Xác định công tác kiểm sát án hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá

Trên cơ sở Chỉ thị số 04/2018 của VKSND tối cao, Ban cán sự đảng VKSND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nghị quyết về công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật trong ngành Kiểm sát tỉnh Quảng Ninh, trong đó xác định công tác kiểm sát án hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá đồng thời đề ra các giải pháp cơ bản.

Viện trưởng cấp huyện phải trực tiếp chỉ đạo công tác kiểm sát án hành chính

Tại Hội nghị sơ kết 3 năm thi hành Luật tố tụng hành chính năm 2015 (Luật TTHC) vừa được VKSND tối cao tổ chức, một trong những tham luận của VKSND địa phương được đánh giá cao, được Viện trưởng VKSND tối cao biểu dương, lấy đó làm kinh nghiệm để toàn ngành KSND tham khảo, học tập, đó chính là tham luận của Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Ninh Lương Phúc Sơn:

Tham luận của Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong những năm gần đây, cũng như nhiều địa phương trên cả nước, tỉnh Quảng Ninh có nhiều cơ chế, chính sách mang tính đột phá, thu hút rất nhiều dự án lớn về xây dựng cơ sở hạ tầng (cầu cống, đường giao thông), khu công nghiệp, khu nghỉ dưỡng, du lịch.... tạo ra bước chuyển biến quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, với việc phải thu hồi đất đai, GPMB để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội cũng làm phát sinh tình hình tranh chấp, khiếu kiện hành chính về đất đai ngày càng phức tạp, dẫn đến lượng án hành chính ngày càng tăng (Năm 2017, thụ lý mới 96 vụ; năm 2018, thụ lý mới 159 vụ; 9 tháng đầu năm 2019, thụ lý mới 184 vụ, tổng cộng gần 3 năm là 439 vụ).

Các khiếu kiện hành chính tập trung chủ yếu về lĩnh vực thu hồi đất, đền bù GPMB (chiếm 95% tổng số án). Trước tình hình đó, cả cấp ủy và chính quyền đều quan tâm giải quyết và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, làm tốt công tác này, sẽ bảo đảm quyền lợi cho người dân và sự phát triển chung của tỉnh, của doanh nghiệp. Vì vậy, VKSND tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm, chú trọng đến công tác giải quyết án hành chính, đề ra nhiều giải pháp, triển khai thực hiện nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả khâu công tác này, qua đó, thực hiện tốt chức năng của Ngành, Chỉ thị số 04/2018 của Viện trưởng VKSND tối cao và nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Đồng chí Lương Phúc Sơn, Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Ninh.

Đồng chí Lương Phúc Sơn, Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Ninh.

Trên cơ sở Chỉ thị số 04/2018, Ban cán sự đảng VKSND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 86/NQ-BCSĐ về công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật trong ngành Kiểm sát tỉnh Quảng Ninh năm 2018 và những năm tiếp theo. Trong đó, xác định công tác kiểm sát án hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá của Ngành đồng thời đề ra các giải pháp cơ bản.

Cụ thể, trong công tác chỉ đạo điều hành, lãnh đạo VKSND tỉnh yêu cầu Viện trưởng VKSND cấp huyện phải trực tiếp chỉ đạo công tác kiểm sát án hành chính. Đối với cấp tỉnh, giao cho một đồng chí Phó Viện trưởng phụ trách; Viện trưởng VKSND tỉnh chỉ đạo chung, đồng thời trực tiếp nghe các vụ việc sau: Vụ việc mà người ra quyết định hành chính là lãnh đạo tỉnh, các vụ khiếu kiện đông người, bức xúc kéo dài, liên quan đến chức sắc tôn giáo, người có uy tín lớn trong xã hội…

Bố trí cán bộ phù hợp năng lực, sở trường

Trong công tác cán bộ, lãnh đạo VKSND tỉnh Quảng Ninh tập trung rà soát, đánh giá, sắp xếp, bố trí cán bộ làm công tác kiểm sát án hành chính ở cả 2 cấp, bảo đảm phù hợp năng lực, sở trường, có tâm huyết; điều chuyển, không bố trí những cán bộ có biểu hiện ngại khó, ngại khổ, thiếu sự say mê với công việc. Đến thời điểm hiện tại, đã bố trí nhân lực cho Phòng kiểm sát giải quyết án hành chính, kinh doanh thương mại… 7 cán bộ. Đối với cấp huyện, bố trí từ 1-2 Kiểm sát viên (KSV) làm công tác kiểm sát án dân sự, hành chính; một số đơn vị có số lượng án nhiều, lãnh đạo đơn vị phân công từ 2 KSV trở lên và có 1-2 đồng chí cán bộ, Kiểm tra viên giúp việc. Việc bố trí cán bộ vừa bảo đảm tính chuyên sâu vừa có tính kế thừa.

Lãnh đạo VKSND tỉnh Quảng Ninh cũng luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, KSV. Trong 3 năm qua, VKSND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức 4 hội nghị tập huấn triển khai, thực hiện Luật và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật TTHC cho toàn thể lãnh đạo, KSV, cán bộ trực tiếp làm khâu công tác này. Trong đó, giao cho cán bộ có năng lực nghiên cứu xây dựng quy trình thu hồi đất, GPMB và kỹ năng kiểm sát loại án này. Đồng thời, mời nhiều giảng viên, chuyên gia có kinh nghiệm ở Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, các vụ nghiệp vụ thuộc VKSND tối cao, TAND tối cao và chuyên viên một số sở, ngành chuyên sâu về lĩnh vực hành chính, đất đai ở địa phương (Sở TNMT, Sở Xây dựng...) tham gia giảng dạy.

Ngoài ra, lãnh đạo VKSND tỉnh còn chỉ đạo tăng cường đào tạo tại chỗ như tổ chức tham dự phiên tòa (trong đó có các phiên tòa trực tuyến) ở cả 2 cấp, lựa chọn những vụ án khó, phức tạp để tham dự theo cụm, phối hợp với Tòa án tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm để nâng cao kỹ năng cho KSV 2 cấp; bố trí Kiểm tra viên, chuyên viên tham gia ngồi cùng phiên tòa với KSV để giúp việc và học hỏi, rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ.

Để KSV, cán bộ làm công tác kiểm sát án hành chính yên tâm công tác, lãnh đạo VKSND tỉnh còn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi về chế độ, chính sách ưu tiên cho cán bộ, KSV làm công tác này, thể hiện trong việc xét thi đua, khen thưởng định kỳ hoặc đột xuất, chọn lựa cán bộ cử đi học các lớp chuyên sâu, thi tuyển KSV,…

Kiểm sát viên VKSND tỉnh Quảng Ninh phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án hành chính. Ảnh: VKSND tỉnh Quảng Ninh.

Tăng cường công tác phối hợp

Để nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án hành chính, lãnh đạo VKSND tỉnh đã phối hợp với Tòa án cùng cấp tham mưu Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành quyết định về việc thành lập Ban chỉ đạo và tổ giúp việc Ban chỉ đạo thực hiện thí điểm về đổi mới tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy là Trưởng Ban chỉ đạo, đồng chí Viện trưởng VKSND tỉnh là Ủy viên... Đặc biệt, Ban cán sự đảng VKSND tỉnh Quảng Ninh cũng đã ký Quy chế phối hợp với Ban cán sự đảng UBND tỉnh Quảng Ninh, tạo cơ sở cho công tác phối hợp giữa VKSND và chính quyền địa phương. Sau đó, cả 14 VKSND cấp huyện cũng đã ký các quy chế phối hợp với 14 UBND cấp huyện.

Theo đó, trong giai đoạn chưa ban hành quyết định hành chính, khi có những vụ việc hành chính phức tạp thì UBND gửi hồ sơ sang VKS để VKS nghiên cứu tham mưu, đề xuất giúp UBND ra các quyết định, bảo đảm đúng quy định pháp luật, bảo đảm quyền lợi của các bên liên quan hoặc UBND có thể mời VKS tham gia ngay từ khi họp bàn chuẩn bị phương án, dự án, tổ chức đối thoại. Trong giai đoạn sau khi ban hành quyết định hành chính mà phát sinh khiếu kiện thì UBND gửi hồ sơ vụ việc sang VKS để VKS tham mưu, tư vấn về căn cứ pháp lý, giúp UBND giải quyết khiếu kiện, đảm bảo đúng quy định pháp luật. Đồng thời, VKS chủ động phản ánh tình hình, dư luận trong việc thực hiện các quyết định hành chính, quyết định giải quyết khiếu kiện để UBND xem xét giải quyết. VKS phối hợp với tổ tư vấn của UBND và các ngành liên quan để tham mưu cho UBND tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong việc giải quyết các trường hợp khiếu kiện phức tạp. Thông qua công tác kiểm sát, VKS tổng hợp các vi phạm, thiếu sót của các ban, ngành, UBND các cấp trong các lĩnh vực liên quan đến quản lý nhà nước về đất đai, như: cấp đất, đăng ký chứng nhận QSDĐ, công chứng, chứng thực về chuyển nhượng đất, tài sản trên đất… Qua đó, kiến nghị, thông báo đến Chủ tịch UBND tỉnh để chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục.

Ngoài ra, VKSND tỉnh Quảng Ninh còn thường xuyên tranh thủ sự giúp đỡ của các Vụ, Viện nghiệp vụ thuộc VKSND tối cao nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc giải quyết các vụ việc phức tạp… Lãnh đạo VKSND tỉnh cũng chỉ đạo 2 cấp rà soát, ký kết các quy chế phối hợp với Tòa án tỉnh về việc tổ chức tham dự rút kinh nghiệm phiên tòa, về việc xét xử, giải quyết các vụ án dân sự, hành chính... Trong quá trình thụ lý, giải quyết án hành chính, Thẩm phán và KSV thường xuyên thông báo và trao đổi những vấn đề khó khăn, vướng mắc, bàn biện pháp phối hợp giải quyết kịp thời.

Với các giải pháp, biện pháp đồng bộ nêu trên, trong 3 năm qua, mặc dù lượng án thụ lý ngày càng tăng, nhưng kết quả án hành chính được giải quyết tăng lên cả về số lượng và chất lượng (năm 2017 giải quyết 73 vụ, năm 2018, giải quyết 120 vụ, 9 tháng đầu năm 2019, giải quyết 111 vụ).

Xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi

Về một số kiến nghị, giải pháp, VKSND tỉnh Quảng Ninh đề nghị Nhà nước quan tâm rà soát, sửa đổi, xây dựng hệ thống văn bản pháp luật, chính sách liên quan đến vấn đề quản lý đất đai một cách đồng bộ, tổng thể, khắc phục các bất cập hiện nay. Trong đó, đặc biệt chú ý đến các quy phạm liên quan đến chính sách đền bù, hỗ trợ khi thu hồi đất, GPMB, bảo đảm tính công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho nhân dân giám sát ngay từ khâu quy hoạch đến đấu giá, định giá, lập phương án đền bù,… Đồng thời, tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, ý thức trách nhiệm cho cán bộ làm công tác quản lý đất đai, cán bộ tư pháp từ cấp phường, xã trở lên, đặc biệt, chú trọng đến đào tạo các kỹ năng đối thoại với dân… Tăng cường công tác đối thoại, giải thích, giải trình cho nhân dân trong tất cả các giai đoạn từ khi lập phương án đến khi giải quyết khiếu nại, tố cáo khi thu hồi đất cũng như khi tham gia giải quyết vụ án, vụ việc tại Tòa án. Khi đối thoại với dân, cần huy động cả các tổ chức đoàn thể như MTTQ, khu phố… tham gia đối thoại, giải thích với dân ngay từ đầu, để nhân dân tin tưởng, đồng thuận và ủng hộ. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định của Luật TTHC và các văn bản liên quan, trong đó cần bổ sung vai trò của VKS trong việc kiểm sát án hành chính. Tiếp tục công tác đào tạo thường xuyên, đào tạo lại, nhất là đào tạo chuyên sâu, xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi về lĩnh vực án hành chính, dân sự… Đồng thời, có cơ chế, chính sách ưu tiên về thi đua, khen thưởng, tuyển dụng, luân chuyển, bổ nhiệm, đề bạt đối với cán bộ làm công tác kiểm sát án hành chính, dân sự.

Trong 2 năm 2018-2019, VKS 2 cấp đã tham mưu, tư vấn cho UBND các cấp giải quyết hơn 70 vụ việc, trong đó có rất nhiều vụ việc phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, đụng chạm đến lợi ích của nhiều người dân, đều đạt kết quả tốt, được cấp ủy và chính quyền địa phương tin cậy và đánh giá rất cao vai trò của VKS. Hiệu quả của công tác tham mưu, đề xuất của VKS thể hiện rõ qua việc đối với các vụ việc có VKS tham gia, thì sau khi thực hiện, đã tạo được sự đồng thuận của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án và hầu như không phát sinh khiếu kiện mới về án hành chính đối với các hành vi, quyết định hành chính liên quan đến công tác này.

V.T (t/h)

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/ban-tin-kiem-sat/xac-dinh-cong-tac-kiem-sat-an-hanh-chinh-la-nhiem-vu-trong-tam-khau-dot-pha-77709.html