Xác định lý do máy bay Vietnam Airlines suýt hạ cánh bằng bụng

'Nguyên nhân máy bay Boeing 787-9 của Vietnam Airlines hạ cánh không thả càng tại Úc do quá trình tiếp cận hạ cánh tại sân bay Melboume không ổn định.'

Ông Hồ Minh Tấn, Trưởng phòng tiêu chuẩn an toàn bay, Cục Hàng không Việt Nam, cho biết như vậy về sự cố máy bay của Vietnam Airlines tại Úc hôm 19-9, tại cuộc họp báo Bộ GTVT, diễn ra ngày 27-9.

Theo ông Tấn, ngay sau khi được thông báo vụ việc, Cục Hàng không Úc, Cục Hàng không Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ, tải dữ liệu xuống, phân tích, phỏng vấn tổ lái để đánh giá sơ bộ.

Những sự cố hàng không vừa qua tuy nhỏ những khiến nhiều hành khách lo lắng. Ảnh: Internet

Những sự cố hàng không vừa qua tuy nhỏ những khiến nhiều hành khách lo lắng. Ảnh: Internet

Theo quy định tại phụ ước 13, công ước Chicago, Cơ quan an toàn hàng không Úc chịu trách nhiệm điều tra nguyên nhân sự cố. Cục Hàng không Việt Nam đã cử thành viên tham gia điều tra.

“Sơ bộ bước đầu đánh giá sự cố máy bay Boeing 787-9 của Vietnam Airlines không thả càng có yếu tố con người dẫn đến tiếp cận không ổn định. Tuy nhiên, sau khi có cảnh báo của đài kiểm soát không lưu sân bay và cảnh báo của máy bay về càng máy bay chưa được thả, phi công đã tiếp cận vòng 2 và hạ cánh an toàn…”, ông Tấn thông tin.

Liên quan đến các sự cố hàng không gần đây, ông Tấn khẳng định trong chín tháng đầu năm 2019, sự cố hàng không của Việt Nam giảm rất nhiều so với năm ngoái, duy trì được 23 năm liên tục không xảy ra tai nạn nghiêm trọng.

Với trường hợp máy bay Boeing 737 của Hãng T’way Air hạ cánh khẩn nguy xuống Tân Sơn Nhất sau va chạm trên không, ông Tấn cho biết đã xác định máy bay hỏng phần mũi do va chạm với vật thể lạ chứ không phải chim trời vì không để lại dấu vết của chim.

"Vụ việc hiện đang trong quá trình điều tra, làm rõ. Vừa rồi chúng tôi có làm việc với Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, nhà chức trách hàng không Hàn Quốc về vụ việc. Ngoài ra, có sự tham gia của Bộ Quốc phòng vì đây là cơ quan chủ trì quản lý các phương tiện bay không người lái" - ông Tấn nói.

Đối với sự cố liên quan đến thiết kế, chế tạo động cơ NEO của Hãng Pratt Whitney gắn trên dòng máy bay mới Airbus A320 NEO, A321 NEO mà các hãng hàng không Việt Nam đang khai thác, Cục Hàng không đã làm việc với nhà sản xuất máy bay Airbus để khắc phục, chủ yếu sự cố xảy ra là do vấn đề vật liệu.

“Lô A320-321 mới sẽ có giải pháp khắc phục động cơ triệt để. Đối với động cơ đang khai thác, Airbus và các bên liên quan cũng cam kết sẽ khắc phục trong vòng 10-12 tháng. Tuy nhiên, các động cơ đang khai thác đều nằm trong giới hạn cho phép", ông Tấn khẳng định.

VIẾT LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/giao-thong/xac-dinh-ly-do-may-bay-vietnam-airlines-suyt-ha-canh-bang-bung-860823.html