Xác định cụ thể trách nhiệm của từng cơ quan trong giai đoạn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật

Chiều 09/01, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc phiên họp thứ 41 – phiên họp khởi đầu của năm 2020.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại phiên họp này, UBTVQH cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của 03 dự án Luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Đồng thời UBTVQH hội sẽ xem xét, quyết định việc sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện tại 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: quochoi.vn.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao tinh thần chủ động làm việc, sự nỗ lực, nhiệt huyết của các cơ quan của: Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan, đồng thời mong muốn thời gian tới các cơ quan tiếp tục cố gắng, phát huy.

Sau khai mạc, UBTVQH cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Vấn đề trách nhiệm chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu.

Thay mặt thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị, UBTVQH tiếp thu theo ý kiến của đa số ĐBQH là tiếp tục quy định cơ quan thẩm tra chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật như hiện nay. Đồng thời bổ sung một số quy định nhằm xác định cụ thể, rõ hơn trong luật trách nhiệm của từng cơ quan trong giai đoạn tiếp thu, chỉnh lý.

Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, việc tiếp tục quy định cơ quan thẩm tra chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật như hiện nay là chính xác. Ông Giàu đề nghị cần bổ sung một số quy định nhằm xác định cụ thể, rõ hơn trong luật trách nhiệm của từng cơ quan trong giai đoạn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.

Mặt khác, tất cả những sáng kiến, đề xuất chính sách, pháp luật muốn được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cần có đề cương, trong đó phải giải quyết được những bất cập trong thực tiễn cuộc sống, những vấn đề trong giai đoạn hội nhập và thể hiện được tư duy phát triển.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến nêu quan điểm, dự thảo Luật cần có quy định chặt chẽ về việc các cơ quan hữu quan phải có trách nhiệm đến cùng trong quá trình làm luật và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện luật.

“Hiện nay chúng ta mới nói đến trách nhiệm trong ban hành luật nhưng chưa nêu trách nhiệm của việc thực hiện luật. Cho nên mới có việc luật có rồi nhưng văn bản dưới luật chưa ban hành nên không thực hiện được. Do đó cần quy trách nhiệm của các cơ quan trong ban hành văn bản dưới luật”- ông Chiến nói.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, UBTVQH tán thành với phương án như hiện nay là cơ quan thẩm tra chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Bởi thực hiện theo phương án này không làm xáo trộn lớn trong tổ chức thực hiện, vừa bảo đảm được sự chủ động của các cơ quan của Quốc hội trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật trước khi trình Quốc hội thông qua; đồng thời cũng phát huy vai trò chủ động, trách nhiệm của cơ quan trình trong việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo luật./.

Thu Hằng

Nguồn ĐCSVN: http://dangcongsan.vn/thoi-su/xac-dinh-cu-the-trach-nhiem-cua-tung-co-quan-trong-giai-doan-tiep-thu-chinh-ly-du-thao-luat-546563.html