Xâm hại trẻ em và hệ lụy từ các mô hình gia đình khuyết thiếu

Trong nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em xảy ra trong thời gian gần đây, đáng chú ý là những vụ xâm hại mà thủ phạm lại là chính những người thân của trẻ. Và phần lớn các nạn nhân sống trong gia đình không hoàn thiện, cha mẹ ly thân, ly hôn phải sống với cha dượng, mẹ kế, ông bà đã lớn tuổi; cha mẹ mắc các tệ nạn xã hội…

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nỗi đau con trẻ bị xâm hại từ chính người thân

Dư luận cả nước đến nay vẫn chưa hết phẫn nộ trước vụ việc bố hiếp dâm con gái ruột mù lòa đến mang thai. Câu chuyện khó tin nhưng có thật này xảy ra tại tỉnh Phú Thọ và hiện Công an tỉnh Phú Thọ đã bắt tạm giam Nguyễn Văn Hải (SN 1981 ở xã Dị Nậu, huyện Tam Nông để điều tra về hành vi hiếp dâm người dưới 16 tuổi.

Sau khi vợ mất vì ung thư, khi sống cùng con gái, Hải đã làm “chuyện người lớn” với con một lần vào buổi trưa khi không có ai ở nhà, dù cháu bé đã chống cự nhưng không được. Sự việc đau lòng này đã khiến con gái ruột của Hải mang thai.

Đầu năm 2018, cháu Nguyễn Thị H. (9 tuổi) ở xã Hoằng Thái (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) cũng bị chính bố đẻ xâm hại tình dục. Em bị tổn thương nặng cả về sức khỏe và tinh thần, phải điều trị một thời gian dài tại bệnh viện. Ngay sau khi xảy ra sự việc, bố đẻ của nạn nhân không có mặt tại địa phương và trước đó đã được hội đồng xác định mức độ khuyết tật cấp xã xác định là người khuyết tật dạng mất trí tuệ mức độ nặng đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) hàng tháng.

Còn rất nhiều vụ cha đẻ, ông nội, ông ngoại, chú ruột, cậu tuột, anh ruột… xâm hại tình dục con ruột, cháu ruột, em ruôt mình. Qua những vụ việc này cho thấy những nơi tưởng chừng như an toàn nhất đối với trẻ như gia đình, trường học … đôi khi lại trở thành nơi nguy hiểm nhất. Đây là một hiện tượng suy thoái về đạo đức, suy đồi về nhân cách và sự lệch lạc trong nhận thức, lối sống.

Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho thấy, trung bình mỗi năm cả nước phát hiện khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Phân tích các số liệu trẻ em bị bạo hành được cập nhật qua tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 (trong 2 năm 2017, 2018) cũng ghi nhận hơn 59% đối tượng xâm hại tình dục trẻ em là người quen, hàng xóm, 21,12% đối tượng là người thân trong gia đình (bố đẻ, bố dượng, anh, em họ…) ; giáo viên, nhân viên nhà trường chiếm hơn 6%; các đối tượng khác gần 14%.

Trẻ bị xâm hại thường ở những gia đình khuyết thiếu

Theo Bộ Công an, các nạn thân trong các vụ xâm hại thường là trẻ nhỏ sống trong gia đình không hoàn thiện, cha mẹ ly thân, ly hôn phải sống với cha dượng, mẹ kế, ông bà đã lớn tuổi; cha mẹ mắc các tệ nạn xã hội…, nhiều trường hợp nằm ngoài sự quản lý của cha mẹ, người thân hoặc dược cha mẹ gửi quản lý, chăm sóc cũng trở thành nạn nhân bị xâm hại. Các nạn nhân đều còn quá nhỏ, không đủ nhận thức đề đề phòng nên có những trẻ bị xâm hại tình dục mà không biết hoặc có tâm lý sợ hãi, mặc cảm, không dám chia sẻ, tố giác.

Tại buổi hội thảo “Vai trò, trách nhiệm của Gia đình trong phòng, chống xâm hại trẻ em”, ThS Nguyễn Thị Hiền, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam chia sẻ rằng, một gia đình đủ đầy, trọn vẹn yêu thương sẽ chính là nơi an toàn giúp trẻ phòng ngừa được các nguy cơ bị xâm hại. Tuy nhiên, trong xã hội Việt Nam hiện đại, mô hình gia đình khuyết thiếu đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Đó là những gia đình ly hôn, tan vỡ; gia đình đa huyết thống (mẹ kế, bố dượng, con chung, con riêng); những gia đình di cư (con cái không sống chung với bố hoặc mẹ)… Nhiều vụ xâm hại trẻ em đã xuất phát từ những gia đình khuyết thiếu này.

Theo Tổng cục Thống kê, số lượng các vụ ly hôn đã xét xử tại Việt Nam đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Năm 2013, có 18.308 vụ ly hôn, con số này theo tính toán sơ bộ năm 2017 đã là 27.948 vụ (tăng gần 10 nghìn vụ). Sự tan vỡ của các cuộc hôn nhân làm gia tăng các mô hình gia đình đa huyết thống (mẹ kế, bố dượng, con anh, con em, con chúng ta) hoặc khuyết thiếu cha hoặc mẹ. Những phức tạp trong đời sống gia đình cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ em và cũng hình thành những mối nguy cơ về xâm hại trẻ em ngay trong các gia đình mới.

“Đáng chú ý, gia đình khuyết thiếu không chỉ biểu hiện ở sự khuyết thiếu về số lượng. Thực tế khuyết thiếu về tình yêu thương, khuyết thiếu về nhận thức hay nhân cách, đạo đức của các thành viên trong gia đình cũng đẩy trẻ em đến gần hơn với các nguy cơ bị xâm hại”, ThS Nguyễn Thị Hiền cho hay.

Để bảo vệ con ngay ở chính gia đình, các chuyên gia nhấn mạnh rằng cần nhắc đi nhắc lại những bài học về dạy con rằng “Cơ thể con là của con không ai được phép động vào, ngay cả bố mẹ, ông bà nếu đó không phải là vì vệ sinh, tắm rửa, chữa bệnh cho trẻ”.

Cũng đừng đợi khi con tuổi teen cha mẹ mới dạy con biết bảo vệ bản thân. Việc dạy trẻ nên bắt đầu sớm, khi trẻ có thể nhận thức được sự việc là có thể từng bước dạy trẻ những điều căn bản để bảo vệ mình trước những điều xấu có thể xảy ra. Cha mẹ hãy dạy trẻ đâu là hành vi yêu thương, đâu là hành vi xâm hại từ ngay chính người ruột thịt của mình. Trẻ khi không được dạy kiến thức về xâm hại sẽ là môi trường, điều kiện thuận lợi để những kẻ suy đồi nảy sinh thú tính.

Phương Thuận

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/xam-hai-tre-em-va-he-luy-tu-cac-mo-hinh-gia-dinh-khuyet-thieu-20190708195829466.htm