Xăng củ mì và chính sách tam nông

Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang cho biết: 'Những người nông dân trồng sắn sẽ có thu nhập ổn định, có đầu ra cho nông sản khi các nhà máy sản xuất xăng sinh học đồng loạt đi vào hoạt động'. Theo ông Quang, hiện nay, 'xăng củ mì' đã trở thành nhiên liệu tương lai của nhân loại.

Nông dân "cười"

Theo lộ trình của Chính phủ, ngày 1-12 tới, có 7 tỉnh, thành bắt đầu sử dụng xăng sinh học E5, sau đó nhân rộng ra toàn quốc. Xăng sinh học là xăng A92 pha với 5% ethanol. Và tùy theo tỉ lệ phần trăm ethanol để có các loại xăng E5, E10, E20, tương ứng tỉ lệ phối trộn. Bio - ethanol được chiết xuất từ củ mì, mía đường...

Chỉ còn 8 tháng nữa là tới "giờ G". Tuy nhiên, vẫn còn có những ý kiến chưa thông suốt về chiến lược an ninh năng lượng, kích cầu chính sách tam nông. Ông Nguyễn Phú Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Công thương cho biết, Tổng Thư ký Ủy ban điều hành nhiên liệu của Phi-líp-pin đã chia sẻ kinh nghiệm với đoàn khảo sát của Việt Nam. Phi-líp-pin phải nhập nhiên liệu từ Thái Lan về để pha chế xăng sinh học, nhưng vẫn tiến hành xuất khẩu. Lý do là kích thích nông dân đẩy mạnh trồng củ mì, tạo việc làm cho bà con, tránh làn sóng di cư về Ma-ni-la.

Nông dân tỉnh Quảng Ngãi có thể bán 240.000 tấn củ mì khô/năm để sản xuất ethanol.

Nông dân tỉnh Quảng Ngãi có thể bán 240.000 tấn củ mì khô/năm để sản xuất ethanol.

Câu chuyện trên cho thấy, lợi ích của xăng sinh học không chỉ nhìn gần theo một góc hạn hẹp về nhiên liệu để sử dụng, mà cần có cái nhìn rộng hơn về chiến lược kích cầu chính sách tam nông, tham gia vào lộ trình sử dụng nhiên liệu sinh học trước nguy cơ cạn kiệt nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu. Bên cạnh đó, nhiên liệu sinh học còn góp phần giảm phát thải khí độc hại ra môi trường, tăng độ bền động cơ. Hiện nay, 60 nước đã sử dụng xăng sinh học, trong đó, 20 nước sử dụng bắt buộc.

Tại huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, một nông dân cho biết: "Bây chừ, xăng lại được nấu ra từ củ mì thì rõ ràng là bà con phấn khởi vì bán được sản phẩm làm ra". Còn ông Nguyễn Xuân Thủy, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Ngãi cho biết: "Địa phương đã tiến hành quy hoạch vùng nhiên liệu trồng củ mì giai đoạn 2011-2020 để phục vụ nhiên liệu sản xuất xăng sinh học. Hiện nay, có 93 xã, thuộc 12 huyện đã được quy hoạch 16.714ha trồng mì. Người nông dân yên tâm khi có đầu ra cho sản phẩm, còn nhà máy đã có vùng nhiên liệu ổn định để sản xuất xăng sinh học".

Hiện nay, Việt Nam có 7 nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học, công suất 125 triệu lít/năm. Riêng nhà máy tại Quảng Ngãi dự kiến đã tiêu thụ 240.000 tấn củ mì khô/năm, góp phần kích cầu chính sách tam nông.

Tầm nhìn toàn cầu

Quyết định 177/QĐ-CP 2007 của Chính phủ về "Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025, đã xác định 3 trọng tâm lớn: An ninh năng lượng quốc gia - Bảo vệ môi trường - Nông dân nông thôn".

So với Việt Nam, nhiều nước đã có những bước đi dài trong việc đẩy mạnh sử dụng xăng sinh học. Chính phủ Mỹ đã chi 2,3 tỷ USD để hỗ trợ phát triển nguồn năng lượng xanh và đưa lộ trình toàn bộ phương tiện dân sự, quân sự sẽ sử dụng 50% xăng sinh học trong 8 năm nữa. Còn Ấn Độ đã có kế hoạch đến năm 2020, lượng xăng sinh học chiếm 20% thị phần nhiên liệu xăng dầu.

Đối với Việt Nam, mục tiêu được đề cập trong quyết định 177, đó là: "Đến năm 2015, xây dựng và phát triển các cơ sở sản xuất và sử dụng nhiên liệu sinh học trên phạm vi cả nước, sản lượng ethanol và dầu thực vật đạt 250.000 tấn (pha được 5 triệu tấn E5, B5), đáp ứng 1% nhu cầu xăng dầu của cả nước. Đến năm 2025, công nghệ sản xuất nhiên liệu sinh học ở nước ta đạt trình độ tiên tiến trên thế giới. Sản lượng ethanol và dầu thực vật đạt 1,8 triệu tấn, đáp ứng khoảng 5% nhu cầu xăng dầu của cả nước".

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, ethanol sản xuất từ ngũ cốc giảm được 40% phát thải khí nhà kính so với xăng và giảm tới 100% đối với ethanol sản xuất từ nguyên liệu cellulose từ mía; biodiesel giảm tới 70% so với dầu điezen. Hàm lượng các khí thải độc hại khác như CO, NOx, SOx, hydrocarbon đều giảm nên tác động rất tích cực đến môi trường toàn cầu.

Quyết định 177 có tầm nhìn chiến lược, nhưng khi đi vào thực hiện thì các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học đều lâm cảnh chợ chiều, làm ăn thua lỗ. Dự kiến, nông dân cung cấp 1,47 triệu tấn củ mì khô thì các nhà máy đủ nhiên liệu, nhưng thực tế 60% nguồn nhiên liệu này chảy ra nước ngoài theo đường xuất khẩu. Tại Hội nghị triển khai thực hiện lộ trình sử dụng xăng sinh học được tổ chức tại Quảng Ngãi, ngày 8-4-2014, có một số ý kiến đề nghị Nhà nước can thiệp. Đó là nâng thuế xuất khẩu củ mì để ghim nguồn nguyên liệu trong nước phục vụ sản xuất xăng sinh học.

Việt Nam hiện nay đứng 60 trên bản đồ sử dụng xăng sinh học của thế giới. Vậy nhưng, khi đưa xăng sinh học vào lưu hành đã "gặp hạn" lớn. Ông Đặng Vinh Sang, Tổng Giám đốc Sài Gòn Petro cho biết: "Cách đây 2 năm, bán xăng sinh học rất chạy, nhưng sau đó thì không bán được nữa. Những vụ cháy xe bị đổ cho xăng sinh học, trong khi các cơ quan nghiên cứu thì không lên tiếng giải thích dư luận rằng thủ phạm không phải là do xăng sinh học gây ra".

Xăng củ mì đại hạ giá?

"Củ mì giá rẻ", đó là tâm lý chung của người tiêu dùng khi tiếp cận xăng sinh học. Vậy nên mua xăng sinh học, nhiều người vẫn có suy nghĩ đây là xăng đại hạ giá so với xăng truyền thống. Tại Hội nghị bàn về lộ trình đưa xăng sinh học vào sử dụng, do Bộ Công thương và UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức đã đề cập: "Chỉ có thể hạ giá ở mức 200 đồng/lít. Bởi chỉ có 5% ethanol trong xăng truyền thống thì không thể hạ hơn nữa".

Người tiêu dùng do không được định hướng nên chưa thấy rõ việc sử dụng xăng sinh học không có nghĩa là để hưởng giá rẻ, mà đây là hành động để góp phần thực hiện chương trình thế giới xanh; là xu hướng tất yếu của thế giới mà Việt Nam phải bắt nhịp. Bên cạnh đó là tâm lý "không biết xăng sinh học có gây hư hỏng động cơ, làm cháy xe?". Ông Phạm Công Chất, Phó Tổng Giám đốc Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết: "Hiện nay, toàn bộ xe của đơn vị đã sử dụng xăng sinh học E5 và hoạt động rất tốt".

Ông Nguyễn Xuân Thủy, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Ngãi cho biết: "Sắp tới, toàn bộ xe ô tô, mô tô công của tỉnh đều phải sử dụng xăng sinh học E5. Khi quyết toán, phiếu thu đều phải là xăng E5. Tháng 6 tới, tỉnh Quảng Ngãi sẽ đi tiên phong trong việc lưu hành rộng rãi xăng E5". Còn theo lộ trình của Chính phủ, ngày 1-12-2014, có 7 tỉnh, thành sẽ bắt đầu sử dụng xăng E5 (Quảng Ngãi, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ). Đến ngày 1-12-2015, xăng E5 được sử dụng rộng rãi trên toàn quốc.

Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang phát biểu: "Xã hội cần có nhận thức đúng đắn về xăng sinh học. Qua thực tế mà các nước đưa vào sử dụng thì xăng sinh học chỉ có lợi chứ không có hại. Đây là loại xăng thân thiện môi trường và giúp bà con nông dân tiêu thụ sản phẩm".

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/xang-cu-mi-va-chinh-sach-tam-nong/