'Xác người bị linh cẩu ăn' trong thảm họa nhân đạo ở Tigray

Một nữ tu sĩ giấu tên tại thành phố Mekelle, thủ phủ vùng Tigray, Ethiopia cho chúng ta thấy rõ hơn thảm họa nhân đạo đã tàn phá vùng đất này.

Nữ tu sĩ này đang giúp đỡ hàng chục nghìn người bị mất nhà cửa do cuộc chiến giữa chính quyền vùng Tigray và chính quyền trung ương Ethiopia, nổ ra từ tháng 11/2020.

Những người này dồn đến các trại tị nạn với hy vọng có được thực phẩm và nơi tạm trú, Tuy vậy, cả thực phẩm và chỗ ở đều thiếu thốn khi hầu hết hàng viện trợ nhân đạo đã bị chặn lại.

“Quá khứ đã là lịch sử”

“Tôi vui mừng vì còn sống sót qua những tháng vừa qua. Tôi nên thấy ổn. Chúng tôi đã đi đến những nơi người tị nạn sinh sống. Cảnh tượng rất tồi tệ”, bà nói với phóng viên Guardian.

“So với những nơi khác, tình cảnh ở Mekelle tốt hơn nhiều. Tuy vậy, nơi đây vẫn hỗn loạn. Khoảng 40 đến 65 người sống trong một căn phòng. Chỉ có 4 nhà vệ sinh nam và 4 nhà vệ sinh nữ cho 3.000-6.000 người. Chất lượng vệ sinh khá kém. Không có nước sạch. Thực phẩm và thuốc men khá khó kiếm".

 Người tị nạn Tigray xếp hàng nhận cứu trợ tại một trại tị nạn ở Sudan. Ảnh: AP.

Người tị nạn Tigray xếp hàng nhận cứu trợ tại một trại tị nạn ở Sudan. Ảnh: AP.

Mọi người vẫn không có chăn dù đã ở đây 3-4 tháng. Số người tị nạn tại đây vẫn đang gia tăng. Mỗi ngày, khoảng 100 người đến đây từ những vùng mà tình hình đang rất xấu. Do đó, nguồn cung không đủ so với nhu cầu. Những người ở đây cố gắng giúp đỡ, nhưng họ không có nhiều. Mọi người không thể rút tiền từ ngân hàng. Các doanh nghiệp không hoạt động. Tuy nhiên, mọi người đều cố gắng chia sẻ.

Mọi thứ diễn ra quá nhanh chóng. Quá đột ngột. Đây như một cú sốc. Họ từng có cuộc sống bình thường. Mọi thứ đang tốt lên, từ các trung tâm y tế đến cơ sở giáo dục. Các trường học đang có 24.000 học sinh. Họ đang có kế hoạch mở rộng chương trình bữa ăn học đường…Tuy vậy, mọi thứ bị ngưng lại bởi đại dịch Covid-19.

Rồi một ngày, chiến tranh tổng lực nổ ra. Trong 3 tháng quá, họ đã cố gắng cung cấp đồ ăn cho 25.000 người mất nhà cửa ở 23 trại tị nạn. Một số trại cách Mekelle tới 120 km.

Các dấu hiệu đầu tiên xuất hiện vào cuối năm 2020: đường sá bị chặn, ngân sách từ trung ương cho khu vực bị cắt. Khi họ bị nạn châu chấu hoành hành, chính quyền trung ương không giúp đỡ. Thậm chí, họ không gửi khẩu trang cho trẻ em. Nhiều điều tồi tệ khác đã diễn ra. Họ đã bị phân biệt đối xử. Tuy nhiên, chiến tranh đến quá đột ngột.

Người dân bị chấn thương tâm lý. Một số đã mất đi người thân. Mọi người không biết gia đình mình đang ở đâu. Một vài người trốn vào bụi rậm. Nhà cửa của họ bị chiếm. Họ lo lắng, băn khoăn, buồn bã, tức giận. Họ lo ngại về tương lai.

"Tôi đã gặp một người già đã mất nhà cửa ba lần, đều do xung đột sắc tộc. Tuy vậy đối với những người trẻ tuổi, đây là trải nghiệm mới hoàn toàn. Tôi năm nay 48 tuổi nhưng chưa từng thấy chiến tranh. Trải nghiệm này rất lạ và cũng rất đáng sợ. Bạn như bị nhấn chìm vào bóng tối", bà viết.

Quân đội Ethiopia đã chiếm được thủ phủ Mekelle của vùng Tigray sau vài ngày giao tranh. Ảnh: Reuters.

Hai năm trước, khi nghĩ về cuộc sống, họ thấy chỉ thấy hòa bình và phát triển ở tất cả lĩnh vực, từ nước sạch đến hệ thống thông tin liên lạc. Điều này cho họ hy vọng. Giờ đây, các bệnh viện đều bị tấn công, cướp bóc và tàn phá.

Chỉ trong vài tháng, quá khứ đã trở thành lịch sử”.

Thế giới cần hành động

Bà kể tiếp: “Mekelle đã không còn bị pháo kích, nhưng âm thanh vẫn ở rất gần. Xác người chết không được chôn cất tử tế và trở thành thức ăn cho linh cẩu.

Rất, rất nhiều người đã bị cưỡng hiếp, từ bé gái 8 tuổi đến cụ già 72 tuổi. Tội ác này phổ biến đến mức tôi có thể nhìn thấy khắp mọi nơi. Chúng diễn ra công khai, trước mặt người chồng, trước các thành viên trong gia đình, trước tất cả mọi người. Chân tay của họ đều đầy vết thương.

Bạn tự hỏi rằng thủ phạm có phải con người nữa hay không. Không biết họ được ai huấn luyện.

Đó có thể là binh lính Eritrea hay Ethiopia. Bi kịch bao trùm. Mọi người phụ nữ, không chỉ một lần. Điều này là cố ý. Qua quan sát, tôi có thể tự tin khẳng định điều này.

Có khoảng 70,000 thường dân bị tấn công. Cướp bóc, ẩu đả, cưỡng hiếp diễn ra khắp nơi. Sự tàn bạo, giết chóc và quấy rối, tất cả đều nhằm vào dân thường".

Phụ nữ và trẻ em gái là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xung đột. Ảnh: Reuters.

Cả khu vực đã bị đóng cửa. Con người không nhận được những sự hỗ trợ mà họ đáng hưởng. Họ cảm thấy cô đơn, bị cô lập và bị lãng quên. Bạn có thể hỏi tại sao thế giới không hành động để chống lại những điều tồi tệ nơi đây. Sự đau khổ này thật khủng khiếp.

Tôi không biết điều gì tồi tệ hơn: chết đói trong bụi rậm, chết trong tù hay bị bắn. Những người trẻ tuổi đang rất sợ hãi.

Thế giới cần lên án việc giết hại dân thường. Mọi người phải rời nhà cửa. Tấn công tình dục đã xảy ra - quá nhiều phụ nữ và bé gái đã bị hãm hiếp.

"Tôi muốn nói với thế giới rằng: ở thế kỷ 21 này, không ai đáng bị chết đói khi thế giới có thể hành động. Bất cứ ai có thể hành động đều không được chần chừ. Mọi người dân trên thế giới cần chung tay lên án những tội ác này”, bà viết.

“Tôi biết rằng điều này có thể được thực hiện. Cần có ai đó hành động và hành động nhanh chóng”, tu sĩ hy vọng.

Việt Hà

Theo Guardian

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/xac-nguoi-bi-linh-cau-an-trong-tham-hoa-nhan-dao-o-tigray-post1215618.html