Xâm hại trẻ em - Hồi chuông báo động

Thời gian gần đây, ở một số địa phương trong nước đã liên tiếp xảy ra những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, gây bất bình, bức xúc trong dư luận.

Câu chuyện gần đây nhất là việc một người đàn ông sàm sỡ bé gái 7 tuổi trong thang máy ở chung cư Galaxy 9, đường Nguyễn Khoái, phường 1, quận 4, TP Hồ Chí Minh. Trước sự việc nghiêm trọng này, Công an TP Hồ Chí Minh đã vào cuộc điều tra, xác định danh tính người đàn ông là Nguyễn Hữu Linh, sinh năm 1958, trú tại quận Hải Châu, TP Đà Nẵng. Và một điều đáng buồn là ông Linh nguyên là Phó Viện trưởng Viện KSND TP Đà Nẵng, người được cho là am hiểu pháp luật. Trước vụ việc này, Viện Kiểm soát nhân dân tối cao đã yêu cầu phải xử lý nghiêm vụ việc, dù là cán bộ đương chức hay đã nghỉ hưu, nếu phạm tội đều xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội.

Hay câu chuyện còn chưa kịp lắng xuống khi thầy giáo chủ nhiệm lớp 5A, Trường Tiểu học Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, bị tố cáo là có những hành động như véo mũi, dí tai, sờ mông, sờ đùi với 14 học sinh trong lớp sau khi uống rượu.

Có thể thấy, vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em đang khiến không chỉ các gia đình mà toàn xã hội lo lắng, bức xúc. Những vụ việc xảy ra trong thời gian qua thực sự đã là hồi chuông lớn cảnh báo bởi số vụ, số nạn nhân trẻ em bị xâm hại tình dục luôn tăng qua từng năm. Đặc biệt có rất nhiều vụ bị xâm hại mức độ nghiêm trọng gây phẫn nộ trong dư luận xã hội.

Theo thống kê thì mỗi năm cả nước có khoảng 1.500 vụ xâm hại tình dục trẻ em bị phát hiện, đồng nghĩa với việc cứ 6 giờ lại có 1 vụ trẻ bị xâm hại; 93% nạn nhân là người quen với kẻ xâm hại; 47% đối tượng xâm hại là người thân trong gia đình. Những con số trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm khi còn rất nhiều vụ việc xâm hại trẻ em không được phát hiện hoặc có được phát hiện nhưng gia đình không trình báo, tố cáo bởi lo ảnh hưởng đến tương lai sau này của trẻ và sợ điều tiếng.

Trước các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em liên tiếp xảy ra trong thời gian qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã yêu cầu các cơ quan chức năng tập trung tăng cường phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách bảo đảm quyền trẻ em phù hợp với quy định của Luật Trẻ em; phối hợp hiệu quả trong xử lý các vụ việc vi phạm quyền trẻ em, bảo đảm kịp thời, nghiêm minh, hỗ trợ tốt nhất cho trẻ em; phân công cơ quan, đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết, thông tin khi xảy ra vụ việc vi phạm quyền trẻ em; tăng cường truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng của người dân và trẻ em về biện pháp bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; hình thành mạng lưới những người tham gia công tác bảo vệ trẻ em; có biện pháp quản lý, giám sát, công khai hoạt động giáo dục, chăm sóc trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em; đẩy mạnh việc tập huấn phương pháp nghiệp vụ điều tra, truy tố, xét xử thân thiện với trẻ em và người chưa thành niên…

Có thể nói, xâm hại trẻ em nói chung, xâm hại tình dục trẻ em nói riêng đang là vấn đề “nóng” mà xã hội quan tâm, lên án. Chính vì vậy, bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình, cơ quan, đoàn thể, bộ, ngành, địa phương và cả xã hội. Trong đó việc hỗ trợ, giáo dục cho trẻ những kỹ năng phòng, tránh xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục là vô cùng quan trọng. Đơn giản như: Nói về các bộ phận cơ thể cho trẻ biết từ sớm; dạy trẻ về "giới hạn cơ thể"; giáo dục kiến thức cơ bản về giới tính, nhận diện tình huống, nguy cơ bất thường, cách xử lý; dạy trẻ không được giấu giếm, cha mẹ thường xuyên chia sẻ, quan tâm, theo dõi những hiện tượng bất thường ở trẻ; dặn trẻ rằng không ai được phép chụp ảnh vùng cơ thể riêng tư; cách thoát khỏi tình huống đáng sợ hoặc không thoải mái; có một "mã khẩn cấp" để trẻ có thể ra hiệu khi trẻ cảm thấy không an toàn hoặc muốn bố mẹ đến đón; dạy trẻ những quy tắc trên áp dụng với cả những người quen biết…

Và một điều cũng quan trọng không kém đó là chúng ta phải xây dựng được hệ thống pháp luật, chế tài đủ mạnh, đồng thời xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em một cách nghiêm minh, thích đáng, cùng với đó là dành nguồn lực, sự quan tâm cho hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em, có như vậy tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em mới từng bước được đẩy lùi.

Thái Bình

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/tieu-diem/201904/xam-hai-tre-em-hoi-chuong-bao-dong-2436371/