dầu mỏ", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích và từ đó khẳng định không thể yêu cầu giá xăng dầu trong nước phải tăng giảm theo đúng mức tăng giảm của thị trường thế giới, việc trích lập Quỹ bình ổn giá phải dựa trên các nguyên tắc và quy định trong các văn bản pháp luật và hướng dẫn.

Về câu hỏi với thị trường xăng dầu như ở Việt Nam hiện nay đã đến lúc chúng ta cần bỏ Quỹ bình ổn giá hay chưa?, vị chuyên gia cho rằng ở thời điểm này là chưa.

"Quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện nay vẫn còn có tác dụng đối với giá xăng dầu, vì tính thị trường của xăng dầu nước ta hiện nay vẫn chưa thực sự đầy đủ dù đã có tự do hóa, thị trường hóa về mặt xăng dầu.

Chúng ta đã tự lực sản xuất được xăng dầu để có thể cung ứng được hơn 40% tuy nhiên để bỏ được Quỹ bình ổn giá xăng dầu trước hết chúng ta phải chủ động, tự chủ trong hoạt động sản xuất kinh doanh xăng dầu thì mới có thể an tâm trong vấn đề an toàn và an ninh năng lượng.

Chỉ đến khi giá xăng dầu trong nước theo cơ chế thị trường một cách đúng nghĩa thực sự, giá xăng dầu trong nước bám sát giá thế giới thì sẽ bãi bỏ quỹ này.

Tất nhiên trong thời gian trước mắt cần xem việc xả quỹ thế nào cho hợp lý? Cơ chế quản lý ra sao? Các yếu tố liên quan đến hoạt động kinh doanh bán buôn và bán lẻ đến đâu?

Chúng ta vẫn cần một thời gian nữa để xem xét cụ thể, chứ nếu bỏ ngay thì có lẽ sẽ khó khăn. Còn về lâu về dài, bỏ là hợp lý", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chỉ rõ.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/xang-ron-95-trich-quy-binh-on-800-dong-can-cu-nao-3398797/