Xâm nhập mộ cổ 4.000 năm tuổi, phát hiện 'siêu bảo vật quốc gia' phát sáng kỳ lạ giữa hầm tối

Nhiều vị trí trong lăng mộ đã có dấu hiệu bị phá hoại, duy chỉ có một vật thể màu xanh dường như vẫn còn nguyên vẹn, phát ra ánh sáng thu hút đội khảo cổ Trung Quốc.

Làng Nhị Lý Đầu

Tọa lạc ở phía Bắc sông Lạc, Nhị Lý Đầu là một làng nông nghiệp nhỏ thuộc thành phố Yển Sư, Trung Quốc với truyền thống trồng lúa mì và lúa gạo lâu đời. Mặc dù dân số thưa thớt và điều kiện về cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, cuộc sống tại đây vẫn luôn trôi qua yên bình.

Mùa hè năm 1959, nhà khảo cổ học nổi tiếng Từ Húc Sanh (1888-1976) trong một dự án khảo cổ đã tình cờ phát hiện ra rằng ngôi làng nhỏ Nhị Lý Đầu còn lưu giữ rất nhiều tàn tích lịch sử chưa được khai phá. Từ đó, Nhị Lý Đầu trở thành một điểm đến hấp dẫn trong cơn bão khảo cổ Trung Quốc, đồng thời được đưa vào danh sách "Di tích văn hóa trọng điểm Quốc gia".

Di chỉ khảo cổ tại làng Nhị Lý Đầu (Ảnh: Baike)

Di chỉ khảo cổ tại làng Nhị Lý Đầu (Ảnh: Baike)

Trải qua hơn 50 năm khai quật, khảo cổ học Trung Quốc đã thu được nhiều thành tựu đáng kể. Dựa theo kết quả nghiên cứu, các nhà khảo cổ học đặt tên cho di tích này là "Di chỉ Nhị Lý Đầu".

Với diện tích gần 3 triệu mét vuông, di chỉ được chia thành khu trung tâm và khu hoạt động bình thường, có hệ thống đường xá riêng cùng nhiều công trình kiến trúc. Trong đó, nhiều cổ vật cũng được khai quật, hé lộ những bí mật về lịch sử ngàn năm Trung Hoa cổ đại.

Đặc biệt, dự án "Nghiên cứu toàn diện về nguồn gốc và sự phát triển sơ khai của nền văn minh Trung Quốc" (2001-2016) công bố tìm thấy "siêu bảo vật quốc gia" trong một ngôi mộ cổ 4.000 năm tuổi tại di chỉ Nhị Lý Đầu đã khiến giới khảo cổ một lần nữa sục sôi.

Ánh sáng phát ra từ bảo vật

Mộ cổ 4.000 năm tuổi với lối thiết kế độc đáo cùng nhiều cổ vật được tìm thấy đã minh chứng chủ nhân của nó là một người có địa vị cao trong xã hội xưa.

Tuy nhiên, vì được phát hiện khá muộn vào năm 1959, nhiều chi tiết trong hầm mộ đã không còn nguyên trạng, nhiều vị trí có dấu hiệu bị phá hoại, duy chỉ có một vật thể màu xanh dường như vẫn còn nguyên vẹn phát ra ánh sáng giữa hầm mộ tối.

Di vật màu xanh lam lấp lánh trong ngôi mộ cổ (Ảnh: Baike)

"Siêu bảo vật quốc gia" thực chất là một tượng rồng chiều dài khoảng 65 cm, được làm từ hơn 2.000 mảnh ngọc lam nhỏ với nhiều hình dạng khác nhau, mảnh nhỏ nhất chỉ có đường kính 0,2 cm và dày 0,1 cm (số liệu từ Kknews).

Phần thân rồng mang màu sắc lộng lẫy, trải trên mặt đất với chiếc đuôi cuộn tròn. Đầu rồng thuôn dài đính một đôi mắt tròn, tròng mắt được làm từ ngọc bích lấp lánh, sống mũi cong cong hình bán nguyệt với những mảng màu xanh trắng xen kẽ, đầu mũi như một củ tỏi được tạc từ ngọc lam.

Hình dáng của cổ vật cho thấy sự tinh xảo trong từng chi tiết, chứng minh tay nghề khéo léo của nghệ nhân xưa.

Thông qua nghiên cứu, các nhà khoa học khẳng định đây là di tích hình tượng rồng có lịch sử lâu đời nhất được tìm thấy ở Trung Quốc cho đến ngày nay, và được đánh giá như một "siêu bảo vật quốc gia" vô song.

Đầu rồng sau khi được mang về trùng tu (Ảnh minh họa: Baike)

Theo Kknews, không giống như người hiện đại ưa chuộng vàng và ngọc bích, ngọc lam luôn được coi là một loại đá quý trong triều đại nhà Hạ và nhà Thương, chủ yếu được sử dụng bởi các nhà quý tộc. Vì vậy, hầu hết những ngôi mộ có đồ trang trí bằng ngọc lam được khai quật đều là mộ của người có địa vị cao trong xã hội cổ đại.

Ngoài ra, rồng trong văn hóa Trung Quốc luôn được coi là một linh vật thiêng liêng, tượng trưng cho sức mạnh, quyền lực và còn là hình ảnh tượng trưng cho các đế vương trong nhiều triều đại phong kiến.

Thế nhưng, rồng ngọc lam không bị trói buộc dáng vẻ quyền uy, mà lại giống như một con rồng tự do tự tại, một hình ảnh rất hiếm trong số những đồ vật có hình rồng được khai quật ở Trung Quốc.

Trước công trình khảo cổ này, việc xác minh khởi nguồn của nền văn minh Trung Quốc luôn là một chủ đề gây tranh cãi trong giới khảo cổ.

Quan điểm "Đất nước 5.000 năm lịch sử, vương triều nhà Hạ là điểm khởi đầu" từng nhận nhiều sự phản bác của các nhà khoa học quốc tế, bởi lẽ, họ tin rằng nhà Thương (khoảng năm 1556 TCN tới 1046 TCN theo ghi chép trong cuốn "Trúc thư kỉ niên") mới là vương triều đầu tiên và nền văn minh này chỉ bắt nguồn từ 3.400 năm trước.

Còn với vương triều Hoa Hạ, mặc dù được cho là cội nguồn của đất nước Trung Quốc, nhưng do vẫn chưa khai quật được bất kì di vật nào liên quan nên giới khảo cổ quốc tế cho rằng triều đại này chỉ tồn tại trong truyền thuyết và các tích cổ.

Minh chứng cho sự tồn tại của nền văn minh Hoa Hạ 5.000 năm tuổi. Ảnh: Sohu

Thông qua dự án nghiên cứu này, các nhà khoa học đã có cơ hội đào sâu nghiên cứu tàn tích Nhị Lý Đầu tại thành phố Yển Sư, từ đó xác định được đây chính là minh chứng cho triều đại nhà Hạ, và thôn Nhị Lý Đầu rất có thể chính là kinh đô đầu tiên của đất nước này.

Đồng thời hiện vật hình rồng màu ngọc lam với tuổi đời hơn 3.700 năm có thể được coi là hiện thân của linh vật thiêng liêng, đánh dấu sự khởi sinh của nền văn minh Trung Quốc.

Việc phát hiện ra "Siêu bảo vật quốc gia" cùng di chỉ Nhị Lý Đầu đã dấy lên nhiều tranh cãi trong giới khảo cổ, tuy nhiên, hầu hết đều tin rằng con rồng ngọc lam được khai quật đã tìm ra nguồn gốc trực tiếp và chính thống nhất cho nền văn minh Trung Hoa.

Tiến sĩ Hổ Hoành, người đứng đầu "Dự án Khám phá Văn minh", cho biết :"Nền văn minh Hoa Hạ sớm đã xuất hiện từ 5.000 năm trước, đó không đơn giản là một truyền thuyết, đó là sự thật, tàn tích Nhị Lý Đầu đã chứng minh điều đó".

Các chuyên gia và học giả vô cùng hào hứng trước việc phát hiện ra "siêu bảo vật quốc gia" , họ cùng quyết định đặt tên cho di vật là "Rồng Trung Hoa" và cho rằng đây chính là bằng chứng rõ ràng nhất cho lịch sử 5.000 năm của dân tộc, đồng thời tìm ra nguồn gốc trực tiếp và chính thống nhất cho vật tổ rồng của dân tộc Trung Hoa.

Bài viết tham khảo từ Kknews

Mai Thủy

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/xam-nhap-mo-co-4000-nam-tuoi-phat-hien-sieu-bao-vat-quoc-gia-phat-sang-ky-la-giua-ham-toi-820201212212722212.htm