Xác định thị trường để không cần 'giải cứu' nông sản

Lãnh đạo ngành Công Thương nhấn mạnh, thậm chí nhắc lại nhiều lần lời nói của người đứng đầu ngành nông nghiệp: hãy nói với bà con 'đừng chong đèn, đốt điện kích thích thanh long ra nhiều trái nữa'.

Bởi, để có thể xuất khẩu được nông sản, trái cây sang các thị trường khác và có được giá trị gia tăng cao hơn, thì quan trọng phải là chất lượng.

Đừng mong người tiêu dùng hỗ trợ, giải cứu mãi nếu chất lượng nông sản vẫn chưa đáp ứng nhu cầu

Đừng mong người tiêu dùng hỗ trợ, giải cứu mãi nếu chất lượng nông sản vẫn chưa đáp ứng nhu cầu

Vậy tại sao người nông dân vẫn tăng kích thích sinh trưởng cho cây trồng, vẫn để mình phụ thuộc vào một thị trường và vẫn mong được… giải cứu?

Có lẽ không khó để thấy thông điệp, câu trả lời ở chính văn bản “hỏa tốc” mà người đứng đầu Bộ Công Thương gửi tới Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố “về việc rà soát công tác sản xuất để điều hành hoạt động xuất khẩu nông sản, trái cây qua biên giới đất liền phía Bắc”.

Phải nói ngay là công tác truyền thông cơ sở có vấn đề!

Vì sao Bộ Công Thương dù đã đưa ra rất nhiều giải pháp để hỗ trợ xuất khẩu và liên tục cảnh báo, tăng cường khuyến nghị, hướng dẫn các địa phương, hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp và người dân theo dõi sát hoạt động xuất khẩu, giao thương, thời gian mở cửa thông quan tại các cửa khẩu trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh…

Thế nhưng “đến nay, lượng hàng hóa nông sản, trái cây được vận chuyển lên các cửa khẩu biên giới phía Bắc để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đang ngày càng nhiều”, nguy cơ ùn ứ, hệ lụy vẫn tiếp tục diễn ra ?

“Giải cứu” - chờ đợi, mong muốn có được sự hỗ trợ từ người tiêu dùng ở thị trường nội địa đã không còn xa lạ.

Vì sao các nhà phân phối bán lẻ sẵn sàng hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân với giá “không lợi nhuận” mà vẫn không được chính người nông dân “mặn mà”?

Vì sao lời kêu gọi của người đứng đầu ngành nông nghiệp về các biện pháp cả trong trước mắt và lâu dài trong phát triển nông sản, cây trái vẫn chưa được quan tâm đúng mức?

Phải chăng là bởi người nông dân vẫn đang hi vọng sẽ bán được với giá cao hơn - khi những thông tin ban đầu về việc một số cửa khẩu phụ đã cho phép tiếp tục hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa - mà không có được thông tin đầy đủ rằng: mới chỉ là một hai cửa khẩu phụ và lối mở chứ không phải là tất cả các cặp chợ biên giới, và việc kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh vẫn đang hết sức chặc chẽ, nghiêm ngặt.

Cũng không thể không ghi nhận những nỗ lực của ngành Công Thương trong việc kết nối tiêu thụ tại thị trường trong nước cũng như tìm hướng xuất khẩu sang các thị trường khác ngoài Trung Quốc.

Thế nhưng, điều quan trọng, cốt yếu nhất để “giải cứu” nông sản trong cả trước mắt và lâu dài không thể đến từ một phía.

Tại các cuộc họp bàn giải pháp xuất khẩu nông sản gần đây do Bộ Nông nghiệp và Bộ Công Thương tổ chức, các cơ quan quản lý Nhà nước đều khẳng định: Phải tái cơ cấu lại việc sản xuất hàng hóa theo nhu cầu của thị trường;

Phải coi trọng thị trường nội địa và nâng cao chất lượng để phục vụ đa dạng thị trường chứ không trông chờ, phụ thuộc vào một thị trường hay chờ đợi được “giải cứu” khi gặp phải những biến cố, rủi ro - dẫu là khách quan và… không mong muốn.

Đã đến lúc, các ngành chức năng cùng với truyền thông, phổ biến đầy đủ các thông tin về cơ chế, chính sách tới từng người dân thì ngành nông nghiệp, các địa phương, cơ sở gần dân nhất cũng cần có những biện pháp mạnh để đưa chính sách vào cuộc sống, mà ở đó, phải xác định rõ thị trường, sản phẩm để phát triển nông sản bền vững hơn!

Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa thu hoạch dưa hấu, thanh long và nhiều loại nông sản, trái cây khác là khu vực biên giới đất liền giữa Việt Nam - Trung Quốc lại xảy ra tình trạng ùn ứ hàng trăm, hàng nghìn xe hàng chờ được xuất khẩu. Chỉ cần có một động thái nào đó như chậm thông quan hay đối tác “bỏ mối”, hạ giá… là nguy cơ phải chở ngược về “cầu cứu” người tiêu dùng trong nước “hỗ trợ”, thậm chí phải đổ đi vì thối ruỗng, hư hỏng.

Và cũng đã nhiều năm nay, người ta chứng kiến sự vào cuộc rất nhiệt tình của các hệ thống phân phối bán lẻ, trung tâm thương mại, siêu thị “chung tay”, đồng lòng hỗ trợ bán hàng “không lợi nhuận” - với mong muốn giảm tối đa thiệt hại cho người nông dân.

Nguyên Long

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/xac-dinh-thi-truong-de-khong-can-giai-cuu-nong-san-166959.html