Xâm nhập mặn xuất hiện sớm ở đồng bằng sông Cửu Long

Chiều 19-12, tại cuộc họp về tình hình nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2019 - 2020, Tổng cục Thủy lợi cho biết, xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) xuất hiện sớm.

Đập cừ thép trên kênh xáng Rạch Giá - Hà Tiên, xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) giúp ngăn mặn, giữ ngọt cho vùng Tứ giác Long Xuyên. Ảnh: LÊ HUY HẢI

Đập cừ thép trên kênh xáng Rạch Giá - Hà Tiên, xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) giúp ngăn mặn, giữ ngọt cho vùng Tứ giác Long Xuyên. Ảnh: LÊ HUY HẢI

Chiều 19-12, tại cuộc họp về tình hình nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2019 - 2020, Tổng cục Thủy lợi cho biết, xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) xuất hiện sớm.

Đáng chú ý, từ giữa tháng 12-2019, nước mặn xâm nhập vào sâu trong đất liền 40 đến 50 km, cao hơn năm 2016 khoảng 3 đến 5 km. Tháng 1, tháng 2 và đến giữa tháng 3-2020, ranh mặn 4g/l xâm nhập sâu vào đất liền 55 đến 110 km. Với tình trạng xâm nhập mặn như vậy gây rủi ro rất lớn cho vụ đông xuân tại khu vực cách biển 50 đến 60 km, sẽ tác động đến các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang, Cà Mau và Kiên Giang. Tổng diện tích tự nhiên thuộc vùng ảnh hưởng của xâm nhập mặn khoảng hơn 1,8 triệu héc-ta, không bao gồm các khu vực đã có công trình thủy lợi kiểm soát xâm nhập mặn. Vùng ảnh hưởng này cao hơn vùng ảnh hưởng của năm xâm nhập mặn lịch sử 2016 khoảng gần 50.000 ha và làm hơn 120 nghìn hộ dân có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt.

* Ngày 19-12, tại Hà Nội, Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tổ chức hội nghị bàn giải pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản theo Luật Thủy sản năm 2017. Tại hội thảo, một số khuyến nghị nhằm bảo vệ và nâng cao hiệu quả quản lý các khu bảo tồn biển đã được đưa ra.

* Theo thông tin tại Hội nghị toàn quốc về quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ do Bộ NN và PTNT tổ chức sáng 19-12 tại Hà Nội, diện tích có rừng cả nước là 14,45 triệu héc-ta, trong đó rừng đặc dụng là 2,15 triệu héc-ta; rừng phòng hộ là 4,6 triệu héc-ta. các khu rừng đặc dụng, phòng hộ phân bố đều; 54 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố có các khu rừng đặc dụng (chiếm 85,7%) và 59 trong tổng số 63 tỉnh có rừng phòng hộ (chiếm 93,7%).

* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu hết các nơi ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, sau đó ảnh hưởng đến một số nơi ở Trung Trung Bộ. Ở Bắc Bộ, ngày 20-12 có mưa nhỏ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa, mưa rào. Ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời rét, gió đông bắc trong đất liền cấp 2, cấp 3, vùng ven biển cấp 3, cấp 4. Ở vịnh Bắc Bộ gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7, biển động; khu vực bắc Biển Đông gió đông bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, biển động mạnh.

* Rạng sáng 16-12, tàu cá BV 99139 TS, công suất 750 CV, có tám thuyền viên, hành nghề lưới rê, khi rời bến Kê Gà xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) để ra khơi hành nghề thì bị hỏng máy, sóng đánh trôi dạt làm mắc cạn tại khu vực biển Hòn Lan. Đồn Biên phòng Tân Thành (Bình Thuận) đã cử cán bộ, chiến sĩ phối hợp cùng lực lượng tại chỗ của địa phương hỗ trợ, kéo tàu cá ra khỏi khu vực mắc cạn. Đến sáng 19-12, tàu cá BV 99139 TS đã được lai dắt về Bà Rịa - Vũng Tàu để sửa chữa.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/42642302-xam-nhap-man-xuat-hien-som-o-dong-bang-song-cuu-long.html