Xác nhận độc thân phải ghi tên người định cưới: Thụt lùi?

Việc ghi thông tin người dự định kết hôn chỉ bắt buộc đối với trường hợp giấy xác nhận độc thân dùng để đăng ký kết hôn.

Những ngày qua, mạng xã hội xôn xao lan truyền thông tin, từ ngày 16/7 khi Thông tư 04/2020/TT-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp có hiệu lực thì giấy xác nhận độc thân phải ghi tên người dự định cưới và cho rằng đây là quy định vô lý.

Cụ thể, theo Điều 12 của Thông tư, trường hợp yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để sử dụng vào mục đích kết hôn thì cơ quan đăng ký hộ tịch chỉ cấp một (01) bản cho người yêu cầu. Trong Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân phải ghi rõ họ tên, năm sinh, quốc tịch, giấy tờ tùy thân của người dự định kết hôn, nơi dự định đăng ký kết hôn.

Theo quy định này, trường hợp người dân khi đề nghị cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, cụ thể là xác nhận tình trạng độc thân để đăng ký kết hôn thì giấy xác nhận độc thân được cấp phải ghi rõ mục đích "để kết hôn" và thông tin cá nhân của người dự định kết hôn.

Cũng theo Thông tư 04, trường hợp yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để sử dụng vào mục đích khác, không phải để đăng ký kết hôn, thì người yêu cầu không phải đáp ứng điều kiện kết hôn; trong Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân phải ghi rõ mục đích sử dụng, không có giá trị sử dụng để đăng ký kết hôn.

Như vậy, không phải bất cứ trường hợp nào khi yêu cầu cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, cụ thể là xác nhận tình trạng độc thân, cũng bắt buộc phải có "người định cưới".

Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân buộc phải ghi tên người dự định kết hôn chỉ trong trường hợp xin giấy phục vụ mục đích đăng ký kết hôn

Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân buộc phải ghi tên người dự định kết hôn chỉ trong trường hợp xin giấy phục vụ mục đích đăng ký kết hôn

Tuy nhiên, quy định này vẫn vấp phải nhiều ý kiến trái chiều trên mạng xã hội. Ở góc độ pháp lý, LS Ngô Anh Tuấn, Trưởng Văn phòng Luật sư Ngô Anh Tuấn, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết trên báo Đại đoàn kết, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân có giá trị trong vòng 6 tháng, hoặc cho đến khi đăng ký kết hôn, tùy thuộc vào điều kiện nào đến trước.

Trong thời hạn này, người xin giấy xác nhận tình trạng hôn nhân vẫn có thể từ chối kết hôn, thay đổi người dự định kết hôn. Tuy nhiên sẽ có rất nhiều hệ lụy xấu xảy ra với quy định không cần thiết này.

“Mặc dù giấy xác nhận tình trạng hôn nhân không có giá trị pháp lý nhưng nhiều người có thể lợi dụng nhằm mục đích bôi xấu, đùa cợt hoặc trả thù ai đó khi đi xin giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, sau đó đăng lên mạng.

Ví dụ như một chàng trai yêu thầm một ai đó nhưng suốt một thời gian dài không được đền đáp vì người con gái đó đã có người yêu. Vì muốn được thỏa ước mơ (dù chỉ là trên giấy tờ ảo) anh chàng đó đến xin đăng ký kết hôn và làm thủ tục xác nhận độc thân ghi tên người con gái dự định cưới và đăng lên mạng. Câu chuyện này chắc chắn có thể xảy ra, lúc đó câu chuyện sẽ rất bi hài”, LS Ngô Anh Tuấn nói.

Cũng theo Luật sư Ngô Anh Tuấn dù thông tư quy định rõ việc ghi tên người dự định kết hôn vào Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân chỉ phục vụ cho trường hợp xin giấy để kết hôn, còn các mục đích khác như mua bán nhà, xin việc thì không phải ghi tên người dự định kết hôn.

Dù vậy nó cho thấy sự “thụt lùi” đáng tiếc bởi xã hội ngày càng văn minh thì những thủ tục nhiêu khê không cần thiết phải được lược bỏ chứ không phải thêm vào như vậy.

Đồng quan điểm, trên báo Dân Việt, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhận định, yêu cầu ghi tên người định cưới vào giấy xác nhận độc thân là thừa và có thể phát sinh nhiều hệ lụy xấu.

"Mục đích của giấy xác nhận tình trạng hôn nhân là chứng nhận công dân tại thời điểm xin giấy đủ điều kiện kết hôn, còn việc họ kết hôn với ai là quyền cá nhân của họ, trong thời hạn cấp giấy đó họ hoàn toàn có quyền lựa chọn, thay đổi.

Việc ghi tên người định cưới vào giấy xác nhận độc thân không có ý nghĩa, không phải là một cách để tăng cường công tác quản lý.

Việc quy định thừa thãi này sẽ làm hạn chế quyền tự do trong hôn nhân của công dân và nguy cơ phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột pháp luật", LS Đặng Văn Cường nhận định.

Vị Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp phân tích, thực tế có những trường hợp xin xác nhận tình trạng hôn nhân mà chưa có ý định kết hôn chính thức đối với người cụ thể nào.

Cùng với đó, không phải ai cũng có thời gian, điều kiện về nơi cư trú thường trú của mình để xin giấy xác nhận tình trạng hôn nhân bởi vậy nhiều trường hợp họ tiện thì sẽ xin trước để dự tính có thể kết hôn trong nửa năm tiếp theo.

Nếu quy định ghi tên người định cưới vào giấy xác nhận độc thân này có hiệu lực, LS Cường chia sẻ, bắt buộc họ phải điền bừa thông tin một người nào đó vào giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của họ, sau này nếu họ không kết hôn đúng người đó thì sẽ thành câu chuyện dở khóc dở cười.

Theo ông Cường, quy định này cần phải sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ để thủ tục đăng ký kết hôn trở nên dễ dàng, thuận lợi, đảm bảo các quyền tự do cơ bản của công dân, giảm bớt các tranh chấp, mẫu thuẫn, khiếu kiện có thể phát sinh từ thủ tục đăng ký kết hôn.

Minh Thái (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/xac-nhan-doc-than-phai-ghi-ten-nguoi-dinh-cuoi-thut-lui-3412402/