Xác định rõ trách nhiệm của chính quyền cơ sở

Từ giữa năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các địa phương đóng cửa rừng tự nhiên, thế nhưng thời gian gần đây, tình trạng phá rừng, vận chuyển gỗ trái phép trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên không những không dừng lại, thậm chí còn ở mức 'nóng' thêm. Hậu quả là khiến hàng trăm héc-ta rừng bị tàn phá, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân...

Rừng tiếp tục bị tàn phá

Theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn Tây Nguyên có hơn 3,3 triệu héc-ta, trong đó diện tích rừng là 2,5 triệu héc-ta, chiếm 76,21%. Thời gian gần đây, mặc dù các cấp chính quyền và ngành chức năng trên địa bàn Tây Nguyên có nhiều giải pháp quyết liệt, nhưng tình trạng phá rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn Tây nguyên, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý hơn 1.660 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Ở Đắc Lắc, các cơ quan đã phát hiện, xử lý 735 vụ, trong đó có 30 vụ phá rừng trái pháp luật; 83 vụ khai thác rừng trái phép; 367 vụ vận chuyển, mua bán trái phép gỗ, lâm sản; 255 vụ vi phạm khác. Cơ quan chức năng đã xử lý 710 vụ, tịch thu hơn 1.089m3gỗ các loại và 358 phương tiện, thu nộp ngân sách hơn 3,5 tỷ đồng. Tại Kon Tum, “điểm nóng” phá rừng tập trung ở các huyện: Kon Plông, Kon Rẫy, Tu Mơ Rông và Ngọc Hồi. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng của tỉnh Kon Tum đã phát hiện 257 vụ vi phạm, xử lý 242 vụ, trong đó xử lý hành chính 237 vụ và khởi tố 5 vụ án. Trên địa bàn tỉnh Gia Lai, tình trạng phá rừng cũng có những diễn biến phức tạp, nhất là ở các huyện: Mang Yang, Kông Chro, Chư Pah và Kbang. Đến nay, cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai đã phát hiện 285 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; đã khởi tố hình sự 8 vụ, xử lý hành chính 269 vụ; tạm giữ và tịch thu 627m3 gỗ các loại, nộp ngân sách Nhà nước số tiền hơn 1,5 tỷ đồng.

Có mặt xã Lơ Ku, huyện Kbang (Gia Lai) vào chiều 23-8, chúng tôi chứng kiến hàng chục héc-ta rừng tự nhiên nơi đây bị triệt hạ, hàng trăm thân gỗ đường kính từ 10cm đến 40cm nằm ngổn ngang đã bị đốt cháy, nhiều cây to được cắt khúc vuông vắn để lấy gỗ, trên thân gỗ còn ghi số điện thoại của chủ gỗ. Điều bất thường ở đây là rừng bị triệt phá chỉ cách trụ sở UBND xã Lơ Ku khoảng 1,5km. Sau khi tiếp nhận thông tin về vụ việc phá rừng tại xã Lơ Ku, ông Phạm Xuân Trường, Phó chủ tịch UBND huyện Kbang cho biết: "Sẽ tổ chức lực lượng kiểm tra, đánh giá hiện trạng ngay. Nếu vụ việc nghiêm trọng sẽ báo cáo lên cấp trên để có hướng chỉ đạo xử lý. Quan điểm của huyện là không bao che, xử lý đúng người, đúng tội".

Tăng cường bám rừng, bám địa bàn trọng điểm

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kiên quyết ngăn chặn tình trạng phá rừng, cấp ủy, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên đã quán triệt và triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp. UBND tỉnh Kon Tum và Đắc Nông chỉ đạo triển khai lực lượng kiểm lâm chủ động bám rừng, nắm chắc các địa bàn trọng điểm về phá rừng, vận chuyển gỗ lậu, đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý dứt điểm các vụ án phá rừng. Tại Gia Lai, ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp đi kiểm tra, thị sát những cánh rừng bị tàn phá, nắm tình hình cụ thể và chỉ đạo UBND các huyện để xảy ra tình trạng phá rừng phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân có liên quan, với quan điểm “địa phương nào để mất rừng” thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Nhĩ, Chi cục trưởng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai cho biết: “Với quan điểm kiên quyết bảo vệ rừng, xử lý nghiêm những cán bộ liên quan đến phá rừng, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã kỷ luật 5 cán bộ kiểm lâm. Để giải quyết dứt điểm những "điểm nóng", đơn vị trực tiếp tổ chức lực lượng kiểm tra và tham mưu cho UBND tỉnh thành lập các đoàn liên ngành để kiểm tra và xử lý nghiêm các vụ vi phạm. Do địa bàn rộng, dân cư thưa, địa hình đồi núi hiểm trở nên đội ngũ cán bộ kiểm lâm và ban quản lý rừng tích cực chủ động bám rừng, bám dân, làm tốt công tác tuyên truyền, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý kiên quyết những phần tử phá rừng, hoặc tiếp tay cho hoạt động phá rừng”.

Phải khẳng định rằng, mặc dù chính quyền các địa phương khu vực Tây Nguyên đã có những giải pháp quyết liệt, nhưng trên thực tế, tình trạng phá rừng, khai thác gỗ trái phép trên địa bàn vẫn diễn biến khá phức tạp. Để kịp thời ngăn chặn tình trạng trên, chúng tôi cho rằng, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động người dân tham gia, vấn đề có ý nghĩa quyết định là phải gắn trách nhiệm bảo vệ rừng, quản lý rừng cho cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là người đứng đầu. Không thể cứ đổ lỗi mãi cho việc lực lượng mỏng, địa bàn rộng để chính quyền cơ sở buông lỏng công tác quản lý. Thực tế cho thấy, chỉ khi nào chính quyền cơ sở, nhất là cấp xã và huyện phát huy hết trách nhiệm, coi việc bảo vệ rừng là nhiệm vụ chính trị của địa phương; đồng thời huy động được quần chúng nhân dân tham gia thì khi đó tình trạng phá rừng, khai thác gỗ trái phép mới được chấm dứt.

LÊ QUANG HỒI

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/xac-dinh-ro-trach-nhiem-cua-chinh-quyen-co-so-547927