Xăng dầu than lỗ và câu chuyện sướng khổ

Giá thế giới tăng thì giá trong nước cũng tăng, có quỹ bình ổn giá và lợi nhuận định mức..., ai sướng như doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu?

Tại kỳ điều hành ngày 27/6, giá xăng trong nước đã tăng lần thứ 4 liên tiếp với mức tăng tổng cộng của xăng RON 95 là 3.342 đồng/lít, xăng E5 RON 92 là 3.316 đồng/lít.

Dù vậy, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vẫn than lỗ liên tiếp do mức chiết khấu thấp. Theo báo cáo tài chính quý I/2020, Petrolimex đã lỗ ròng 1.893 tỷ đồng. Tại đại hội cổ đông thường niên 2020, lãnh đạo Petrolimex cho biết, trong năm nay vẫn có thể hoàn thành kế hoạch 1.570 tỷ đồng lợi nhuận. Tuy nhiên, mức lãi kế hoạch này đã giảm tới 72% so với năm 2019.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), việc doanh nghiệp xăng dầu than lỗ luôn thu hút sự quan tâm của dư luận, bởi lâu nay trong suy nghĩ của nhiều người, kinh doanh xăng dầu là sướng nhất: Giá thế giới tăng là trong nước tăng, nếu có tăng ít hơn thì cũng là trích quỹ bình ổn xăng dầu do người dân đóng góp, trong khi đó giảm thì nhỏ giọt... Dù giá xăng dầu tăng, giảm gì, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vẫn có thể kê cao gối ngủ

Ở điểm này, vị chuyên gia cho rằng, đúng là doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu sướng, bởi về nguyên tắc, kinh doanh xăng dầu khó mà lỗ được nhờ công cụ điều chỉnh, hỗ trợ giá của Nhà nước thông qua quỹ bình ổn giá xăng dầu và lợi nhuận định mức được ngay trong giá cơ sở sẽ "bảo hành" lợi nhuận cho các doanh nghiệp xăng dầu.

Dù vậy, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng lưu ý, đây mới chỉ là một mặt của vấn đề và vẫn có nhiều yếu tố khiến doanh nghiệp đầu mối lẫn bán lẻ xăng dầu có thể bị lỗ.

Trước hết, kinh doanh bất kể mặt hàng gì cũng có rủi ro. Đối với xăng dầu, theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP, thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu phải bảo đảm ổn định mức dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu bằng 30 ngày cung ứng, tính theo sản lượng tiêu thụ nội địa bình quân 1 ngày của năm trước liền kề, cả về cơ cấu chủng loại; bao gồm dự trữ phục vụ an ninh năng lượng quốc gia, dự trữ lưu thông bắt buộc. Quy định này áp dụng đến năm 2025. Đây là lượng xăng dầu rất lớn và buộc doanh nghiệp phải dặm vốn vào đó.

Việc dự trữ xăng dầu này có thể gây rủi ro cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, doanh nghiệp ký hợp đồng kỳ hạn theo tháng hoặc theo quý với mức giá cao, nhưng đến giữa chừng giá dầu xuống thấp. Khi giá thị trường xuống thấp thì doanh nghiệp cũng buộc phải bán giá thấp, việc này khiến doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị lỗ.

Một số cửa hàng xăng dầu treo biển hết xăng vào tháng 5/2020. Ảnh: Lao động

Một số cửa hàng xăng dầu treo biển hết xăng vào tháng 5/2020. Ảnh: Lao động

Bên cạnh đó, ở thời điểm dịch bệnh Covid-19 lây lan nghiêm trọng, giá xăng dầu giảm sâu so với gia đoạn trước khi xảy ra dịch bệnh. Doanh nghiệp rất muốn mua nhiều để dự trữ, song kho chứa lại là vấn đề lớn, không có chỗ để chứa. Đến khi giá dầu thế giới tăng trở lại do các nước OPEC + cắt giảm sản lượng khai thác, dịch bệnh đỡ căng thẳng, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh được nối lại thì doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng phải mua với giá cao hơn.

Chính các nhân tố đó, theo ông Thịnh, khiến việc kinh doanh xăng dầu rất phập phù, dù doanh nghiệp có được tính chiết khấu, lợi nhuận định mức thì có những giai đoạn những ưu đãi đó không đủ bù cho chi phí đã mất.

Một điểm khác được vị chuyên gia chỉ ra, đó là dù hoạt động kinh doanh xăng dầu được Nhà nước hỗ trợ qua quỹ bình ổn giá xăng dầu, lợi nhuận định mức thì đi kèm với đó Nhà nước cũng yêu cầu các điều kiện đi kèm về tích trữ, mức giá phù hợp... để đảm bảo an ninh năng lượng cũng như giữ cho hoạt động trong nền kinh tế được bình thường.

Nếu là mặt hàng bình thường, doanh nghiệp có thể tính toán chiều hướng lên giá, sẵn sàng đóng cửa để tích trữ, đầu cơ, đến khi giá lên thì bán ra kiếm lời. Nhưng với mặt hàng xăng dầu thì không thể như vậy. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ kiểm tra, nếu còn xăng trong kho mà không bán hoặc bán với giá cao hơn quy định thì sẽ bị xử lý.

"Cho nên, nếu doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không dự báo tốt, không có sự chủ động và nhanh nhạy với thị trường, không tổ chức kinh doanh tốt thì có thể lỗ, thậm chí lỗ nặng. Trong thời buổi hiện nay cạnh tranh rất khó khăn, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không thể tự nâng giá cao quá vì nó nằm trong khống chế của Nhà nước.

Doanh nghiệp muốn cạnh trạnh được thì chỉ có cách bán giá thấp hơn nhưng cũng không dễ, vì đầu nhập phải giảm đi, phải có các thông số tốt thì mới có lợi nhuận được. Trong khi đó, tiết giảm chi phí quản lý kinh doanh cũng là cả vấn đề đối với các doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ xăng dầu vì phải duy trì chi phi thuê địa điểm kinh doanh, đảm bảo an toàn cháy nổ, trả lương công nhân...", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích.

Từ đây, ông khẳng định, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có cái sướng, cái khổ, cái được, cái mất. Được là có sự hỗ trợ của Nhà nước từ quỹ bình ổn giá, lợi nhuận định mức, song bản thân các doanh nghiệp này cũng chỉ là cơ quan thực thi chính sách về bình ổn, nếu không khéo thì họ vẫn chịu lỗ như các doanh nghiệp thông thường khác.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/xang-dau-than-lo-va-cau-chuyen-suong-kho-3409643/