Xác định mức bồi thường oan sai cho người dân ra sao?

Nhiều người thắc mắc nguồn kinh phí để bồi thường vụ việc oan sai do người thi hành công vụ gây ra lấy từ đâu, và số tiền đền bù cho người dân sẽ được tính như thế nào?

Sáng 13/10, ông Lê Tất Hiếu (Viện trưởng VKSND tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết số tiền 1,1 tỷ đồng bồi thường cho gia đình cụ Khổng Văn Đệ, người chịu oan sai năm 1980, đã được giải ngân. VKS đang hoàn tất thủ tục để chuyển số tiền này tới gia đình.

Trước cụ Khổng Văn Đệ, nhiều trường hợp chịu án oan được bồi thường số tiền lớn. Có thể kể tới ông Nguyễn Thanh Chấn (7,2 tỷ đồng), Huỳnh Văn Nén (10 tỷ đồng), Trần Văn Thêm (6,7 tỷ đồng) hay gần đây là cụ Đặng Thị Nga (5,7 tỷ đồng) và 6 người trong gia đình cụ Võ Thị Thương (6 tỷ đồng).

Nhiều người thắc mắc số tiền bồi thường sẽ được lấy từ đâu? Và làm thế nào để xác định được mức đền bù thỏa đáng cho mỗi người?

 Ông Trần Ngọc Chinh (người chịu án oan cùng cụ Khổng Văn Đệ năm 1980) yêu cầu VKS bồi thường gần 13 tỷ đồng và đang yêu cầu TAND tỉnh Vĩnh Phúc giải quyết sự việc. Ảnh: Huy Hoàng.

Ông Trần Ngọc Chinh (người chịu án oan cùng cụ Khổng Văn Đệ năm 1980) yêu cầu VKS bồi thường gần 13 tỷ đồng và đang yêu cầu TAND tỉnh Vĩnh Phúc giải quyết sự việc. Ảnh: Huy Hoàng.

Xác định mức bồi thường như thế nào?

Giải thích vấn đề này, luật sư Hà Trọng Đại (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết Khoản 1, Điều 60 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định Nhà nước có trách nhiệm bố trí một khoản kinh phí trong ngân sách để thực hiện trách nhiệm bồi thường. Kinh phí bồi thường gồm tiền chi trả cho người bị thiệt hại và chi phí cho việc định giá tài sản, giám định thiệt hại.

Căn cứ tính thiệt hại trong tố tụng hình sự được xác định dựa vào những tiêu chí sau:

Thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất là khoản tiền công, tiền lương bị mất trong khoảng thời gian người chịu thiệt hại bị tạm giam, theo Điều 24, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Cụ Khổng Văn Đệ, 97 tuổi. Ảnh: H.L.

Thiệt hại về tinh thần được xác định là 5 ngày lương cơ sở cho một ngày bị giam giữ. Với trường hợp không bị giam giữ, mức bồi thường được xác định là 2 ngày lương cơ sở cho một ngày không bị bắt, tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt.

Trường hợp người bị thiệt hại đã chấp hành xong hình phạt mà sau đó mới có bản án, quyết định xác định người đó thuộc trường hợp được bồi thường, mức bồi thường thiệt hại về tinh thần được xác định là 2 ngày lương cơ sở cho một ngày chưa có bản án, quyết định.

Ví dụ như cụ Khổng Văn Đệ bị bắt giam tổng cộng 833 ngày, mức lương cơ sở hiện tại là gần 68.000 đồng/ ngày. Như vậy số tiền bồi thường tổn thất tinh thần trong thời gian ở tù là khoảng 283 triệu đồng.

Từ ngày cụ ra tù tới khi được xin lỗi công khai là hơn 14.000 ngày. Khoản bồi thường tổn thất tinh thần trong thời gian này là hơn 1,9 tỷ đồng.

Đối với các chi phí khác như in ấn tài liệu, hồ sơ, thuê phòng nghỉ, đi lại, nếu người yêu cầu bồi thường không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp thì chi phí được bồi thường không quá 6 tháng lương cơ sở cho một năm, tính từ thời điểm bắt đầu khiếu nại, tố cáo hoặc tham gia tố tụng cho đến ngày có văn bản giải quyết bồi thường có hiệu lực.

Luật sư Hà Trọng Đại, Công ty Luật Hợp danh The Light, Đoàn Luật sư Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Chi phí thuê người bào chữa dựa trên hợp đồng thực tế nhưng không quá mức thù lao do Chính phủ quy định và chỉ thanh toán cho một người bào chữa/ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người bị thiệt hại.

Chi phí gửi đơn thư, tài liệu được tính theo biên lai cước phí bưu chính. Nếu không có hóa đơn, chứng từ thì tính một tháng lương cơ sở cho một năm.

Chi phí thăm gặp người bị tạm giam xác định theo số người, số lần thăm gặp thực tế nhưng không quá số người, số lần được thăm gặp tối đa theo quy định của pháp luật.

Trách nhiệm bồi thường của người thi hành công vụ

Bên cạnh việc xác định bồi thường, một vấn đề khác cũng được nhiều người quan tâm là trách nhiệm của những cán bộ, người thi hành công vụ gây ra hậu quả.

Luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa) nhận định theo Điều 64 Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước, người thi hành công vụ gây thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách Nhà nước một phần hoặc toàn bộ số tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại.

Trường hợp nhiều người thi hành công vụ cùng gây thiệt hại thì những người đó có nghĩa vụ hoàn trả tương ứng với mức độ lỗi của mình và thiệt hại mà Nhà nước phải bồi thường.

Nếu phát hiện oan sai khi những người thi hành công vụ đã nghỉ hưu, như trường hợp của cụ Khổng Văn Đệ, những người có trách nhiệm vẫn có nghĩa vụ hoàn trả.

Theo quy định của Điều 71 luật này, trường hợp người thi hành công vụ gây án oan đã nghỉ hưu, cơ quan bảo hiểm xã hội đang trả lương hưu cho những người này có trách nhiệm thu tiền theo quyết định hoàn trả và nộp đầy đủ, kịp thời vào ngân sách Nhà nước

Ngoài cơ quan bảo hiểm, cơ quan trực tiếp quản lý những người này tại thời điểm gây ra thiệt hại cũng có thể là tổ chức thực hiện quyết định hoàn trả theo quy định của pháp luật.

Hoàng Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/xac-dinh-muc-boi-thuong-oan-sai-cho-nguoi-dan-ra-sao-post1141331.html