'Xâm phạm trí tuệ trong techbiz giống xâm hại tình dục trong showbiz'

So sánh việc xâm phạm trí tuệ trong công nghệ với xâm hại tình dục ở showbiz, chủ ứng dụng vaymuon.vn còn cho rằng người trong cuộc vì ngại mang tiếng mà ít khi chịu tố cáo.

Sau khi tố cáo startup Fiin "vay mượn" toàn bộ ý tưởng, nội dung ứng dụng của vaymuon.vn, ông Nguyễn Hòa Bình, chủ tịch NextTech Group, đơn vị chủ quản ứng dụng vaymuon.vn, đã chia sẻ thêm về thực trạng nhức nhối trong ngành công nghệ hiện nay.

Trả lời Zing.vn, ông Bình cho rằng việc sử dụng ý tưởng có thể tạm chấp nhận nhưng việc sử dụng toàn bộ nội dung, thiết kế, cách vận hành là điều không thể tha thứ.

Làn sóng xâm hại tài sản trí tuệ

Theo ông Bình, sóng ngầm trong giới showbiz lâu nay là nạn quấy rối tình dục tràn lan, gạ tình lấy vai diễn, nạn nhân không dám lên tiếng vì tâm lý e sợ “xấu chàng thì hổ ai”.

Phía Fiin - startup gần đây bị tố đạo nhái - đang chuẩn bị các tài liệu chứng minh việc tạo ra ứng dụng từ tháng 7/2017.

Phía Fiin - startup gần đây bị tố đạo nhái - đang chuẩn bị các tài liệu chứng minh việc tạo ra ứng dụng từ tháng 7/2017.

Ông dẫn chứng vụ một diễn viên nổi tiếng ở Hàn Quốc uẩn ức đến mức tự tử. "Từ đó thành phong trào công khai tố cáo #metoo khiến bầu show phải chùn tay, không còn dám hành động ghê tởm như trước nữa", ông Bình nói.

Tương tự showbiz, giới công nghệ Việt Nam và thế giới cũng đang có một "cơn sóng ngầm" hàng chục năm nay. Thực trạng xâm phạm tài sản trí tuệ khiến nhiều doanh nghiệp không lớn nổi.

Cụ thể trường hợp của vaymuon.vn gặp phải là việc "một ông kỹ thuật bắt tay cùng một ông kinh doanh chiếm đoạt tài sản trí tuệ của công ty". Đại diện NextTech gọi đây là hành động "ăn cháo đá bát".

Theo trình bày của ông Bình, một nhóm nhân viên đứng đầu mảng kỹ thuật của ông trong thời gian còn làm việc tại vaymuon.vn đã cấu kết với bên ngoài nhằm chiếm đoạt sản phẩm của công ty mà người này đang chịu trách nhiệm phát triển. Ý tưởng kinh doanh, cách thức vận hành, thiết kế đã bị Fiin - một ứng dụng cạnh tranh khác - sử dụng.

Ông Bình khẳng định có đến 90% các doanh nghiệp mảng CNTT gặp tình trạng như ông ít nhất một lần. Thậm chí một số người bạn của ông Bình phải ngậm ngùi từ bỏ nghề.

"Đa số các trường hợp phải ”ngậm bồ hòn làm ngọt”, trừ một vài trường hợp quá đáng thì mới lên tiếng như vụ tranh chấp giữa Ngân Lượng (của ông Bình) và Bảo Kim" trước đây", ông Bình chia sẻ.

Đã có nhiều ý kiến chấp nhận việc im lặng và cố gắng làm tốt hơn "kẻ ăn cắp" thay vì công khai tố cáo, ảnh hưởng đến hình ảnh giới startup. Nhưng theo ông Bình, "tư tưởng trả thù bằng cách làm tốt hơn bọn ăn trộm" là đúng nhưng chưa đủ. Vì nếu kẻ cắp không bị lên án và trừng trị thích đáng sẽ khuyến khích cho cái xấu phát triển", Chủ tịch NextTech nói.

Tố cáo không phải do lo sợ họ tốt hơn

Đại diện vaymuon.vn cho rằng họ không kiện vì lo ngại Fiin cạnh tranh mà chỉ muốn chấm dứt thực trạng đạo nhái ý tưởng trong giới startup công nghệ.

Về ý kiến cho rằng ứng dụng vaymuon.vn lo sợ nguy cơ Fiin sẽ cạnh tranh với mình, ông Bình khẳng định không có chuyện đó.

Ông Bình dẫn chứng việc ở Trung Quốc, Tencent cũng đang kiện "startup đàn em" Bytedance nhưng chỉ đòi một nhân dân tệ. Năm 2010 nganluong.vn kiện baokim.vn chỉ yêu cầu công khai xin lỗi và vẫn cho hoạt động.

"NextTech không hề sợ cạnh tranh mà chỉ muốn cải thiện đạo đức trong giới công nghệ", ông Bình nói thêm.

Sự tẩy chay nghề nghiệp mới làm kẻ xấu chùn chân

Ông Bình cho rằng bất kỳ cá nhân, tổ chức nào trong xã hội cũng phải có trách nhiệm lên tiếng đấu tranh các tệ nạn xung quanh mình nhằm nâng cao chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp.

"Với điều kiện hành lang pháp lý bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam còn khá lỏng lẻo như hiện nay thì tốt nhất là "răn đe" bằng cách phát động chiến dịch #metoo. Ai bị xâm phạm lợi ích hợp pháp về sở hữu trí tuệ thì hãy nói ra để cả cộng đồng cùng hợp sức lên án. Chỉ có sự tẩy chay nghề nghiệp thì mới đủ sức làm kẻ xấu chùn tay", ông Bình kêu gọi giới công nghệ cả nước mạnh dạn tố cáo hành vi này để cái thiện tình trạng "vay mượn" tương tự xảy ra.

Cả hai bên đang chờ đợi

Quay trở lại câu chuyện giữa vaymuon.vn và Fiin, cả hai phía vẫn đang chờ đợi những động thái từ đối phương. Đại diện truyền thông Fiin cho biết phía công ty đang chuẩn bị những tài liệu chứng minh Fiin không ăn cắp ý tưởng.

Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch NextTech. Ảnh: Teky.

Trả lời Zing.vn, ông Trần Việt Vĩnh, sáng lập Fiin, khẳng định không sao chép bất cứ thứ gì từ vaymuon.vn.

Tất cả các khâu từ lên ý tưởng, thiết kế, xây dựng đều do chính ông Vĩnh cùng đồng sự thực hiện từ tháng 7/2017 và hoàn toàn không liên quan đến những nhân sự chuyển từ vaymuon.vn sang đầu năm 2018.

Trước đó vào hôm 3/6, ông Nguyễn Hòa Bình cho đăng tải một bài đăng trên Facebook, tố startup Fiin vay mượn ý tưởng từ vaymuon.vn để khởi nghiệp. Sử dụng mô hình P2P giống Uber, các nền tảng này kết nối người vay tiền với người có nhu cầu cho vay với danh nghĩa trung gian, xác tín cho cả 2 bên.

"Phòng pháp chế của NextTech đã có những chứng cứ để khởi kiện dân sự. Tôi đang cân nhắc xem có đưa vụ việc ra tòa hay không. Vì cả 4 nhân viên cũ làm việc tại Fiin đều đã ký vào bản quy tắc bảo mật thông tin trong vòng một năm kể từ lúc nghỉ việc. Tuy nhiên đứng về cá nhân, tôi không muốn triệt con đường sự nghiệp và tài chính của 4 nhân viên cũ", Đào Minh Phú, Tổng giám đốc NextTech đăng tải trên Facebook cá nhân.

Xuân Tiến

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/xam-pham-tri-tue-trong-techbiz-giong-xam-hai-tinh-duc-trong-showbiz-post848923.html