Xác định năng suất nhân tố tổng hợp của các doanh nghiệp thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc

Nguyễn Thị Thu Hà (Trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên)

TÓM TẮT:

Miền núi phía Bắc gồm 14 tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc và Đông Bắc. Khu vực này có điều kiện địa lý phức tạp, song lại có trữ lượng tài nguyên khoáng sản tương đối lớn có một số cửa khẩu tiếp giáp với Lào, Trung Quốc và điều kiện tự nhiên rất thuận lợi để phát triển cây công nghiệp, chăn nuôi và du lịch. Tuy kinh tế đã có bước phát triển trong quá trình đổi mới, song khu vực này vẫn có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất so với các khu vực khác của cả nước.

Để khai thác có hiệu quả các nguồn lực, tranh thủ các lợi thế để phát triển, cần nâng cao năng suất, đặc biệt là năng suất nhân tố tổng hợp (Total Factor Productivity - TFP) để phát huy các nhân tố vô hình song song với các nguồn lực hữu hình vào tổ chức quản lý, sản xuất kinh doanh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bài viết khái quát tình hình phát triển, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, phương pháp luận và số liệu dùng để đo lường năng suất nhân tố tổng hợp, từ kết quả thực nghiệm đưa ra kết luận và khuyến nghị một số giải pháp thúc đẩy việc gia tăng năng suất nhân tố tổng hợp của các tỉnh miền núi phía Bắc.

Từ khóa: Năng suất nhân tố tổng hợp, các tỉnh miền núi phía Bắc, tăng trưởng kinh tế.

1. Giới thiệu

Năng suất nhân tố tổng hợp - TFP là chỉ tiêu phản ánh hiệu quả sản xuất nhờ vào tác động của yếu tố vô hình tham gia vào quá trình sản xuất, cùng các yếu tố hữu hình (vốn, lao động hoặc tài nguyên thiên nhiên,…). Năng suất nhân tố tổng hợp - TFP (Total Factor Productivity) phản ánh chiều sâu quá trình tăng trưởng (thông qua tốc độ tăng TFP). Ở góc độ 1 ngành hay trên phạm vi toàn bộ nền kinh tế quốc dân, tăng trưởng dựa vào tăng năng suất các nhân tố tổng hợp mới đảm bảo sự ổn định và bền vững, có tính cạnh tranh, tạo tiền đề để mở rộng sản xuất và góp phần cải thiện đời sống của người lao động và nhân dân (Tăng Văn Khiên, 2005).

Tăng trưởng TFP thể hiện tăng trưởng năng suất không kèm theo tăng trưởng đầu vào là loại tăng trưởng tốt nhất để hướng đến sự gia tăng đầu ra. Có nhiều cách thức đo lường tăng trưởng năng suất nhân tố tổng hợp: phương pháp hạch toán tăng trưởng, tiếp cận biên ngẫu nhiên, sử dụng chỉ số đa chiều, hồi quy tăng trưởng,… Mỗi phương pháp, cách tiếp cận đều phải dựa trên những giả định và mô hình. Vì vậy, tùy thuộc vào bộ số liệu và đối tượng nghiên cứu mà mỗi nhà nghiên cứu lựa chọn phương pháp đo lường phù hợp.

Khu vực miền núi phía Bắc tuy có nhiều lợi thế để phát triển lĩnh vực công nghiệp khai khoáng, nông nghiệp, du lịch và trao đổi thương mại, nhưng trên thực tế, số doanh nghiệp hoạt động, tốc độ tăng số doanh nghiệp cũng như mật độ doanh nghiệp trên 1.000 dân tại các địa phương khu vực miền núi còn hạn chế. Số doanh nghiệp thành lập mới năm 2018 trên toàn bộ khu vực là 5.271 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký 47.157 tỷ đồng. Con số này chỉ cao hơn khu vực Tây Nguyên.

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động vào năm 2018 là 1.323 doanh nghiệp; Tổng số doanh nghiệp hoạt động có kết quả kinh doanh đến ngày 31/12/2017 của toàn khu vực là 22.665 doanh nghiệp với tổng số lao động là 875.079 người. Chỉ có Bắc Giang, Phú Thọ và Thái Nguyên thuộc nhóm có số lượng ở mức trung bình, các tỉnh còn lại thuộc nhóm dưới, trong đó 7 tỉnh có số lượng doanh nghiệp thấp nhất cả nước (gồm: Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái).

Tốc độ tăng số lượng doanh nghiệp, mật độ doanh nghiệp trên 1.000 dân ở khu vực này cũng ở mức thấp so với cả nước. Số lao động và tốc độ tăng số lao động của các doanh nghiệp ở khu vực này cũng thấp nhất so với các địa phương khác của cả nước. Do đó, trừ Bắc Giang, Phú Thọ và Thái Nguyên, các địa phương khác có mức doanh thu thuần của doanh nghiệp cũng ở nhóm thấp nhất cả nước. Mức thu nhập bình quân 1 lao động trong doanh nghiêp năm 2017 là 6.984.000 đồng.

Tuy nhiên, cá biệt có địa phương mức thu nhập bình quân của 1 lao động trong doanh nghiệp là 4,3 triệu đồng/tháng như ở Điện Biên. Mức thu nhập thấp làm ảnh hưởng đến đời sống của người lao động và các phúc lợi xã hội mà họ được hưởng. Tỷ lệ nữ lao động trong các doanh nghiệp đạt mức tương đối cao so với đạt 49,7% với các khu vực khác. Nguồn vốn của tất cả các doanh nghiệp đến năm 2017 là 1.081.703 tỷ đồng, chỉ cao hơn so với khu vực Tây Nguyên.

Mức trang bị vốn bình quân cho 1 lao động của doanh nghiệp trong khu vực miền núi phía Bắc là 1.174 triệu đồng, chỉ cao hơn so với mức trung bình của doanh nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long. Giá trị tài sản cố định và đầu tư dài hạn của các doang nghiệp đạt 486.409 tỷ đồng, doanh thu thuần của doanh nghiệp theo địa phương đạt 1.297.222 tỷ đồng, cũng chỉ cao hơn khu vực thấp nhất là Tây Nguyên.

Lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp đạt 72.119 tỷ đồng (riêng tỉnh Thái Nguyên là 65.930 tỷ đồng do có sự đóng góp chủ yếu từ công ty Samsung; Bắc Giang đạt 3.296 tỷ đồng; có 6/14 tỉnh của khu vực có lợi nhuận trước thuế âm, các tỉnh còn lại có lợi nhuận trước thuế cũng ở mức trung bình và thấp), do đó kéo theo mức đóng góp cho ngân sách nhà nước bị hạn chế.

Tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh có lãi trong giai đoạn 2011-2015 là tương đối cao, đạt 61,4% nhưng lại giảm xuống còn 59,6 % và 56,9% vào năm 2016 và 2017. Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh không có lãi trong giai đoạn 2011-2015 là 28,5 % và tăng lên tương ứng vào năm 2016, năm 2017 là 35,8% và 37,5%.

Như vậy, dựa trên số liệu chính về số lao động, mức trang bị vốn và số lượng và kết quả hoạt động của các doanh nghiệp thuộc khu vực còn nhiều hạn chế, do đó cần phải đo lường TFP để xác định mức độ đóng góp của TFP vào kết quả hoạt động của doanh nghiệp, từ đó thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp. Trên cơ sở phân tích và so sánh giữa các địa phương gắn với các điều kiện cụ thể, tác giả đề xuất một số ý kiến đối với cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp.

Phương pháp và số liệu nghiên cứu 2.1. Phương pháp đo lường TFP

Để ước lượng TFP cho các doanh nghiệp trong khu vực miền núi phía Bắc, bài viết sử dụng phương pháp bán tham số (khắc phục tính nội sinh của các yếu tố đầu vào). Phương pháp này được phát triển để giải quyết những chệch do tính đồng thời tiềm năng nảy sinh trong các ước lượng hàm sản xuất. Phương pháp sử dụng hàm sản xuất Cobb-Douglass dưới dạng logarit như sau:

Yt = β0 + β1.lt + β2.kt + βi.it + ωt + ηt’ (1)

Trong đó: yt là đầu ra

lt là đầu vào lao động

kt là lượng vốn

it là các đầu vào trung gian

ωt là số hạng sai số theo nhà máy. Thành phần này nhà kinh tế lượng không quan sát được, nhưng các nhà quản lý doanh nghiệp nắm bắt được sự tác động của nó lên các quyết định sản xuất;

ηt’ là thành phần phân phối chuẩn đồng nhất, độc lập. Thành phần này không tác động gì lên các quyết định sản xuất của doanh nghiệp.

Để khắc phục tính nội sinh của các đầu vào trong việc ước lượng hàm sản xuất

Xét hàm sản xuất Cobb-Douglas sau đây:

(4)

Ở đây, yit là log của giá trị gia tăng, kit là log của tư bản, là log của lao động lành nghề, và là log của lao động không lành nghề. Các số hạng wit và eit nhà kinh tế lượng không quan sát được, nhưng các công ty có thể quan sát được wit . Điều này dẫn đến một vấn đề do tính đồng thời, vì wit có thể tương quan với lựa chọn tư bản và lao động. Levinsohn và Petrin (2003) giả thiết rằng mit = mit(kit,wit), ở đây mit là đầu vào trung gian, và chỉ ra rằng quan hệ này là đơn điệu tăng theo wit. Do vậy, hàm đầu vào trung gian có thể đảo lại để thu được wit = wit(kit,mit). Khi đó, phương trình (4) trở thành:

Ở đây f(kit,mit) = bkkit + wit(kit,mit). Ước lượng Levinsohn và Petrin đòi hỏi hai bước. Trong bước thứ nhất, phương trình (5) được ước lượng khi xử lý f(kit,mit) bằng cách phi tham số, cho ta các ước lượng đối với các đầu vào lao động. Bước thứ hai xác định bk. Giả thiết rằng wit theo một quá trình Markov cấp một: wit = E[wit|wit-1] + xit, và cho rằng kit được quyết định tại t – 1, thì E[xit| kit] = 0, mà điều này kéo theo xit và kit không tương quan. Điều kiện moment này sau đó được sử dụng để ước lượng độ co giãn của tư bản bk. Như trong Levinsohn và Petrin (2003), tác giả sử dụng giả thiết điện là đầu vào trung gian cho phép xác định độ co giãn của tư bản. Cuối cùng, TFP được tính toán là:

2.2. Số liệu nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng số liệu từ kết quả điều tra doanh nghiệp hàng năm của Tổng cục Thống kê từ năm 2000 đến năm 2015. Các thông tin chủ yếu như loại hình doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh, số lượng lao động, tài sản, khấu hao tài sản cố định, giá trị xây dựng dở dang, doanh thu, lợi nhuận và thu nhập của người lao động, lương, thưởng, khoản đóng bảo hiểm xã hội, nghĩa vụ tài chính. Các đầu vào và đầu ra đã được giảm phát. Nghiên cứu này sử dụng mẫu cân đối gồm các doanh nghiệp xuất hiện trong cả 15 năm từ năm 2000 đến năm 2015.

Các doanh nghiệp có số năm hoạt động, tổng thu nhập, tổng tài sản, lao động không dương bị loại đi. Các doanh nghiệp được lựa chọn nghiên cứu thuộc các ngành sản xuất vật chất và cung cấp dịch vụ cơ bản được lựa chọn vào trong mẫu. Mẫu nghiên cứu gồm 1.558 doanh nghiệp trong 14 tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, các doanh nghiệp của tỉnh Bắc Cạn không đủ điều kiện nên đã bị loại khỏi mẫu. Do đó, nghiên cứu xác định kết quả ước lượng TFP cho khu vực miền núi phía Bắc với 13 tỉnh.

Giá trị gia tăng trong nghiên cứu này được sử dụng để tính năng suất nhân tố tổng hợp. Giá trị gia tăng được tính dựa vào hiệu của tổng giá trị sản lượng với các đầu vào trung gian. Vì bộ dữ liệu không có sẵn chi phí sản xuất để tính đầu vào trung gian nên áp dụng cách tính của Tổng cục Thống kê theo phương pháp thu nhập để tính giá trị gia tăng bao gồm hai thành phần là thu nhập của người lao động và chi phí thuê vốn. Phương pháp xác định thu nhập của người lao động và vốn được thực hiện riêng biệt.

Các đầu vào trung gian được dùng làm biến điều khiển để ước lượng năng suất nhân tố tổng hợp theo kỹ thuật bán tham số và được xác định bằng việc lấy tổng doanh thu trừ đi giá trị gia tăng ở giá cố định. Phương pháp được trình bày áp dụng cho ngành công nghiệp chế tác bao gồm các ngành cấp 2. Phân ngành theo bảng phân ngành được sử dụng trong các bảng đầu vào - đầu ra của Việt Nam năm 2005.

3. Kết quả thực nghiệm

Sử dụng phương pháp bán tham số (khắc phục tính nội sinh của các yếu tố đầu vào), tác giả thực hiện ước lượng TFP cho các doanh nghiệp trong khu vực miền núi phía Bắc với 1559 quan sát là các doanh nghiệp cho kết quả trung bình của cả khu vực miền núi phía Bắc đạt 3.790.057 và năng suất nhân tố tổng hợp trung bình của các doanh nghiệp cho các tỉnh như sau:

Với kết quả tính toán năng suất nhân tố tổng hợp trung bình của các doanh nghiệp trong khu vực cũng như của các doanh nghiệp thuộc từng địa phương, ta thấy: So sánh với giá trị trung bình của toàn khu vực miền núi phía Bắc 3.790.057,TFP trung bình của các doanh nghiệp thuộc tỉnh Lai Châu cao hơn hẳn, đạt 5.725.727. Song, kết quả này chưa phản ánh khách quan do chỉ quan sát 6 doanh nghiệp để tính toán TFP.

Hơn nữa, những doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia khảo sát là những doanh nghiệp hoạt động tốt nhất Điện Biên, nên giá trị TFP trung bình của tỉnh này cao hơn hẳn mức giá trị trung bình của vùng và chưa thể phản ánh được toàn bộ năng lực của các doanh nghiệp khác tại Điện Biên.

Dựa vào kết quả Bảng 1 ta thấy, ngoại trừ tỉnh Điện Biên, nếu so sánh giá trị TFP của các tỉnh với giá trị trung bình thì kết quả chia làm 2 nhóm là các địa phương mà doanh nghiệp có mức TFP cao hơn mức trung bình của toàn khu vực như Hà Giang (4.315.501), Điện Biên (4.986.240), Lào Cai (4.337.007), Sơn La (4.558.330), Hòa Bình (4.622.066), Lạng Sơn (4.548.339) và Cao Bằng (3.840.740); nhóm các địa phương có mức TFP của các doanh nghiệp thấp hơn mức trung bình của khu vực đó là: Tuyên Quang (3.687.858), Yên Bái (3.730.889), Thái Nguyên (3.220.576), Bắc Giang (3.466.083) và Phú Thọ (3.644.557).

Xem xét nhóm thứ nhất có mức TFP của các doanh nghiệp cao hơn mức trung bình của khu vực. Đây là nhóm bao gồm các địa phương có quy mô nền kinh tế nhỏ, mức thu nhập bình quân trên đầu người thấp hơn so với các địa phương khác trong khu vực, nhưng lại có mức TFP cao hơn bởi bản chất TFP chính là phần đóng góp của các nguồn lực ngoài vốn và lao động vào tăng trưởng. Do thế mạnh của các địa phương này không phải là vốn và lao động nên các yếu tố ngoài vốn và lao động sẽ đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Tuy nhiên, với trường hợp của tỉnh Lào Cai, đây là địa phương mới được tái lập, thực hiện mạnh mẽ các cải cách hành chính, có nhiều cơ chế chính sách thu hút nhân tài. Với lợi thế vị trí địa lí tiếp giáp đường biên giới Trung Quốc và các chính sách kinh tế của Lào Cai đã góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh, góp phần gia tăng sự đóng góp của TFP cho tăng trưởng kinh tế.

Đối với nhóm các địa phương có năng suất nhân tố tổng hợp trung bình của các doanh nghiệp thấp hơn mức trung bình của khu vực miền núi phía Bắc là nhóm các tỉnh có mức tăng trưởng kinh tế, thu nhập bình quân trên đầu người và mức trang bị tài sản cố định bình quân cho lao động thuộc loại cao trong vùng. Nguyên nhân của việc có TFP thấp hơn so với mức trung bình là bởi các địa phương này tập trung khai thác hiệu quả các nguồn đầu vào là vốn và lao động chính, vì vậy mức đóng góp của các yếu tố hữu hình đã lấn át sự đóng góp của TFP đối với tăng trưởng.

4. Kết luận

Năng suất nhân tố tổng hợp với ý nghĩa là nhân tố nâng cao kết quả sản xuất mang lại của vốn và lao động thông qua việc cải tiến và đổi mới công nghệ sản xuất, thay đổi phương thức quản lý hiện đại, nâng cao kỹ năng và chất lượng lao động. Nâng cao sự đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng kinh tế chính là đổi mới chất lượng tăng trưởng và đảm bảo phát triển bền vững. Khu vực này, với thế mạnh là tài nguyên nhiên nhiên và khí hậu phù hợp phát triển chăn nuôi và cây công nghiệp song diện tích rộng, mật độ dân số thưa thớt, lao động chủ yếu chưa qua đào tạo nên cần các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Vì vậy, nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến năng suất nhân tố tổng hợp của các doanh nghiệp trong khu vực miền núi phía Bắc có ý nghĩa thúc đẩy sự đóng góp của các nhân tố vô hình trong kết quả tăng trưởng của doanh nghiệp. Kết quả tính toán này đã chỉ ra tại các địa phương có kết quả tăng trưởng thấp với mức trang bị tài sản cố định bình quân thấp và hạn chế về lao động lại có mức đóng góp TFP cao hơn so với các địa phương sử dụng nhiều vốn và lao động. Do đó, tác giả đề xuất một số kiến nghị sau:

4.1. Đối với cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương

Một là, thực hiện các chính sách khuyến khích đổi mới công nghệ, tạo điều kiện và kích thích các doanh nghiệp cải tiến máy móc, trang thiết bị. Điều này sẽ làm giảm khoảng cách công nghệ của các doanh nghiệp.

Hai là, tích cực thực hiện các chính sách cởi mở, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng các gói tín dụng để đầu tư thêm trang thiết bị nhằm gia tăng mức trang bị vốn cho lao động.

Ba là, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai hoạt động đào tạo có hiệu quả nhằm nâng cao kỹ năng chuyên môn và tay nghề cho họ. Điều này vừa giúp doanh nghiệp giảm chi phí, các lao động qua đào tạo sẽ nâng cao năng suất lao động, giúp gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp và đảm bảo mức thu nhập cao cho người lao động.

Bốn là, tiếp tục thực hiện cải cách trong công tác quản lý nhà nước để tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh.

4.2. Đối với doanh nghiệp

Một là, thực hiện xây dựng chiến lược phát triển các nguồn lực về con người, công nghệ, tài chính. Đảm bảo các nguồn lực tham gia vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chính là đảm bảo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động. Trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh luôn chịu sức ép cạnh tranh, nên hình thành chiến lược phát triển nguồn lực là đưa ra tầm nhìn chiến lược về việc đảm bảo cho doanh nghiệp tồn tại. Những chiến lược này dựa trên đánh giá năng lực hiện tại, bối cảnh thị trường và cơ hội mà doanh nghiệp tiếp cận được trên thị trường sẽ xác định rõ mỗi loại nguồn lực có kế hoạch chuẩn bị ra sao, các phương án khai thác nguồn lực phục vụ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp trong tương lai gắn với từng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp.

Hai là, thực hiện đào tạo gắn với hoạt động sản xuất và quản lý. Hoạt động này nâng cao kỹ năng và năng lực cho đội ngũ lao động trong doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp trong khu vực miền Núi phía Bắc có nhiều thuận lợi trong việc đào tạo, bởi vì trong khu vực này có hệ thống các trường chuyên nghiệp, dạy nghề quy mô đứng thứ 3 của cả nước. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần phải chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo để đặt hàng các chương trình đào tạo gắn liền với thực tiễn sản xuất - kinh doanh theo yêu cầu thị trường hàng hóa, dịch vụ.

Ba là, chủ động tiếp cận với các thị trường. Doanh nghiệp không chỉ gắn bó với thị trường tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh công tác nghiên cứu và phát triển để sản phẩm hấp dẫn, thu hút người tiêu dùng, tạo ra cầu mạnh đối với sản phẩm. Đồng thời, doanh nghiệp cần nắm bắt được diễn biến trên thị trường yếu tố sản xuất như công nghệ, lao động, vốn,… để đổi mới, nâng cao chất lượng và trang bị kịp thời cho doanh nghiệp.

Như vậy, thông qua một số đề xuất đối với cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp có thể tạo ra những điều kiện tích cực tác động đến năng suất nhân tố tổng hợp của các doanh nghiệp nhằm gia tăng sự đóng góp của TFP cho tăng trưởng kinh tế của doanh nghiệp, địa phương và của khu vực miền núi phía Bắc. Tuy vậy, nghiên cứu này còn hạn chế là xác định giá trị TFP là phần đóng góp vào doanh thu của doanh nghiệp chưa phản ánh được tỷ phần đóng góp của TFP so với các yếu tố đầu vào khác là lao động và vốn. Các phân tích, đánh giá dựa trên các điều kiện thực tiễn chứ chưa chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng đến TFP của các doanh nghiệp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Tổng cục Thống kê (2016), Niên giám thống kê 2015, Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội 2016.
Tổng cục Thống kê (2017), Niên giám thống kê 2015, Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội 2017.
Tổng cục Thống kê (2017), Niên giám thống kê 2015, Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội 2017.
Tăng Văn Khiên (2005), Nghiên cứu tính chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất các nhân tố tổng hợp ở Việt Nam, Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu đề tài khoa học cấp tổng cục, Tổng cục Thống kê, Hà Nội.
Trang tin điện tử Dân tộc và Miền núi phía Bắc (2018), Tổng quan vùng trung du và miền núi phía Bắc, Truy cập ngày 12/01/2018 từ http:// http://dantocmiennui.vn/xa-hoi/tong-quan-vung-trung-du-va-mien-nui-phia-bac/130664.html.
Levinsohn, James &Petrin, Amil. (2003), ‘Estimating Production Functions Using Input to control for Unobservabale’, Review of Economic Studies, 70(2), pp 317-42.

Evaluating the Total Factor Productivity of enterprises located in Northern mountainous provinces of Vietnam

Nguyen Thi Thu Ha

Thai Nguyen Economics - Finance College

Abstract:

Northern Vietnam consists of 14 provinces and is divided into two sub-regions, namely Northwest and Northeast regions. Northern Vietnam has complex geographical conditions but has relatively large mineral reserves, favorable natural conditions for the development of industrial crops, livestock, farming and tourism, and some border gates to Laos and China. Although Northern Vietnam’s economy has gained some achivements, the regional poverty rate is still the highest in Vietnam. In order to boost the regional economic growth and improve the regional productivity, especially Total Factor Productivity (TFP), it is important for Northern Vietnam to effectively take advantages of its regional intangible and tangible resources, and manage regional production and business activities. This article outlines the development situation, production & business activities of Northern Vietnam, and methodologies and data used to measure the TFP of Northern Vietnam with empirical results in order to draw conclusions and propose some solutions to improve the TFP of Northern Vietnam.

Keywords: Total factor productivity, Northern mountainous provinces, economic growth.

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/xac-dinh-nang-suat-nhan-to-tong-hop-cua-cac-doanh-nghiep-thuoc-cac-tinh-mien-nui-phia-bac-69214.htm