Xác minh tài sản thu nhập để phòng, chống tham nhũng còn chưa hiệu quả

Thanh tra Chính phủ vừa công bố Báo cáo đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) cấp tỉnh 2018 (PACA INDEX 2018), trong đó cho thấy, việc kê khai, công khai, xác minh tài sản thu nhập đã dần đi vào nền nếp ở các địa phương trên cả nước.

Cụ thể, số người đã kê khai tài sản, thu nhập trong năm là: 1.136.902 người; đạt tỷ lệ 99,8% so với số người phải kê khai; Số bản kê khai đã công khai: 1.134.685 bản; đạt tỷ lệ 99,8% so với số bản đã kê khai; có 44 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập.

Đáng chú ý, nội dung xác minh tài sản thu nhập đạt được rất kém và không hiệu quả. Có 51 địa phương trên cả nước không thực hiện xác minh bất kỳ trường hợp nào về kê khai tài sản đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản. Có 12/63 địa phương thực hiện việc xác minh tài sản thu nhập, trong đó có 2 địa phương không phát hiện sai phạm trong việc kê khai tài sản thu nhập, 10/12 địa phương đã phát hiện đối tượng kê khai tài sản có sai phạm và đã xử lý đối với các trường hợp này. Theo Báo cáo, nếu địa phương chủ động trong công tác xác minh tài sản thu nhập thì việc phát hiện những sai phạm trong minh bạch tài sản, thu nhập sẽ tăng hiệu quả của biện pháp này trong phòng ngừa tham nhũng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thực hiện yêu cầu từ Chính phủ, UBND các tỉnh đã ban hành các văn bản quy định về định mức tiêu chuẩn có liên quan đến các lĩnh vực như tiết kiệm chống lãng phí, bồi dưỡng cán bộ, chi tiêu ngân sách thường xuyên, việc quản lý sử dụng tài sản công tại cơ quan, đặc biệt là việc khoán chi sử dụng xe công.

UBND các tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở Tài chính hướng dẫn các đơn vị trên địa bàn triển khai thực hiện công khai các chế độ định mức tiêu chuẩn liên quan đến công tác quản lý tài chính, ngân sách, tài sản; đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi vi phạm các quy định về định mức tiêu chuẩn nhằm phòng ngừa sai phạm tiêu cực trong lĩnh vực này.

Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã có hiệu lực từ ngày 1-1-2018 nhưng các địa phương chưa chủ động ban hành văn bản quy định và hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công như Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Thơ, Kiên Giang, Lào Cai, Ninh Thuận, Quảng Trị, Sóc Trăng. Một số lý giải cho việc không thực hiện việc xây dựng, sửa đổi các tiêu chuẩn định mức tiêu chuẩn nhiều địa phương cho rằng trong năm 2018 không có chế độ định mức nào cần phải sửa đổi hay kiến nghị sửa đổi theo thẩm quyền của UBND cấp tỉnh. Trong khi đó, Đồng Tháp là một trong những địa phương đạt điểm số PACA cao và các chỉ số liên quan đến cải cách hành chính được cải thiện trong các năm 2016-2018, đã rất chủ động nghiên cứu, xây dựng, ban hành quy định về quản lý tài sản công.

Năm 2018, có 56 người đứng đầu đã bị xử lý hoặc đang được xem xét để xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó 5 người bị xử lý hình sự, 45 người đã bị xử lý kỷ luật, 6 người đang thực hiện quy trình xử lý kỷ luật. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu tăng theo từng năm đã có tác dụng răn đe, từ đó có tác dụng đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong PCTN tại đơn vị mình phụ trách (năm 2018 tăng 17 người so với năm 2017; năm 2017 tăng 28 người so với năm 2016).

Trong toàn quốc, có 34/63 địa phương đã xử lý kỷ luật 100% người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng đều bị kỷ luật với các hình thức khác nhau.

Về phát hiện, xử lý các sai phạm trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, có 28 địa phương không để xảy ra vi phạm về thực hiện các biện pháp phòng ngừa; có 9 địa phương báo cáo tất cả các UBND cấp huyện và các cơ quan, đơn vị thuộc UBND cấp tỉnh đều vi phạm về định mức tiêu chuẩn; 16 địa phương đã xử lý nghiêm đối với người đứng đầu, cán bộ, công chức viên chức đã để xảy ra sai phạm trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa…

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/xac-minh-tai-san-thu-nhap-de-phong-chong-tham-nhung-con-chua-hieu-qua-192902.html