Xa xăm lửa bếp vẫn nồng

Mái gianh. Bếp lửa. Có lẽ, đó là những hình ảnh khó quên nhất đối với lớp người chúng tôi. Trong những làng quê Việt xúm xít, bìu ríu sau những lũy tre làng um tùm và gai góc, nhấp nhô những mái nhà gianh ngả màu thời gian rất nhiều thương nhớ.

Minh họa: INT

Minh họa: INT

Vì khôn nguôi nhung nhớ hình ảnh cũ kỹ quen thuộc ấy mà tôi ghi lòng câu thơ này của Trần Đăng Khoa: "Mái gianh ơi hỡi mái gianh/ Ngấm bao mưa nắng mà thành quê hương". Quê hương! Đấy là nơi khởi nguồn tình yêu đất nước nồng nàn của tôi, của bao người, từ những điều nhỏ bé, bình dị như thế. Đến bây giờ tôi vẫn dành một góc hoài niệm cho mái nhà quê một thời, khi dày khi mỏng, lúc sáng lúc tối. Mái gianh - mái làng khi nắng ráo, khi mưa dầm, lúc yên bình, lúc giông bão che chở một không gian gia đình thôn quê Việt. Trong không gian đa phần cũ kỹ và nghèo khó đó kẽo kẹt khúc võng đưa có à ơi cánh cò, có kĩu kịt gánh gồng, có ra đi trở lại, có trầu cau rau muống, có cột có kèo, có áo có khăn... và làm sao thiếu được củi lửa tro than bếp núc!

Xa xăm. Thực ra đã xa xăm lắm rồi những điều tôi vừa kể. Kể như khúc đò đưa giữa độ xuân thì, kể cũng là để được trở về với quá khứ mờ tở, tỏ mờ khi tuổi không còn trẻ nữa. Bật dậy một tựa đề như nỗi bùi ngùi của kẻ xa quê ưa hoài niệm xa xăm lửa bếp vẫn nồng. Lửa bếp. Thấp thoáng hay bập bùng trong ánh bếp xa xưa là hình bóng những người thiên cổ. Bà đã vui chuyện trầu cau nồng ấm ở góc trời mênh mang nào. Mẹ hiển linh vào từng cơn gió cát trắng như mây bay đến từ khơi xa, nón lá áo nâu hư hư thực thực. Bố đang lang thang ở bến bờ nào, những chấm buồm như mầm lá nhấp nhô trên biển rộng, nghe rõ mùi rượu gạo, mùi thuốc lá, mùi mồ hôi mặn chát.

Tôi lại nhớ tôi, thời con nít ấy đang tha thẩn mé vườn, những bông bí vàng rực rung rinh trong nắng sớm, con chuồn chuồn bay trên ngọn cỏ và nắm ngô rang nhấn nhá ăn cùng cô bé láng giềng thua mình ba tuổi. Em sinh vào tuổi Hợi, be bé đã rõ xinh, mặt trái xoan, má lúm đồng tiền, đại khái là như vậy. Tất cả từng quần tụ, sum vầy bên bếp lửa quê. Nói. Cười. Cùng củi, lửa, than, tro, nồi, niêu... Cùng lục bục, xèo xèo... trên ngọn lửa ấm áp. Cùng mặn, ngọt, cay, đắng... với những món ăn bưng lên từ bếp.

Tinh mơ, mùa nắng hay mùa mưa, bếp của bà, của mẹ đã chập chờn sáng. Những thằng cu, con bẹp còn ngái ngủ làm sao biết được bà, mẹ đã thức dậy vấn tóc, chỉnh áo từ khi tiếng gà trống ò...ó...o... cất lên lần hai. Làm sao nghe được tiếng cọc cạch của nồi niêu, tiếng nước rí rắc đổ vào đâu đó, tiếng lửa diêm bắt vào rơm củi, tiếng ngọn bếp sáng nóng dần lên, tiếng thơm tho của khoai, ngô luộc...

Cũng có khi, tôi thức giấc được vào tờ mờ sáng, mới có hạnh phúc lưu giữ được bóng bà, bóng mẹ in trên vách đất tới bây giờ. Lửa sáng hồng ấm áp, ấp iu còn bóng mẹ, bóng bà lại sẫm đen như phiên bản bùn đất. Phiên bản bùn đất bập bùng in trên vách bếp với dáng ngồi cong cong, với cái đầu cui cúi xuống khi thổi lửa. Trong phiên bản bùn đất ấy giấu niềm vui của người biết lo toan, chăm chút. Khi bà vui, mùi trầu cau trộn lẫn mùi bếp, chỉ một lát nữa thôi, cháu mình sẽ có củ khoai, củ sắn, bắp ngô nóng rẩy ăn trước khi tới lớp. Khi mẹ vui, tích nước chè xanh thơm chát đã ủ xong cho chồng và các món ăn sáng cho gia đình đã nấu xong xuôi. Ôi, cái hạnh phúc một thời thật trong trẻo, giản đơn. Hạnh phúc là được chăm chút yêu thương người. Cũng như bếp lửa vậy, nhọ nhem, lem luốn phận mình còn ánh sáng, ấm áp, thơm thảo, dẻo bùi dành hết cho người khác. Trong khoảnh bếp còn tranh tối tranh sáng, thân hình bà, thân hình mẹ có đường viền của lửa.

Lửa bếp. Đường viền màu hồng ấm chưa bao giờ tắt trong tôi. Từ đường viền ấy, tôi ngửi được mùi thơm của nồi cơm gạo mới khi mở vung, mùi chua của nồi canh khế nấu với tép biển khô, mùi cá trích, mùi cá bống kho mặn, mùi khoai lang luộc, mùi ngô nướng... Đấy là khi thanh bình, no ấm. Còn thời bom rơi đạn lạc, thất bát mùa màng lại khác.

*

Chiến tranh lan rộng ra miền Bắc khi chúng tôi còn trẻ con. Ánh lửa, ngọn khói rất dễ trở thành mục tiêu hút máy bay Mỹ. Đêm. Xóm làng chìm trong màn đêm. Trên mặt đất chỉ có ánh chớp bom đạn, ánh đèn dù, những vệt lửa cháy rừng, cháy nhà gần xa. Chỉ còn những ngọn đèn dầu vặn nhỏ hết cỡ, hoe hoe sáng trong các căn hầm chữ A. Cuộc sống của người dân tuyến lửa phần lớn di dời xuống lòng đất. Nhưng những giấc mơ chưa bao giờ thiếu ánh sáng. Chúng tôi mơ hòa bình. Chúng tôi mơ thấy đường viền ánh bếp trên những đường cong của bà và mẹ mỗi tinh mơ. Chúng tôi mơ thấy không gian lộng lẫy của những lâu đài cổ tích. Chúng tôi mơ thấy được hát ca tưng bừng quanh ngọn lửa trại...

Thật đấy, có những năm tháng xanh xao, bữa ăn đơn sơ hết mức, lũ học trò chúng tôi lúc nào cũng thèm có cái gì đó cho vào miệng. Bà, mẹ và bố đã cố hết sức để cho lũ con cháu mình khỏi đói nhưng nhiều khi bất lực. Chiến tranh lan rộng và ngày thêm khốc liệt. Bom đạn bốn bề. Khó khăn chồng chất. Bếp lửa nhà nhà dường như bị thu hẹp lại, ăn lấy bữa chứ không được ăn lấy no. Có lúc thiếu gạo mẹ tôi đã thái rau muống hấp vào cơm cho cả nhà ăn hay dùng cám nấu cháo thay bữa. Vẫn sống. Vẫn vui. Đó là điều kỳ diệu khó lý giải.

Chiến tranh chống Mỹ chưa kết thúc khi tôi tròn mười tám. Nhập ngũ. Tôi, quân phục vải tô châu thùng thình, mũ cối, dép đúc, ba lô con cóc đến Trường Sơn. Hành trang người lính có hình ảnh bếp lửa quê nhà. Những khoảnh bếp vô danh, giống nhau bởi câu chuyện cổ tích cảm động và bao dung về ông Táo, bà Táo. Hai ông, một bà quyện lại nghĩa tào khang, vững chãi bền bỉ như kiềng ba chân: "Dù ai nói ngã nói nghiêng/ Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân". Chiếc kiềng ba chân ăn củi, ăn rạ vẽ nên khoảng sáng ấm nồng bếp núc.

Khi đào bếp Hoàng Cầm, tôi lại nhớ tới bếp nhà quê. Khi tôi làm lính, bếp Hoàng Cầm đã nổi tiếng từ lâu. Thời tôi chưa sinh, năm 1951 - 1952 trong chiến dịch Hòa Bình hồi đánh Pháp, chiếc bếp mang tên Tiểu đội trưởng nuôi quân Hoàng Cầm đã ra đời và trở nên phổ biến khi quân ta bao vây, tấn công giặc ở Điện Biên Phủ. Thời đánh Mỹ thì bếp Hoàng Cầm, một loại bếp khoét vào đất có những rãnh thoát tản khói kỳ diệu đã vô cùng quen thuộc với bộ đội ta. Bếp này giúp bộ đội ta nấu nướng cả ngày lẫn đêm mà không sợ máy bay giặc phát hiện ra lửa khói.

"Những chàng lính trẻ măng tơ/ Nghêu ngao gõ bát hát chờ cơm sôi" (thơ Tố Hữu) là bên bếp Hoàng Cầm ở Trường Sơn đấy. Cái bếp Hoàng Cầm rải theo bước chân người lính, những chặng hành quân thăm thẳm vẫn có củi lửa ấm nồng, nắng mưa, gió bão, đạn bom, góc quê tâm tưởng ấy chẳng bao giờ lụi tắt, như sức sống Tổ quốc mãnh liệt và bất tận dù hi sinh mất mát chẳng mấy lúc vơi. Đồng đội thưa dần sau mỗi chiến dịch nhưng thế trận toàn dân vẫn giăng bủa muôn nơi để có chiến thắng cuối cùng thuộc về phía chính nghĩa. Tiểu đội trưởng nuôi quân Hoàng Cầm nổi tiếng chẳng kém gì thi sĩ Hoàng Cầm, người viết nên những bài thơ lừng danh như "Bên kia sông Đuống", "Lá diêu bông"... Còn có một vị tướng Hoàng Cầm nữa đấy nhé. Một tướng lĩnh, một thi sĩ, một người lính nuôi quân trùng họ tên đều làm tròn phận sự của mình với Tổ quốc, với nhân dân và cũng đều nổi tiếng. Quả là thú vị.

*

Ai rồi cùng trở về với khoảnh bếp nhà mình. Dù bây giờ cái kiểu bếp có kiềng ba chân không còn mấy nữa ở vùng đô thị và nhiều nơi ở nông thôn. Bếp ga, bếp điện, bếp từ... dần dà thay thế cái bếp truyền thống. Dẫu thế thì ngọn lửa bếp ấm nồng dân dã vẫn mãi là biểu tượng của sum họp, của tình cảm gia đình, chòm xóm. Câu "Có nhau khi tối lửa, tắt đèn" vẫn mang ý nghĩa nhân bản muôn năm. Ngọn lửa bếp ấm nồng có trong hiện thực hay tâm tưởng vẫn tỏa sáng vào thương nhớ của cuộc đời. Người ta chẳng quên, chẳng bỏ lễ cúng đưa ông Táo lên Trời vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch. Cũng như ngày rằm, ngày Tết có nén hương, bát nước, đĩa trái cây cúng dâng Táo quân nhà mình. Trong gian bếp rộng rãi hay chật hẹp, tôi vẫn đọc được những chăm chút, thương mến của mỗi gia đình như minh chứng về sự gắn bó kết nối huyết thống bền vững.

Nói chuyện bếp núc đâu chỉ nhắc tới ẩm thực, nồi niêu mâm bát. Với người Việt thì đó còn là góc tâm linh, là câu chuyện của đời trước, đời nay và đời sau. Bởi thế, như một lẽ tự nhiên, tôi chưa bao giờ quên được bếp lửa ấm áp của bà, của mẹ, của câu chuyện cổ tích, của những bữa ăn lưng đầy thời bé. Sao quên được những bữa ăn của người lính bên bếp Hoàng Cầm, "Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy" như câu thơ của Phạm Tiến Duật tôi còn lưu giữ. Với tôi, bếp lửa là ân tình thiêng liêng mãi mãi không phai. Dẫu xa xăm lửa bếp vẫn nồng!

Ngọn lửa bếp ấm nồng có trong hiện thực hay tâm tưởng vẫn tỏa sáng vào thương nhớ của cuộc đời.

Đại tá Nguyễn Hữu Quý

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/xa-xam-lua-bep-van-nong-20200114095611535.htm