Xã Xuân Thái phát triển kinh tế đồi, rừng

Xã Xuân Thái (Như Thanh) có 7.000 ha rừng; trong đó, có hơn 3.000 ha rừng phòng hộ, 3.000 ha rừng đặc dụng và hơn 1.000 ha rừng sản xuất. Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế từ điều kiện tự nhiên này, những năm qua, xã Xuân Thái đã xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế gắn với tiềm năng từ rừng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình nuôi ong lấy mật dưới tán rừng của gia đình anh Quách Văn Đạt, thôn Ấp Củ, xã Xuân Thái.

Theo chân cán bộ xã Xuân Thái, chúng tôi đến thăm mô hình nuôi hươu của gia đình ông Hà Văn Thuyên, thôn Ba Bái. Được biết, năm 2014, gia đình ông được Ban Quản lý Vườn quốc gia Bến En hỗ trợ 4 con hươu giống để phát triển kinh tế. Theo ông Thuyên, hươu là loại động vật hoang dã, nên mô hình nuôi hươu khá phù hợp với điều kiện đồi, rừng của địa phương. Do vậy, việc nuôi và phát triển đàn hươu khá thuận lợi, ngoài nguồn thức ăn từ cỏ voi tự trồng, gia đình ông còn tận dụng được số lượng lớn thức ăn từ các loại cây ở đồi, rừng, nên chi phí chăn nuôi hươu thấp, lợi nhuận đạt cao. Từ số lượng hươu được hỗ trợ ban đầu, đến nay, gia đình ông Thuyên đã phát triển đàn hươu lên tới 15 con. Trong đó, có 7 con hươu sinh sản để bán giống, còn lại là hươu đực để lấy lộc nhung. Bình quân hươu giống bán được 18 - 20 triệu đồng/con; hươu đực cho khai thác khoảng 9 lạng nhung/con/năm, giá trung bình 1,5 triệu đồng/lạng. Mỗi năm gia đình ông thu lãi hàng trăm triệu đồng từ việc nuôi hươu.

Tận dụng hoa rừng, gần 100 hộ dân xã Xuân Thái đã phát triển nghề nuôi ong lấy mật dưới tán rừng. Nhiều thanh niên ở đây cũng đã chọn nghề nuôi ong để khởi nghiệp. Để khuyến khích phát triển mô hình nuôi ong dưới tán rừng, năm 2020, xã đã vận động một số hộ nuôi ong có quy mô lớn để thành lập tổ hợp tác nuôi ong mật Xuân Thái. Tổ hợp tác đã thu hút được 6 thành viên tham gia, hiện các thành viên trong tổ đang tiếp tục nhân đàn và định hướng xây dựng sản phẩm ong mật Xuân Thái thành sản phẩm OCOP. Đánh giá về hiệu quả của mô hình nuôi ong dưới tán rừng, anh Quách Văn Đạt, thôn Ấp Củ, cho biết: Mô hình nuôi ong dưới tán rừng được đánh giá là một trong những mô hình phát triển kinh tế đồi rừng đạt hiệu quả kinh tế cao, ong được nuôi dưới tán rừng tại xã đều hoàn toàn lấy mật từ nguồn hoa tự nhiên trên đồi, trong rừng, đạt chất lượng tốt, được người tiêu dùng ưa chuộng, nên giá bán cao, bình quân hàng năm mỗi đàn ong có thể mang lại lợi nhuận từ 1,7 đến 2 triệu đồng.

Trên chỉ là 2 trong số hàng chục mô hình kinh tế đồi, rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao mà xã Xuân Thái đã và đang xây dựng, phát triển. Ông Nguyễn Trọng Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Thái, cho biết: Sở dĩ, trên địa bàn xã phát triển được nhiều mô hình sản xuất đồi, rừng đạt hiệu quả kinh tế cao là bởi, những năm qua, xã đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn trong huyện, trong tỉnh lựa chọn được những mô hình phù hợp với điều kiện kinh tế đồi, rừng và trình độ của người dân để triển khai thực hiện và nhân rộng. Các mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao hầu hết đều được kết hợp giữa chăn nuôi và trồng trọt.

Để tiếp tục phát triển kinh tế đồi, rừng, xã Xuân Thái sẽ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân đầu tư phát triển kinh tế đồi, rừng, trang trại, góp phần nâng cao đời sống. Đồng thời, khuyến khích, kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở chế biến lâm sản, bảo đảm thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Bài và ảnh: Tiến Xuân

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/xa-xuan-thai-phat-trien-kinh-te-doi-rung/135235.htm