Xâm hại tình dục trẻ em: Còn nhiều khoảng trống, kẽ hở…

Liên quan tới vấn đề xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em, PV Báo NTNN đã có cuộc phỏng vấn với bà Lê Hồng Loan (ảnh) - Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em (UNICEF Việt Nam).

Thưa bà, thời gian qua nhiều vụ dâm ô trẻ em chưa được xử lý thỏa đáng, theo bà nguyên nhân từ đâu?

- Tôi rằng việc các vụ án liên quan tới dâm ô, XHTD trẻ em chưa xử thỏa đáng là bởi nó chịu sự tác động của nhiều yếu tố. Trước hết là vấn đề hành lang pháp lý. Trong những năm qua vấn đề bảo vệ trẻ em được quy định tại rất nhiều luật, trong đó có Luật hình sự, Luật Trẻ em và việc bảo vệ trẻ em ở 3 cấp độ… Tuy nhiên, rõ ràng hiện nay luật pháp của chúng ta vẫn còn những khoảng trống, kẽ hở. Ở một số điểm luật pháp của Việt Nam chưa được hài hòa, chưa kế thừa được những kinh nghiệm tốt của quốc tế.

16 cơ quan bảo vệ nhưng con em chúng ta vẫn có nguy cơ bị xâm hại cao (ảnh chụp tại Diễn đàn trẻ em ). Ảnh: M.N

16 cơ quan bảo vệ nhưng con em chúng ta vẫn có nguy cơ bị xâm hại cao (ảnh chụp tại Diễn đàn trẻ em ). Ảnh: M.N

Ví dụ như hành vi dâm ô trẻ em ở Việt Nam chưa được quy định chặt chẽ. Luật pháp chỉ quy định khi đối tượng có những hành vi đụng chạm vào những vùng nhạy cảm của trẻ mới bị xem là dâm ô. Tuy nhiên, ở một số nước khác, những hành vi như, ôm, hôn, vỗ mông, sờ đùi… hay đụng chạm vào cơ thể trẻ, kể cả những lời nói kích dục… cũng được tính là dâm ô.

Việc xử lý không thỏa đáng các vụ việc dâm ô trong thời gian qua có phải là nguyên nhân làm gia tăng các hành vi dâm ô không, thưa bà?

- Tôi nghĩ vấn đề dâm ô trẻ em là vấn đề chúng ta cần phải đặc biệt quan tâm trong thời gian tới. Vấn đề liên quan tới dâm ô trẻ em có liên quan tới nhiều vấn đề trong đó có vấn đề hành lang pháp lý và cả các vấn đề chuẩn mực xã hội. Có nhiều những hành vi chưa chuẩn mực được chấp nhận.

Tôi khá đồng tình với ý kiến những hành vi dâm ô nếu không được xử lý nghiêm minh thì những người có hành vi đó sẽ tiếp tục thực hiện, nếu không muốn khẳng định là nó sẽ trở thành nguyên nhân khiến gia tăng vụ việc dâm ô.

Theo bà, vì sao Việt Nam có tầng tầng, lớp lớp các cơ quan bảo vệ trẻ em nhưng trẻ em vẫn bị xâm hại?

- Sở dĩ chúng ta có tới 16 cơ quan cùng chung tay bảo vệ trẻ em nhưng việc bảo vệ trẻ em lại bị thất bại là bởi hệ thống này chưa đồng bộ và không có sự hợp tác liên ngành. Chúng ta cần phải xây dựng một quy trình từ phòng ngừa, can thiệp sớm ở cả 3 cấp độ thì mới có thể chặn đứng những hành vi xâm hại trẻ em. Hiện nay, mặc dù đã có những quy định về sự hỗ trợ, phục hồi cho trẻ em là nạn nhân của bạo lực và XHTD nhưng thực tế việc này được làm rất ít. Chủ yếu mới chỉ dừng lại ở việc động viên, thăm hỏi, tặng quà.

Các hệ thống phối hợp liên ngành của cơ quan phúc lợi xã hội, của cơ quan y tế, các cơ quan công an tư pháp còn hạn chế. Chúng ta chưa có quy định về quy trình tiếp nhận, chăm sóc, hỗ trợ nạn nhân tại bệnh viện. Chúng ta cũng chưa có những quy trình can thiệp khẩn cấp với nạn nhân hay việc thu nhập chứng cứ cung cấp cho pháp y để kết tội đối tượng gây án. Với một số trường hợp nạn nhân bị hiếp dâm cũng cần có những gói dịch vụ khẩn cấp để giúp nạn nhân phòng tránh việc mang thai ngoài ý muốn hoặc lây nhiễm HIV…

Khi một vụ việc trẻ em bị XHTD xảy ra thì quy trình can thiệp, chịu trách nhiệm giải trình sẽ phải như thế nào thưa bà?

- Ở một số nước, việc quy trách nhiệm được làm rất cụ thể. Ví dụ khi xảy ra một vụ việc bạo lực hay XHTD thì họ sẽ quy trách nhiệm cụ thể cho đơn vị tiếp nhận, đơn vị xử lý. Ví dụ cơ quan y tế phải làm gì? Công an phải làm thế nào? Đơn vị quản lý nhà nước phải giải trình thế nào…? Ngoài ra chúng ta còn phải quy định rõ những dịch vụ hỗ trợ dưới luật. Đó không phải là các dịch vụ hỗ trợ, từ thiện mà đó phải là các dịch vụ bắt buộc.

Tôi cho rằng không có một giải pháp thần kỳ nào, duy nhất và nhanh nhất để có thể ngăn chặn được nạn XHTD trẻ em. Vấn đề chúng ta phải xử lý đồng bộ như tăng cường hành lang pháp lý, tăng cường chế tài xử phạt, nâng cao các dịch vụ hỗ trợ trẻ em.

Tuy nhiên tôi cho rằng vấn đề cấp bách cần ưu tiên làm trước để giải tỏa bức xúc của dư luận, bảo vệ trẻ em chính là phải gấp rút ban hành quy trình truy tố liên ngành để xử lý triệt để các vụ dâm ô còn tồn đọng.

Thùy Anh (thực hiện)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/xam-hai-tinh-duc-tre-em-con-nhieu-khoang-trong-ke-ho-973650.html