Xác định rõ hơn trách nhiệm giám định tư pháp của từng cơ quan trong trường hợp cần phối hợp

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vừa tổ chức tọa đàm về việc thực hiện giám định tư pháp trong trường hợp cần phối hợp nhiều cơ quan tổ chức, nhằm góp ý kiến sửa đổi Luật Giám định tư pháp (GĐTP).

Tại phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến về trưng cầu giám định trong trường hợp cần có sự phối hợp giữa nhiều cơ quan, tổ chức, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành phương án giao các cơ quan phối hợp rà soát kỹ, hoàn thiện Dự luật theo hướng xác định rõ trách nhiệm của người trưng cầu giám định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức được giao chủ trì và các cơ quan, tổ chức tham gia thực hiện giám định.

Phát biểu tại tọa đàm, Thượng tá Lê Đức Trường – đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an khẳng định: Kết luận giám định là nguồn chứng cứ rất quan trọng, có những trường hợp không thể thiếu để làm căn cứ đánh giá, kết luận điều tra vụ án tham nhũng, kinh tế, buôn lậu.

Thời gian qua, hầu hết các vụ án tham nhũng, kinh tế thuộc diện theo dõi, chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đều phải sử dụng triệt để quy định về những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định theo Thông tư liên tịch số 1 năm 2017 của các cơ quan tư pháp Trung ương.

Các chuyên gia pháp lý thảo luận tại tọa đàm.

Các chuyên gia pháp lý thảo luận tại tọa đàm.

Trong đó, ông Trường cho hay, có nhiều vụ việc nội dung giám định liên quan đến nhiều lĩnh vực thuộc trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, rất phức tạp nên giám định viên từng mảng phải có cơ chế để thường xuyên trao đổi, phối hợp với nhau thực hiện nội dung giám định mới có thể kết luận giám định được chính xác, khách quan.

Ông dẫn chứng, vụ cố ý làm trái, tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí (PVN) và Tổng Cty CP xây lắp dầu khí (PVC) cần sự tham gia của cả giám định viên Bộ Kế hoạch và đầu tư và Bộ Xây dựng khi giám định thiệt hại của việc thực hiện dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Qua đó, giám định viên xây dựng kết luận được các nhà thầu sử dụng sai mục đích số tiền hơn 1.100 tỷ đồng được tạm ứng. Giám định viên tài chính tính được số tiền gây thiệt hại do hành vi của các đối tượng là gần 120 tỷ đồng, là tiền lãi số tiền tạm ứng bị sử dụng sai mục đích.

Bên cạnh đó, ông Trường cho hay, có một số trường hợp các cơ quan có biểu hiện đùn đẩy, né tránh trách nhiệm giám định, dẫn đến có vụ việc sau 21 tháng từ khi có quyết định trưng cầu mới có kết luận giám định.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu nhấn mạnh, thực tiễn công tác giám định có nhiều trường hợp liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên môn thuộc trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức.

Cách xử lý khi nội dung giám định liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau thì ưu tiên hàng đầu vẫn là tách ra, giao trách nhiệm giám định cho từng cơ quan, qua đó bảo đảm tính chính xác, nhanh chóng của việc thực hiện giám định. Chỉ trong một số trường hợp rất hạn hữu, cá biệt với những điều kiện riêng thì sẽ tiến hành việc cùng giám định bằng cách giao cho 1 tổ chức chủ trì, các tổ chức khác phối hợp.

Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho rằng, cách tiếp cận của dự thảo Luật là với các trường hợp hạn hữu thì cần nghiên cứu kỹ, quy định thật rõ những tiêu chí không tách được các nội dung giám định. Đồng thời, cần xác định rõ hơn trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, điều kiện tiên quyết để tránh đùn đẩy trách nhiệm, quy định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, nội dung giám định nào do cơ quan nào tiến hành thì sau mới dễ xác định trách nhiệm.

Một số ý kiến cho rằng, cần xác định rõ hơn trách nhiệm của cơ quan trưng cầu giám định trong việc phải trưng cầu đúng và cung cấp đủ tài liệu, cũng như ràng buộc trách nhiệm của cơ quan được trưng cầu phải cử người giám định, thực hiện trưng cầu, đồng thời chỉ rõ trách nhiệm cá nhân trong trường hợp Bộ, ngành từ chối giám định.

Bên cạnh đó, theo một số đại biểu, hiện nay, quan hệ phối hợp giữa cơ quan trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định và cá nhân, tổ chức giám định tư pháp chưa thường xuyên, chặt chẽ. Trên thực tế, khó xác định cơ quan, đơn vị đầu mối do vấn đề cần giám định phức tạp, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị.

Vì vậy, Dự luật sửa đổi cần bổ sung làm rõ hơn quy định mang tính nguyên tắc về căn cứ, cách thức trưng cầu giám định và cơ sở lựa chọn cơ quan tiến hành giám định tại điểm a, khoản 2, Điều 25 dự thảo Luật.

Đồng thời, quy định phân cấp trong tiếp nhận trưng cầu và thực hiện giám định ở cấp huyện, cấp tỉnh đối với những vụ việc đơn giản nhằm giảm tải cho các cơ quan ở cấp Trung ương; bổ sung quy định về xử lý đối với cơ quan trưng cầu giám định và giám định viên khi có vi phạm trong quá trình giám định…

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/xac-dinh-ro-hon-trach-nhiem-giam-dinh-tu-phap-cua-tung-co-quan-trong-truong-hop-can-phoi-hop-181178.html