Xác minh thông tin Đại biểu Quốc hội 'mua' hộ chiếu đảo Síp

Ban Công tác Đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang xác minh thông tin 1 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thuộc đoàn ĐBQH TP.HCM 'mua' hộ chiếu Cộng hòa Síp.

Ông Trần Văn Túy, Trưởng ban Công tác Đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Ảnh: Quochoi.vn)

Ông Trần Văn Túy, Trưởng ban Công tác Đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Ảnh: Quochoi.vn)

Ông Trần Văn Túy, Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 25/8 cho biết ông đã nắm việc hãng tin Al Jazeera (Qatar) thông tin một ĐBQH đoàn TP.HCM có tên trong danh sách các chính trị gia "mua" hộ chiếu Cyprus (Cộng hòa Síp) - theo Vietnamnet, PLO...

Tuy nhiên, ông Túy lưu ý rằng, cần rất thận trọng khi xem xét thông tin từ các trang thông tin nước ngoài. Hiện, Trưởng ban Công tác đại biểu đã giao Vụ Công tác đại biểu kiểm tra thông tin nói trên.

Sau khi Vụ Công tác đại biểu báo cáo, cơ quan chức năng xác minh thông tin rõ ràng, Ban Công tác đại biểu sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới có thông tin chính thức về vụ việc này.

Trả lời SGGP, Tổng thư ký, Người phát ngôn của Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, ông chưa có thông tin gì về việc này và đề nghị báo chí xác minh cẩn trọng, bởi ngay cả trang thông tin của Quốc hội Việt Nam cũng bị giả mạo.

Trước đó, theo hãng tin Al Jazeera (hãng tin nhà nước của Qatar), tài liệu mật cho thấy chương trình hộ chiếu của Cộng hòa Síp (Cyprus), một quốc gia châu Âu, cho phép các chính trị gia "dễ tham nhũng" mua hộ chiếu châu Âu.

Hồ sơ "The Cyprus Paper" (Hồ sơ Cyprus), cho biết chương trình hộ chiếu của Cyprus cho phép những ai đầu tư ít nhất 2,15 triệu Euro (khoảng 2,5 triệu USD) sở hữu hộ chiếu nước này; đồng nghĩa với việc cá nhân đó trở thành công dân EU, được đi lại, làm việc tự do ở 27 nước thành viên EU và có thể nhập cảnh vào 174 quốc gia mà không cần visa.

Al Jareeza cho biết hàng chục quan chức cấp cao một số nước và gia đình của họ đã mua thứ gọi là "hộ chiếu vàng" (golden passport) này từ thời điểm cuối 2017 đến cuối 2019 (thời điểm mà Al Jazeera thu thập được hồ sơ. Trong khi đó, chương trình này của Cộng hòa Síp đã được thực hiện từ 2013.

Các hồ sơ “mua” hộ chiếu đến từ 70 quốc gia trên thế giới, trong đó nhiều nhất là từ Nga (1.000 trường hợp), Trung Quốc (500 trường hợp) và Ukraina (100 trường hợp). Bên cạnh đó, cũng có các công dân của Anh, Mỹ, Mali và Morocco, Israel, Palestine, Nam Phi, Hàn Quốc và Ả Rập Saudi.

Quy định quốc tịch đối với ĐBQH

Luật Quốc tịch Việt Nam tại điều 4 quy định nguyên tắc quốc tịch: "Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác".

Tại kỳ họp hồi tháng 6 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, theo đó bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1 Điều 22, theo đó ĐBQH phải đáp ứng tiêu chuẩn: "có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam". Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.

Trọng Huyền

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/xac-minh-thong-tin-dai-bieu-quoc-hoi-mua-ho-chieu-dao-sip-116429.html