Xác định cụ thể các nhiệm vụ của lực lượng biên phòng

Việc xây dựng Luật này không chỉ luật hóa Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng mà còn nhằm hoàn thiện pháp luật về bảo vệ biên giới quốc gia, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) vừa cho ý kiến vào một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Biên phòng Việt Nam.

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt nêu rõ, về tên gọi của Luật, đa số ý kiến nhất trí với tên gọi “Luật Biên phòng Việt Nam”.

Một số ý kiến cho rằng, tên Luật có phạm vi rộng, chưa phù hợp với nội dung dự thảo Luật và đề nghị sửa lại là “Luật Bộ đội Biên phòng” hoặc “Luật Bộ đội Biên phòng Việt Nam” hoặc “Luật Lực lượng Bộ đội Biên phòng Việt Nam”.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh thống nhất cho rằng tên gọi “Luật Biên phòng Việt Nam” đã được xác định tại Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia, Nghị quyết số 78/2019/QH14 ngày 11/6/2019 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 và phù hợp với đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt báo cáo tại phiên thảo luận (ảnh: Quốc hội)

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt báo cáo tại phiên thảo luận (ảnh: Quốc hội)

Việc xây dựng Luật này không chỉ luật hóa Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng mà còn nhằm hoàn thiện pháp luật về bảo vệ biên giới quốc gia, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Vì vậy, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ tên Luật như dự thảo Chính phủ trình.

Về nhiệm vụ biên phòng, Dự luật qui định 6 nhiệm vụ cụ thể gồm: Xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch bảo vệ biên giới quốc gia; Quản lý, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, biên giới quốc gia; xây dựng, quản lý, bảo vệ hệ thống mốc quốc giới, công trình biên giới, cửa khẩu và khu vực biên giới;

Bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, hòa bình, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, kinh tế, văn hóa, xã hội, pháp luật, tài nguyên, môi trường; bảo đảm việc thi hành pháp luật ở biên giới, cửa khẩu và khu vực biên giới;

Xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân trong nền quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân; xây dựng khu vực phòng thủ ở khu vực biên giới gắn với phòng thủ quân khu và phòng thủ tỉnh, huyện, phòng thủ dân sự; phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu, thảm họa, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn ở khu vực biên giới;

Hợp tác quốc tế về biên phòng, đối ngoại biên phòng và ngoại giao nhân dân, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài, hợp tác và phát triển;

Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu chống chiến tranh xâm lược, xung đột vũ trang.

Về lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng, trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, để xác định rõ nhiệm vụ và có cơ sở quy định chế độ, chính sách phù hợp đối với từng lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng ở khu vực biên giới, Ủy ban Quốc phòng An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội qui định lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng gồm: Cơ quan chỉ đạo, chỉ huy và cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân ở khu vực biên giới, cửa khẩu; Bộ đội Biên phòng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách…

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/xac-dinh-cu-the-cac-nhiem-vu-cua-luc-luong-bien-phong-205310.html