Xác xơ rừng cao su sau bão

Cây cao su được người dân vùng gò đồi xã Phong Mỹ, H.Phong Điền (TT-Huế) ví như là 'vàng trắng'. Bởi, nhờ cây trồng này mà hàng ngàn gia đình đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, nuôi con cái ăn học đến nơi đến chốn... Tuy nhiên, cơn bão số 5 đổ bộ đã khiến hơn 700 ha (chiếm gần 80% diện tích) cao su của vùng đất này bị gãy đổ, ngả rạp...

Cây cao su được người dân vùng gò đồi xã Phong Mỹ, H.Phong Điền (TT-Huế) ví như là "vàng trắng". Bởi, nhờ cây trồng này mà hàng ngàn gia đình đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, nuôi con cái ăn học đến nơi đến chốn... Tuy nhiên, cơn bão số 5 đổ bộ đã khiến hơn 700 ha (chiếm gần 80% diện tích) cao su của vùng đất này bị gãy đổ, ngả rạp...

Cao su ở Phong Mỹ gãy đổ, ngả rạp sau bão số 5.

Cao su ở Phong Mỹ gãy đổ, ngả rạp sau bão số 5.

Vùng Khe Mạ, xã Phong Mỹ được xem là "thủ phủ" cao su của H. Phong Điền với diện tích lên đến cả ngàn héc-ta. Nhiều năm nay, cây cao su giúp cho hơn 1.700 hộ dân trên địa bàn xã đổi đời với giá từ 14-15 ngàn đồng/kg mủ thô. Thế nhưng, cơn bão số 5 đổ bộ vào TT-Huế lúc 9 giờ 30 ngày 18-9 đã "cướp" đi gần 80% diện tích cao su của địa phương này. Có mặt tại những cánh rừng cao su sau khi bão tan sẽ dễ dàng chứng kiến người nông dân phờ phạc trước những cánh rừng tiêu điều, xác xơ, cây ngả rạp chồng lên nhau. Đứng bên vườn cao su tan tác, bà Hồ Thị Vui trú thôn Lưu Hiền Hòa, xã Phong Mỹ như ngã quỵ giữa vườn cây. Bà Vui giơ tay gạt nước mắt: "Mất hết rồi! 5 ha cao su 17-18 năm tuổi sau bao năm chăm bẵm, một trận bão đi qua giờ chỉ còn hai bàn tay trắng. Cơm áo của gia đình nằm ở đây cả, nợ nần chưa trả, không biết xoay xở làm răng chừ" - bà Vui than. Với 2.500 cây cao su, sau trận bão ngày 18-9 đã lấy đi của gia đình bà 2.300 cây, số cây còn lại cũng bị gió làm nghiêng ngả. Ngay sau bão, những thành viên trong gia đình bà Vui tự cắt cây kêu thương lái bán gỗ cao su với giá chỉ 50 ngàn đồng/cây mong vớt vát được chút vốn...

Cũng như mọi ngày, sáng sớm 18-9, ông Nguyễn Xuân Dũng vẫn đi ra chăm vườn cao su của gia đình mình. Nhưng chỉ khoảng 1 giờ sau, khi bão đổ bộ vào và gió dịu hơn, ông Dũng nghe tiếng người trồng cao su gào thét kêu lên: "Cao su gãy hết rồi bà con ơi. Trắng tay rồi...". Lúc này, ông Dũng đi ra vườn cao su của gia đình thì không thể tin vào mắt mình. Hơn 2.400 cây cao su đang trong thời kỳ thu hoạch của ông Dũng thì 80% diện tích bị gãy đổ; số cây còn lại cũng bị ngả nghiêng, xác xơ. Cây cao su là nguồn thu chính của gia đình, ông Dũng mong muốn nhà nước có chính sách hỗ trợ để sớm khôi phục lại diện tích cây cao su, ổn định sinh kế...

Theo tìm hiểu, đa số người trồng cao su ở xã Phong Mỹ đều vay vốn ngân hàng. Người ít thì vài ba chục triệu đồng, người nhiều vài trăm triệu đồng; vì vậy hiện giờ cuộc sống người trồng cao su đứng trước khó khăn chồng chất... Dọc con đường liên xã Phong Mỹ lên vùng Khe Mạ, những chuyến xe tải xuôi ngược thu mua gỗ cao su do bị gãy đổ. Đâu đó hiển hiện trong những cánh rừng ngả rạp là ánh mắt xót xa của người nông dân.

Ông Nguyễn Hữu Chung - Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ thông tin, trên địa bàn có khoảng 700 ha bị thiệt hại nặng. "Cây cao su mang lại thu nhập khá cho người nông dân với tổng doanh thu khoảng 100 tỷ đồng/năm. Trên địa bàn xã có khoảng 1.700 hộ dân tham gia trồng. Bão gây thiệt hại nặng nên hiện nay việc tái sản xuất đối với những hộ trồng cao su rất khó khăn"- ông Chung trăn trở.

Cũng theo ông Chung, sắp tới, xã rà soát danh sách, thống kê các hộ dân xem số dư nợ liên quan trồng cây cao su trên địa bàn để kiến nghị huyện làm việc cùng phía ngân hàng để đề xuất xin khoanh, giảm lãi cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Bình - Chủ tịch UBND H.Phong Điền cho biết: "Toàn huyện có 1.700 ha cây cao su, 32.000 ha keo, tràm, 600 ha cây ăn quả như: thanh trà, bưởi da xanh, quýt... của người dân trồng. Trong đó, có hơn 1.000 ha diện tích cây bị gãy, đổ sau bão số 5, nặng nhất là cây cao su với diện tích thiệt hại lên đến 700ha". Cụ thể, đối với những cây cao su bị nghiêng, gãy cành thiệt hại dưới 50% sẽ vận động, khuyến khích người dân phục hồi dù năng suất cho mủ sẽ không còn như trước. Đối với diện tích bị ngã đổ thiệt hại hoàn toàn, trước mắt địa phương sẽ kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thu mua gỗ cao su thanh lý cho người dân.Về lâu dài sẽ đề xuất hỗ trợ một phần giống, phân bón cho người trồng tái tạo vườn cao su. Trong trường hợp chuyển đổi cơ cấu cây trồng sẽ xin ý kiến cấp trên. Kiểm tra tình hình cây cao su bị gãy đổ do bão số 5 tại xã Phong Mỹ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế Nguyễn Văn Phương yêu cầu chính quyền địa phương, các cấp tiến hành nghiên cứu các phương án hỗ trợ, kết nối, tìm kiếm nguồn tiêu thụ, thu hoạch diện tích cây cao su bị gãy đổ để giải quyết những khó khăn trước mắt cho người dân. Đồng thời, tiến hành thống kê chi tiết các diện tích bị gãy đổ, thiệt hại để có những chính sách hỗ trợ, giúp đỡ cho người dân trong giai đoạn khó khăn này.

H.LAN

Tổng giá trị thiệt hại khoảng 505 tỷ đồng

Theo báo cáo của UBND tỉnh TT-Huế ngày 21-9, do ảnh hưởng của cơn bão số 5, trên địa bàn tỉnh có 4 người chết, có 92 người bị thương. Toàn tỉnh có 10 nhà bị sập; 21.283 nhà tốc mái. Có 20 trường học bị tốc mái phòng học, khu hiệu bộ, sập hàng rào, tốc mái nhà xe, hư hỏng thiết bị dạy học. Về nông, lâm nghiệp, diện tích rau màu bị thiệt hại 439 ha; diện tích rừng bị gãy đổ 1.130 ha; cao su 863,5 ha. Theo thống kê ban đầu tại TP Huế có khoảng 15.000 cây xanh bị gãy đổ. Sau bão, có 43 tuyến cáp quang bị đứt gián đoạn liên lạc; 721 trạm BTS bị mất điện, mất liên lạc. 150 cột điện bị gãy, 48 cột điện bị nghiêng, 3 máy biến áp bị hỏng... Tổng giá trị thiệt hại do cơn bão số 5 gây ra ở TT-Huế, ước tính khoảng 505 tỷ đồng.

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_231856_xa-c-xo-ru-ng-cao-su-sau-ba-o.aspx