Xác định rõ giải pháp khắc phục

Thành phố Hà Nội đã đạt được kết quả khả quan ở nhiều chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền. Tuy nhiên, một số chỉ số nội dung còn thấp, thậm chí sụt giảm trong năm 2018. Nhằm tiếp tục giữ thứ hạng cao và khắc phục tồn tại, hạn chế, ngày 7-6-2019, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-UBND 'Về đẩy mạnh các giải pháp nhằm nâng cao các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền thành phố Hà Nội', trong đó nêu rõ các giải pháp, thời gian khắc phục.

Bộ phận “một cửa” của UBND quận Thanh Xuân thực hiện tốt việc công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho tổ chức, công dân. Ảnh: Viết Thành

Bộ phận “một cửa” của UBND quận Thanh Xuân thực hiện tốt việc công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho tổ chức, công dân. Ảnh: Viết Thành

Tăng bậc, nhưng chưa đều

Kết quả các chỉ số đánh giá năng lực hoạt động năm 2018 thành phố Hà Nội đạt được cho thấy hiệu quả từ những nỗ lực của thành phố trong 5 năm qua. Trong đó, Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) liên tiếp hai năm (2017, 2018) đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2018 tăng 16 bậc so với năm 2017; Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 tăng 4 bậc so với năm 2017, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành; Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2018 tăng 2 bậc so với năm 2017...

Tuy nhiên, qua các chỉ số đánh giá cũng cho thấy còn nhiều hạn chế, tồn tại cần sớm được khắc phục. Điển hình như Chỉ số PAPI năm 2018 của Hà Nội tuy đã tăng 2 bậc so với năm 2017 nhưng đang ở nhóm các địa phương xếp hạng thấp nhất cả nước.

Trong đó, có 3/6 chỉ số nội dung: “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”, “Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định”, “Cung ứng dịch vụ công” bị đánh giá ở nhóm trung bình thấp; 2 chỉ số: “Trách nhiệm giải trình với người dân”, “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” ở nhóm thấp nhất.

Tương tự, trong Chỉ số SIPAS có một số chỉ số thành phần đánh giá ở mức độ thấp như: Việc giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước; tiếp nhận, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị... Thậm chí, trong Chỉ số PCI, chỉ số nội dung “Tính minh bạch” sụt giảm tới 18 bậc so với năm 2017, xếp thứ 55/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương...

Theo ông Lê Tuấn Anh (Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư - Bộ Tài chính), nguyên nhân chính dẫn đến các hạn chế, tồn tại trên là do Hà Nội gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng khi triển khai các dự án đầu tư. Cùng với đó là các nguyên nhân chủ quan như việc một số dự án phải điều chỉnh thiết kế; chậm bố trí vốn; vướng mắc về thủ tục hành chính; cán bộ, công chức chưa làm hết trách nhiệm được giao...

Thực tế trên địa bàn thành phố hiện nay, dự án đường sắt đô thị Hà Nội đoạn Nhổn - Ga Hà Nội mới giải ngân được khoảng 33% tổng vốn đầu tư. Hay như vướng mắc trong giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục; dự án quốc lộ 1A đoạn qua huyện Thanh Trì... dẫn đến việc giải ngân vốn thấp và phải điều chỉnh tiến độ, hiệu quả kinh tế - xã hội không như mong muốn là ví dụ điển hình.

Ngoài ra, kết quả khảo sát PAPI năm 2018 cho thấy, nhiều người dân đánh giá thấp việc quy hoạch, sử dụng đất, ban hành giá đất của thành phố Hà Nội. Bên cạnh đó, việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân ở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu. Vấn đề này thấy rõ qua các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND thành phố tại cơ sở, khi ý kiến, đơn thư về đất đai vẫn chiếm tỷ lệ khoảng 60-70%.

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành Chỉ thị số 09/CT-UBND “Về đẩy mạnh các giải pháp nhằm nâng cao các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền thành phố Hà Nội”.

Trong Chỉ thị, cùng với yêu cầu các cấp, ngành thực hiện hiệu quả các quyết định, kế hoạch mà thành phố đã ban hành liên quan đến các chỉ số kết quả thấp nêu trên, Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu thực hiện đầy đủ, nghiêm túc việc công khai, minh bạch thông tin người dân cần biết và được biết theo đúng quy định.

Đặc biệt, các sở, ngành như Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Nội vụ, Sở Tài nguyên và Môi trường…; UBND các quận, huyện, thị xã phải chỉ rõ đâu là nguyên nhân khách quan, đâu là nguyên nhân chủ quan dẫn đến các chỉ số chưa đạt yêu cầu; từ đó cập nhật, hướng dẫn toàn bộ các quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các chính sách, thủ tục hành chính... trên trang thông tin điện tử của đơn vị; kịp thời xử lý, chỉ đạo giải quyết nhanh và đúng thẩm quyền các khiếu nại, tố cáo... Các khâu trên đều phải rõ thời gian, tiến độ thực hiện và giải pháp khắc phục.

Hà Nội tiếp tục nỗ lực nâng Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức. Ảnh: Nhật Nam

Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, thực hiện Chỉ thị số 09/CT-UBND của UBND thành phố Hà Nội, Sở đã phối hợp với các chủ đầu tư hoàn thành điều chỉnh tiến độ dự án nhằm bảo đảm điều kiện giải ngân kế hoạch vốn giao năm 2019.

“Sở Kế hoạch - Đầu tư cùng Sở Nội vụ và Thanh tra thành phố sẽ kiểm tra công vụ các chủ đầu tư sử dụng vốn ngân sách có số vốn giải ngân 3 tháng liên tiếp thấp hơn mức giải ngân chung của thành phố, hoặc 2 tháng liền không thực hiện chế độ báo cáo theo quy định, qua đó góp phần đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn”, ông Nguyễn Mạnh Quyền thông tin.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc nâng các chỉ số đánh giá, hiện nhiều sở, quận, huyện đang xây dựng kế hoạch triển khai Chỉ thị số 09/CT-UBND. Theo Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Quang Hiếu, quận đặc biệt quan tâm tới việc nâng cao Chỉ số PAPI. Vì vậy, quận yêu cầu trưởng các phòng, ban, đơn vị, chủ tịch UBND các phường tăng cường sự chỉ đạo toàn diện, thống nhất trong thực hiện các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp để góp phần nâng cao Chỉ số PAPI của quận và thành phố.

Với huyện Thanh Trì, công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo tiếp tục được chú trọng. Chủ tịch UBND Thanh Trì Vũ Văn Nhàn cho biết: “Chúng tôi sẽ quán triệt, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ chuyên môn, nhất là những người trực tiếp tiếp công dân. Đồng thời, huyện sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra việc giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh đối với các trường hợp làm sai quy định”.

Để thực hiện tốt Chỉ thị số 09/CT-UBND, các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã, UBND xã, phường, thị trấn có thể tham khảo, học hỏi kinh nghiệm từ chính các đơn vị bạn đã làm tốt để có giải pháp phù hợp, góp phần vào việc nâng cao các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền thành phố Hà Nội trong năm 2019.

Ngày 19-6, UBND thành phố Hà Nội cũng ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND về việc nâng cao Chỉ số PCI năm 2019. Một nội dung quan trọng được nêu rõ là thành phố khuyến khích sáng kiến, mô hình tốt trong triển khai nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và coi đây là một trong những giải pháp đột phá để cải thiện những chỉ tiêu đánh giá về cán bộ công chức của thành phố...

Phong Thu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/938364/xac-dinh-ro-giai-phap-khac-phuc