Xác định quyền truy cập CSDL quốc gia về dân cư của các bộ, ngành, địa phương

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình vừa chỉ đạo Bộ Công an căn cứ vào nhu cầu của các bộ, ngành, địa phương, xác định quyền truy cập của các bộ, ngành, địa phương trong việc khai thác, sử dụng thông tin tại Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư.

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu phải bảo đảm mọi công dân Việt Nam đều được cấp số định danh cá nhân và được hưởng đầy đủ các chính sách như: học tập, chăm sóc sức khỏe, quyền về cư trú và quyền về tài sản... (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình tại cuộc họp ngày 9/2/2017 đánh giá kết quả công tác và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Ban chỉ đạo thực hiện “Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020” (Đề án 896).

Theo thông báo, Phó Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi các nội dung liên quan đến tổ chức của Ban Chỉ đạo và Văn phòng Ban Chỉ đạo được giao tại Quyết định 896/QĐ-TTg. Theo đó, giao Bộ Công an là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Đề án 896 và Văn phòng Ban Chỉ đạo để triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới.

Bộ Công an được yêu cầu báo cáo Thủ tướng Chính phủ để kiện toàn tổ chức Ban Chỉ đạo và Văn phòng Ban Chỉ đạo nhằm nâng cao trách nhiệm của từng cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ; đồng thời, tiếp thu ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo và hoàn thiện dự thảo Kế hoạch năm 2017 trình Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án 896 ký ban hành để làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch triển khai Đề án.

Văn phòng Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm nghiên cứu, hoàn thiện và sớm trình Ban Chỉ đạo ban hành văn bản hướng dẫn việc thành lập Ban Chỉ đạo tại các địa phương để làm cơ sở cho địa phương thực hiện một cách đồng bộ.

Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ KH&ĐT, Tài chính phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng ( Tập đoàn Viettel ) để xử lý kịp thời, dứt điểm những vướng mắc trong thực hiện các thủ tục liên quan đến việc bố trí nguồn vốn và giải ngân trong xây dựng CSDL quốc gia về dân cư .

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cũng giao Bộ Công an và Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện, phát huy, mở rộng số lượng địa phương được triển khai cấp số định danh cá nhân, bảo đảm các thông tin của công dân được thu thập chính xác, số định danh cá nhân được cấp theo quy trình khoa học và đúng quy định.

Cùng với việc yêu cầu Bộ Công an căn cứ vào nhu cầu của các bộ, ngành, địa phương, xác định quyền truy cập của các bộ, ngành, địa phương trong việc khai thác, sử dụng thông tin tại CSDL quốc gia về dân cư, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ: Công an, KH&ĐT, Tài chính và TT&TT nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình xây dựng CSDL hộ tịch điện tử, bảo đảm sự kết nối và đồng bộ với CSDL quốc gia về dân cư.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu tiếp thu các ý kiến rà soát độc lập của Văn phòng Ban Chỉ đạo để bảo đảm chất lượng rà soát, xây dựng dự thảo Nghị quyết đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân theo Đề án 896 và trình Chính phủ.

Trong quá trình thực thi phương án đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân, cần dự liệu những vướng mắc phát sinh trong việc cấp số định danh cá nhân cho những người ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, kiều bào ta ở nước ngoài, bảo đảm mọi công dân Việt Nam đều được cấp số định danh cá nhân và được hưởng đầy đủ các chính sách như học tập, chăm sóc sức khỏe, quyền về cư trú và quyền về tài sản…

Đề án tổng thể đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân và các CSDL liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 8/6/2013, theo Quyết định 896/QĐ-TTg. Mục tiêu của Đề án là tạo sự đổi mới căn bản về tổ chức, hoạt động quản lý nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại, phù hợp với điều kiện của Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thông lệ quốc tế; đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp nhằm đơn giản hóa TTHC, giảm giấy tờ công dân, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; đồng thời góp phần phát triển Chính phủ điện tử.

M.T

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/cntt/nuoc-manh-cntt/xac-dinh-quyen-truy-cap-csdl-quoc-gia-ve-dan-cu-cua-cac-bo-nganh-dia-phuong-149491.ict